MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tương lai tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam hàng chục tỷ USD: Số nhân lực vận hành sẽ 'khủng' cỡ nào?

Tuyến đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam dự kiến được xây dựng với chiều dài 1.545 km nên cần tổng số nhân lực là 13.880 người.

Mỗi km đường sắt tốc độ cao cần 9 người vận hành

Trong đề án tái cơ cấu doanh nghiệp để quản lý, khai thác đường sắt tốc độ cao, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đã báo cáo Bộ GTVT lộ trình tái cơ cấu tương ứng với dự án trọng điểm ngành đường sắt.

VNR có kế hoạch lập ra hai đơn vị chuyên trách cho việc quản lý, bảo dưỡng và vận hành cơ sở hạ tầng của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. 

Thứ nhất, một Công ty TNHH chuyên về Quản lý, bảo trì, khai thác đường sắt tốc độ cao, VNR sở hữu hoàn toàn vốn điều lệ và sẽ quản lý tài sản cơ sở hạ tầng như cầu, đường hầm, nền đường, hệ thống thông tin hiệu, điện và các thành phần khác liên quan tới đường sắt tốc độ cao, nhận từ Dự án Đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam. 

Thứ hai, cũng là một Công ty TNHH VNR quản lý toàn bộ vốn điều lệ, sẽ nhận các phương tiện vận tải, thiết bị và công trình thuộc dự án, để vận hành kinh doanh vận tải và thanh toán phí thuê cơ sở hạ tầng đường sắt tốc độ cao. Công ty này còn phụ trách việc kêu gọi sự hợp tác kinh doanh từ các doanh nghiệp khác, VOV Giao thông đưa tin. 

Số lượng nhân sự

Ảnh: VOV

Với dự án đường sắt tốc độ cao kéo dài 1.545 km trên trục Bắc - Nam, dựa trên kinh nghiệm quốc tế và việc tính toán nhu cầu về nhân sự cho từng vị trí, VNR ước tính cần 8,98 người/km  để quản lý và vận hành tuyến đường này tại Việt Nam, tức tổng cộng cần 13.880 người. 

Trong đó, giai đoạn một từ năm 2027 đến 2035, xây dựng hai phân đoạn đầu tiên với chiều dài tổng cộng khoảng 651 km, sẽ cần tới 5.943 nhân sự.

Giai đoạn hai từ năm 2035 đến 2040, khi xây dựng nốt các phân đoạn còn lại với tổng chiều dài khoảng 894 km, sẽ cần thêm 7.937 nhân sự.

"Trong khoảng thời gian từ 2025 đến 2027, VNR kỳ vọng sẽ tổ chức đào tạo 200 cán bộ chủ chốt, bao gồm các vị trí quan trọng như giáo viên, kỹ sư, chuyên gia tài chính dự án, và quản lý dự án, sử dụng nguồn vốn từ Tổng công ty và các đơn vị thuộc quyền quản lý," báo Đầu tư dẫn lời ông Hoàng Gia Khánh, Tổng giám đốc của VNR.

Lộ trình tái cơ cấu VNR gắn với lộ trình đầu tư đường sắt tốc độ cao

Báo Kinh tế & Đô thị dẫn thông tin từ đề án cho biết lộ trình tái cơ cấu VNR sẽ triển khai theo các giai đoạn tương ứng với lộ trình đầu tư của Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. 

Cụ thể, từ năm 2025 đến năm 2030, cơ cấu tổ chức của VNR sẽ được giữ ổn định như giai đoạn 2021-2025 nhưng sẽ tăng cường năng lực và số lượng nhân sự để vừa vận hành hệ thống đường sắt hiện hữu vừa tham gia vào việc xây dựng dự án đường sắt tốc độ cao, đồng thời chuẩn bị nguồn nhân lực cần thiết cho việc khai thác và bảo dưỡng tuyến đường này.

Từ năm 2030 đến năm 2032, hoặc sau khi dự án đường sắt tốc độ cao được hoàn thành và chính thức vận hành, sẽ tiến hành thành lập Công ty TNHH một thành viên Quản lý, bảo trì, khai thác đường sắt tốc độ cao và Công ty TNHH một thành viên Vận tải đường sắt tốc độ cao.

Số lượng nhân sự

Đường sắt tốc độ cao Bắc Nam trong tương lai. Ảnh minh họa được tạo bằng ứng dụng AI Chat GPT

Giai đoạn tiếp theo, từ năm 2032 đến 2045, hoặc đến khi dự án được hoàn thành và đi vào hoạt động, VNR sẽ quản lý một cách tập trung và thống nhất cả hệ thống đường sắt thông thường lẫn đường sắt tốc độ cao, thông qua Trung tâm Điều hành GTVT đường sắt.

Trước đó, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 49-KL/TW về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định: "Vận tải đường sắt đóng vai trò chủ đạo trên hành lang kinh tế Bắc - Nam" và đặt mục tiêu đến năm 2025 phần đấu hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Theo quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt năm 2021, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam từ ga Ngọc Hồi đến ga Thủ Thiêm dài 1.545 km, đường sắt đôi khổ 1.435 mm.

Chính phủ đặt mục tiêu năm 2025 sẽ hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam và khởi công năm 2030, ưu tiên đoạn Hà Nội - Vinh và TP HCM - Nha Trang.

Năm 2045, Việt Nam sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam.

Trước đó, hồi tháng 11/2023, Dự thảo Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam được Bộ GTVT đưa ra trưng cầu góp ý kiến tham vấn với 3 kịch bản khác nhau về tổng mức đầu tư.

Trong đó, kịch bản 1: Xây dựng mới tuyến đường sắt Bắc - Nam đường đôi, khổ ray 1.435mm, chiều dài 1.545km, tốc độ thiết kế 350km/h, tải trọng trục 17 tấn/ trục, khai thác riêng tàu khách; nâng cấp cải tạo đường sắt Bắc – Nam hiện hữu để chuyên chở hàng, chở khách du lịch và khách chặng ngắn. Tổng mức đầu tư dự kiến cho kịch bản này khoảng 67,32 tỷ USD.

Kịch bản 2: Xây dựng mới tuyến đường sắt Bắc - Nam, đường đôi, khổ ray 1.435mm, tải trọng 22.5 tấn/ trục, khai thác chung cả tàu chở khách và chở hàng; tốc độ thiết kế khoảng 200 - 250km/h, chạy tàu hàng tối đa 120km/h, hiện đại hoá đường sắt Bắc – Nam hiện hữu để chuyên chở hàng, chở khách du lịch và khách chặng ngắn. Tổng mức đầu tư dự án theo phương án này khoảng 72,02 tỷ USD.

Kịch bản 3: Xây dựng mới tuyến đường sắt Bắc - Nam, đường đôi, khổ ray 1.435mm, tải trọng 22.5 tấn/ trục, khai thác tàu chở khách và dự phòng cho chở hàng khi có nhu cầu; tốc độ thiết kế 350km/h. Tổng mức đầu tư dự án theo phương án này khoảng 68,98 tỉ USD. Trường hợp đầu tư ngay hạ tầng, thiết bị, phương tiện để phục vụ khai thác tàu hàng chạy suốt từ Bắc vào Nam thì kinh phí đầu tư khoảng 71,69 tỷ USD.


Theo T.Hà

Đời sống & pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên