Tuy lưỡng đảng thúc đẩy hàng Mỹ, một thứ Made in China "dự báo" kết quả bầu cử vẫn tràn ngập xứ cờ hoa
Các nhà sản xuất Mỹ cho biết hàng hóa giả mạo xuất xứ đang làm xói mòn hy vọng của họ trong năm bầu cử tổng thống.
- 05-10-2024Những bang chiến địa nào sẽ quyết định kết quả bầu cử Mỹ?
- 03-10-2024Bạo lực chính trị tăng, Mỹ siết an ninh bầu cử chưa từng có: Nút báo động, kính chống đạn và hơn thế nữa
- 02-10-2024Bầu cử Mỹ: Kịch bản phũ phàng khi bà Harris đánh thuế giới siêu giàu? Đáp án ở câu hỏi không ai giơ tay
Theo phân tích của Financial Times (FT), hơn 90% cờ và mũ ủng hộ hai ứng cử viên tổng thống Mỹ Donald Trump và Kamala Harris bán chạy nhất trên nền tảng thương mại điện tử Amazon đều có địa chỉ của người bán tại Trung Quốc. Nhưng cả hai ứng cử viên đều tuyên bố trên trang web chính thức của họ rằng họ chỉ bán các sản phẩm do Mỹ sản xuất.
Dự đoán kết quả bầu cử dựa trên đơn hàng
Các nhà sản xuất Trung Quốc được FT phỏng vấn cho biết, họ đang trông chờ vào doanh số bán hàng trực tuyến trực tiếp cho những người ủng hộ hai ứng cử viên sau khi đơn đặt hàng từ các nhà bán lẻ Mỹ giảm trong bối cảnh căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh.
Nhiều thương gia Trung Quốc nói trên gian hàng Amazon của họ rằng cờ ủng hộ ông Trump hoặc bà Harris của họ được sản xuất tại Mỹ để thu hút khách hàng Mỹ yêu nước, mặc dù chúng được hải quan Mỹ dán nhãn "sản xuất tại Trung Quốc".
Theo FT, làn sóng hàng giá rẻ đã ảnh hưởng đến các nhà máy của Mỹ đang phải vật lộn với chi phí lao động và nguyên liệu thô tăng cao. Một số nhà sản xuất cờ của Mỹ cho biết, doanh số tăng trong năm bầu cử mà họ mong đợi đã không thành hiện thực vì đã mất thị phần vào tay các đối thủ cạnh tranh Trung Quốc.
Việc mất doanh số và giả mạo xuất xứ của sản phẩm đã làm dấy lên sự tức giận từ phía các nhà sản xuất Mỹ, họ cáo buộc các nhà sản xuất cờ của Trung Quốc đã làm suy yếu sự cạnh tranh công bằng.
Phản ứng dữ dội này đã nêu bật những thách thức mà Mỹ phải đối mặt để giảm sự phụ thuộc vào các sản phẩm của Trung Quốc và diễn ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Joe Biden đang cố gắng bịt một lỗ hổng thương mại cho phép các tập đoàn Trung Quốc gửi các lô hàng có giá trị dưới 800 USD vào Mỹ mà không phải trả thuế nhập khẩu.
Các nhà máy Trung Quốc đã cung cấp công cụ cho chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ trong nhiều năm. Các thương gia ở Nghĩa Ô, thành phố miền đông Trung Quốc, có một trong những thị trường bán buôn hàng sản xuất lớn nhất thế giới, cho biết họ có thể thấy trước chiến thắng trong cuộc bầu cử Mỹ vào năm 2016 của ông Trump dựa trên các đơn đặt hàng mạnh hơn từ những người ủng hộ ông so với những đơn đặt hàng từ những người ủng hộ bà Hillary Clinton.
Nhưng sự cạnh tranh ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc đã khiến mô hình kinh doanh bán buôn của Nghĩa Ô khó duy trì hơn. Năm người bán cờ và mũ trên Amazon nói với FT rằng đơn đặt hàng với họ về công cụ tranh cử Mỹ năm 2024 thấp hơn từ 20 đến 30% so với số lượng năm 2020 vì người mua buôn của Mỹ bắt đầu tìm nguồn cung ứng thay thế từ Việt Nam và Campuchia.
"Khách hàng Mỹ của chúng tôi không muốn chỉ làm việc với các nhà cung cấp Trung Quốc mặc dù chúng tôi cung cấp mức giá thấp nhất và chất lượng tốt", Jack Zhang - một người bán cờ tại Nghĩa Ô cho biết. "Họ muốn có một chuỗi cung ứng đa dạng hơn mặc dù điều đó có nghĩa là họ phải trả giá cao hơn".
Dữ liệu chính thức từ Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ cũng cho thấy sự chậm lại, khi lượng cờ Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc đã giảm hơn 1/4, xuống còn 2 tỷ USD, trong khoảng thời gian từ năm 2022 đến năm 2023.
Bất chấp sự phản kháng, các thương gia Trung Quốc vẫn muốn khai thác thị trường chính trị béo bở của Mỹ vì tình trạng dư thừa công suất đã đẩy biên lợi nhuận của họ xuống mức cực thấp tại quê nhà Trung Quốc.
"Rất ít thị trường có thể cạnh tranh với Mỹ về quy mô và lợi nhuận", Zhang - người bán cờ tại Nghĩa Ô cho biết. Thương gia này đã đạt lợi nhuận 15% vào tháng 5 với đơn hàng trị giá 12.000 USD cho những mặt hàng có chủ đề về ông Trump.
Khi các kênh bán buôn thu hẹp, các thương gia Trung Quốc bắt đầu mở những cửa hàng trực tuyến để nhắm mục tiêu trực tiếp đến cử tri Mỹ. Theo kết quả tìm kiếm các mặt hàng bán chạy nhất trên Amazon với từ khóa "Cờ Trump 2024", 46 trong số 48 mặt hàng đầu tiên trong danh sách nêu rõ địa chỉ người bán tại Trung Quốc.
Nhà sản xuất Mỹ không thể cạnh tranh với Trung Quốc
Có rất ít rào cản khi điều hành một doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa liên quan đến chiến dịch trang cử Mỹ từ xa như vậy. Các nhà máy ở Trung Quốc cho biết, họ có thể lấy mẫu cờ tranh cử trên internet hoặc tự tạo ra các thiết kế mới.
Jonathan Wang - một người bán cờ ở Nghĩa Ô - cho biết, các nhà máy địa phương đã sản xuất mẫu cờ có hình ảnh ông Trump phản ứng với nỗ lực ám sát bất thành hồi tháng 7 chỉ chưa đầy 24 giờ sau khi ông bị bắn.
"Chúng tôi quan tâm đến các sự kiện hiện tại của Mỹ nhiều như công chúng Mỹ", Wang cho biết, đồng thời nói thêm rằng mẫu cờ đó đã được bán với "giá cao do tính thời sự".
"Bạn sẽ mất một hoặc hai tuần ở Mỹ, nếu không muốn nói là lâu hơn, để bắt đầu sản xuất hàng loạt", Cameron Johnson – thành viên cấp cao tại công ty tư vấn Tidal Wave Solutions có trụ sở tại Thượng Hải - cho biết. "Ở Trung Quốc, họ có thể làm điều đó trong vòng một hoặc hai ngày, và rất khó để cạnh tranh."
Các đối thủ Mỹ cũng phải vật lộn để cạnh tranh với lợi thế về chi phí của các nhà sản xuất Trung Quốc. Các nhà sản xuất cờ ở Nghĩa Ô đang tính giá thấp tới 90 xu/chiếc (hơn 22.000 VNĐ) cho 1.000 lá cờ tranh cử bằng nylon.
Carl Porter III - chủ tịch công ty sản xuất đồ trang trí WGN Flag & Decorating Co tại Chicago (Mỹ) - cho biết, ông "thậm chí không thể mua được vật liệu để làm một lá cờ với giá dưới 5 USD [gần 124.000 VNĐ]”.
“Chúng tôi biết sản phẩm của mình sẽ đắt hơn”, Porter cho biết, ông cũng nói thêm rằng công ty của ông đã mất một nửa khách hàng bán lẻ vào tay các đối thủ Trung Quốc trong 5 năm qua: “Chúng tôi không thể cạnh tranh với lao động Trung Quốc”.
Gắn mác "Made in the USA" mặc dù được sản xuất tại Trung Quốc
Sau khi các chiến dịch tranh cử của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều cam kết bán hàng hóa chính trị có nguồn gốc tại địa phương, nhiều nhà máy Trung Quốc bắt đầu che giấu danh tính của họ trên gian hàng trực tuyến. Hiện tại, 15 trong số 16 lá cờ có chủ đề Trump gắn mác “Made in the USA” (sản xuất tại Mỹ) bán chạy nhất trên Amazon cho thấy địa chỉ của người bán ở Trung Quốc.
Một thành viên công ty Xiankang Excellence Construction Co có trụ sở ở Tây An (Trung Quốc) cho biết, việc đưa logo “Made in the USA” vào lá cờ Trump đã khiến nó trở thành một trong những sản phẩm bán chạy nhất của họ trên Amazon.
“Chúng tôi đang làm những gì có thể để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Mỹ”, người này cho biết.
Các nhà sản xuất Mỹ cho biết sự phổ biến của những mặt hàng như vậy đã gây tổn hại đến họ.
Reginald VandenBosch - phó chủ tịch bán hàng tại Valley Forge Flag, một trong những nhà sản xuất cờ lớn nhất Mỹ - cho biết, mức tăng dự kiến từ 5 đến 10% doanh số bán hàng toàn ngành đến từ cuộc đua tổng thống năm 2024 đã nhường chỗ cho sự tăng trưởng chậm lại và trong một số trường hợp là sự sụt giảm đáng kể khi cờ do Trung Quốc sản xuất tràn ngập thị trường Mỹ.
"Dự kiến là doanh số sẽ tăng", ông nói. "Nhưng thực tế không phải vậy".
Các thành viên trong ngành công nghiệp Mỹ cho biết cần phải giải quyết tình trạng giả mạo xuất xứ của sản phẩm.
"Điều này thật tệ hại", Kim Glas - giám đốc điều hành Hội đồng các tổ chức dệt may quốc gia Mỹ - cho biết. "Người tiêu dùng ấn nút đặt hàng và nghĩ rằng họ đang mua thứ gì đó có lợi cho người lao động ở Ohio, Wisconsin, New York, hay bất cứ nơi nào, nhưng họ không nhận ra rằng những hình ảnh và tuyên bố về sản phẩm sản xuất tại Mỹ mà bạn tìm thấy có vẻ là sai sự thật, và sản phẩm này đang được sản xuất ở nước ngoài với mức giá được trợ cấp và trong điều kiện không được phép theo luật pháp Mỹ."
Một số nhà sản xuất Trung Quốc không tin rằng nhãn mác của họ là nguyên nhân. Zhang - người sản xuất cờ ở Nghĩa Ô - cho biết, các nhà máy Trung Quốc đã gây dựng được sức mạnh về chi phí và kiểm soát chất lượng mà có thể mất nhiều năm để các nhà sản xuất Mỹ bắt kịp.
"Các nhà máy của Mỹ không còn cạnh tranh như trước nữa", Zhang nói.
Hữu Hiển
Đời Sống Pháp Luật