MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tương lai Việt Nam phụ thuộc vào sự phát triển của tầng lớp trung lưu?

Là tầng lớp sẽ chiếm 33% dân số Việt Nam năm 2020, tầng lớp trung lưu được dự báo sẽ là nhân tố tác động mạnh mẽ đến tương lai đất nước, TS. Phùng Đức Tùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong nói với Trí Thức Trẻ.

Tầng lớp trung lưu ở Việt Nam là những người có mức thu nhập từ 18 triệu đồng/ tháng đến 40 triệu đồng/ tháng. 

"Sự gia tăng nhanh chóng tầng lớp trung lưu ở Việt Nam đóng vai trò quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, đặc biệt là việc dịch chuyển nền kinh tế từ phụ thuộc vào xuất khẩu sang tiêu dùng nội địa", TS. Phùng Đức Tùng nói.

Tầng lớp này đóng vai trò quan trọng trong việc đổi mới và sáng tạo. Các nghiên cứu gần đây cho thấy hầu như các phát minh, sáng chế  đều bắt nguồn từ những người xuất thân từ các gia đình trung lưu, hầu như không có từ những người xuất thân từ những gia đình giàu có và rất ít từ những người xuất thân từ các gia đình nghèo.

Tầng lớp trung lưu ở Việt Nam đóng vai trò cốt lõi trong việc hình thành và phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo việc làm và góp phần vào nâng cao vai trò và vị thế của khu vực kinh tế tư nhân, góp phần xây dựng một nền kinh tế thị trường hoàn hảo, cạnh tranh minh bạch, giảm sự phục thuộc của nền kinh tế vào khối doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp lớn từ đó có đóng góp rất quan trọng trong việc giảm rủi ro và tác động của các cuộc khủng hoảng kinh tế đến nền kinh tế nói chung.

Bên cạnh đó, họ đóng góp rất quan trọng trong việc thúc đẩy và cải cách thể chế giúp nâng cao hiệu quả của nền kinh tế. Một trong những lý do quan trọng là tầng lớp trung lưu thì thường xuyên sử dụng dịch vụ công và ít có khả năng sử dụng các dịch vụ tư như tầng lớp giàu do vậy họ có động lực thúc đẩy cải cách các chính sách liên quan đến chất lượng các dịch vụ công và chi tiêu ngân sách cho hiệu quả và bình đẳng, không phục vụ nhóm lợi ích. Ví dụ như chất lượng hệ thống giáo dục công lập có thể ko phải là vấn đề quan tâm của tầng lớp giàu vì con cái họ đều học ở các trường tư thục.

Mặt khác, nhóm giàu có thể có giải pháp không phụ thuộc vào các qui định pháp luật trong nước như họ có thể xin thẻ công dân nước ngoài hay định cư ở nước khác. Trong khi tầng lớp trung lưu gần bắt buộc phải sống và tuân thủ các qui định của Việt Nam nên nếu tầng lớp này tăng lên sẽ giúp cho việc thúc đẩy cải cải thể chế được thực hiện nhanh hơn và hiệu quả hơn.

Sự gia tăng tầng lớp trung lưu ở Việt Nam cũng thúc đẩy việc đầu tư nhiều hơn vào giáo dục gồm cả chi tiêu công và tư. Tầng lớp trung lưu rất coi trọng vai trò của giáo dục do vậy họ luôn quan tâm đến chất lượng của hệ thống giáo dục và ủng hộ các chính sách và ngân sách đầu tư nhiều cho giáo dục. Mặt khác, họ cũng không ngần ngại chi tiền cho con em mình nâng cao kiến thức. Năm 2014, chi tiêu cho giáo dục của tầng lớp trung lưu ở Việt Nam chiếm 20,3% tổng chi tiêu của họ.

"Do vậy, họ đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quốc gia. Đây là nhân tố quan trọng trong việc duy trì và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam một cách bền vững", ông Tùng nói.

Một nghiên cứu của Wold Bank sử dụng số liệu năm 2010 cho thấy cho thấy nếu tăng 1% thu nhập của tầng lớp trung lưu ở Việt Nam sẽ góp phần tăng 0,56% GDP bình quân đầu người, làm tăng tỷ lệ dân số được đào tạo thêm 1,06%, làm giảm hệ số bất bình đẳng GINI khoảng 0,17 và tăng tỷ lệ đầu tư toàn xã hội cho phát triển kinh tế trên GDP thêm 6%.

Dù vậy, theo TS. Phùng Đức Tùng, các chính sách hiện nay đang có nhiều cản trở đối với sự phát triển của tầng lớp trung lưu của Việt Nam. Một trong những số đó là thuế thu nhập cá nhân mới sẽ có tác động tiêu cực lớn đến những người có mức thu nhập từ 24 đến 41 triệu đồng/ tháng và họ phải đóng tăng thêm khoảng 10% so với mức trước đây, tác động tiêu cực đến động lực của họ và giảm khả năng tăng tiêu dùng trong nước.

Bên cạnh đó, thuế VAT, luật BHXH mới,  các phí liên quan đến BOT cũng có tác động nhiều nhất đến tầng lớp trung lưu vì họ là những người tiêu dùng chính và sử dụng nhiều dịch vụ liên quan đến BOT

Tầng lớp trung lưu hiện nay cũng không được tham gia nhiều vào quá trình xây dựng và sửa đổi các chính sách dẫn đến một số chính sách hiện nay thực hiện không mang lại hiệu quả cao hoặc bị chi phối bởi các nhóm lợi ích như việc qui hoạch các khu đô thị, các chính sách liên quan đến BOT, tăng phí, thuế, chính sách liên quan đến BHXH mới

Ngoài ra, các chính sách hiện này không hỗ trợ và nuôi dưỡng các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các chính sách thuế và các qui định liên quan đến tiếp cận vốn đang là rào cản rất lớn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hệ quả là hàng năm có từ 10 đến 15% doanh nghiệp đóng cửa và chủ yếu những doanh nghiệp này là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

N.Dương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên