Tùy viên Quốc phòng Mỹ kể về người cứu mạng ở Sapa và 4 cam kết cho Việt Nam
Nhân dịp Tết nguyên đán xuân Nhâm Dần 2022, Đại tá Thomas M. Stevenson, Tùy viên Quốc phòng Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam đã dành cho chúng tôi buổi trò chuyện hết sức thú vị.
- 26-01-2022Loạt chính sách mới về BHXH, BHYT có hiệu lực từ tháng 2/2022
- 25-01-2022GS Võ Tòng Xuân chỉ ra điều ‘sung sướng nhất’ của người làm khoa học và cơ hội từ giải thưởng VinFuture
- 25-01-2022Kinh tế trưởng VinaCapital giải mã vì sao Việt Nam ít bị ảnh hưởng nhất trước hiện tượng 'taper tantrum'
PV: Thưa Đại tá Thomas M. Stevenson - Tùy viên quốc phòng Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, được biết trong thời gian công tác ở Việt Nam, ông chắc hẳn đã đi nhiều nơi, được ngắm, thưởng thức nhiều phong cảnh, văn hóa nghệ thuật và ẩm thực đặc sắc của đất nước chúng tôi, vậy ông ấn tượng nhất với những điều gì?
Rất cảm ơn câu hỏi của bạn, gia đình tôi đến Việt Nam cách đây khoảng 2 năm rưỡi, trước khi đại dịch Covid bùng nổ gây ảnh hưởng tới cuộc sống, công việc. Lúc đó chúng tôi có thời gian đi thăm thú các nơi ở Việt Nam và kể cả khi Covid diễn ra rồi thì Việt Nam quản lý rất tốt, nên chúng tôi vẫn có cơ hội đi thăm thú các điểm khác nhau như Lào Cai, Gia Lai, Kon Tum, Kiên Giang, Cần Thơ và rất nhiều tỉnh thành ở các vùng miền khác nhau.
Tính tới giờ, tôi đã đi thăm hơn 20 tỉnh của Việt Nam, được thưởng thức rất nhiều phong cảnh đẹp của Việt Nam, như Sapa, leo đỉnh Fansipan, và tôi rất thích các bãi biển Đà Nẵng, Hội An, Quy Nhơn.
Hiện tại thì 3 con của tôi đang học ở Hà Nội và còn học cả tiếng Việt nữa. Chúng tôi đã có rất nhiều trải nghiệm thực sự đáng nhớ và vẫn còn thời gian khoảng 6 tháng nữa, đủ thời gian để đi thăm vài nơi khác ở Việt Nam.
Một trong những kỷ niệm rất khó quên đối với tôi đó là có một lần lên thăm Sapa, trong lúc đi bộ thăm thú dưới sự hướng dẫn của một bạn người dân tộc Dao Đỏ, chẳng may tôi bị trượt chân, ngã rất đau, may mắn là bạn ấy đã xé chính cái váy truyền thống của mình để băng bó và cứu mạng tôi.
Đấy là một kỷ niệm cực kỳ đáng nhớ mà tôi đã trải qua, không thể nào quên, và đó chính là kỷ niệm tốt đẹp nhất của tôi ở Việt Nam. Tôi sẽ nhớ mãi.
PV: Được biết là Đại tá đã tới thăm rất nhiều di tích lịch sử ở Việt Nam, trong đó có 1 điểm có thể được coi là "nhạy cảm", đó là Đài tưởng niệm Khâm Thiên. Ông có thể chia sẻ cảm nghĩ về chuyến thăm này?
Tôi nghĩ việc đến thăm địa điểm này là cực kỳ quan trọng để có dịp kết nối và trao đổi với các cựu chiến binh, tạo ra ý nghĩa rất lớn. Bản thân tôi cũng có thể nói là một cựu chiến binh, nên việc chúng ta gặp gỡ và trao đổi với nhau, hiểu nhau hơn là nhằm để ứng xử và giải quyết các hậu quả của chiến tranh một cách có ý nghĩa.
Chúng ta lắng nghe để xây dựng lòng tin và thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau, là cơ hội để hai bên cùng nhau suy nghĩ về hậu quả của chiến tranh có thể gây ra và một điểm quan trọng mà tôi muốn nhấn mạnh là khi nói về quá khứ, chúng ta không phớt lờ, không lảng tránh mà cần nhìn thẳng vào thực tế. Đấy là nền tảng quan trọng giúp chúng ta xây dựng mối quan hệ hợp tác bền chặt lâu dài.
Tôi rất cảm ơn Thiếu tướng Lê Văn Cầu - Trưởng ban Đối ngoại của Hội Cựu chiến binh Việt Nam đã dẫn tôi tới Đài tưởng niệm Khâm Thiên. Ông đã kể cho tôi nghe về những gì đã xảy ra ở đây.
PV: Được biết Mỹ và Việt Nam rất tích cực, chủ động trong lĩnh vực khắc phục hậu quả chiến tranh, xin ngài cho biết những kết quả hợp tác cụ thể mà hai bên đã đạt được?
Việc phối hợp với Việt Nam trong lĩnh vực khắc phục hậu quả chiến tranh là một trong những ưu tiên mà chúng tôi rất quan tâm và tôi nghĩ đây là nền tảng để xây dựng mối quan hệ hợp tác giữa 2 nước. Nỗ lực này không chỉ mới đây, mà nó đã bắt đầu từ trước khi 2 nước chúng ta bình thường hóa quan hệ.
Chúng ta đã hợp tác trong việc tìm kiếm quân nhân Hoa Kỳ mất tích trong chiến tranh từ năm 1985, nhờ đó đã tạo ra nền tảng để 2 nước bình thường hóa quan hệ vào năm 1995.
Qua đây thì chúng tôi cũng xin tái khẳng định cam kết tuyệt đối của chúng tôi trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh và chúng tôi tập trung vào 4 lĩnh vực chính:
Thứ nhất, tìm kiếm quân nhân mất tích. Việt Nam đã giúp đỡ, hỗ trợ cho phía Hoa Kỳ rất nhiều trong 35 năm qua, đến nay chúng tôi đã tìm kiếm được hơn 720 bộ hài cốt.
Riêng trong năm ngoái 2021, mặc dù gặp nhất nhiều khó khăn do đại dịch Covid nhưng chúng ta đã đạt được những thành tựu lớn, trong đó có chuyến thăm của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ tới Việt Nam.
Trong khuôn khổ chuyến thăm đó, 2 Bộ trưởng đã chứng kiến đại diện của 2 phía ký biên bản ghi nhớ, theo đó phía Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ tìm kiếm hài cốt liệt sĩ Việt Nam hy sinh trong chiến tranh. Đây là một điều mà chúng tôi đặc biệt mong muốn thực hiện để đáp lại hỗ trợ quý báu mà Việt Nam đã dành cho Hoa Kỳ.
Trong thời gian vừa qua chúng ta đã có mối quan hệ hợp tác hết sức tốt đẹp trong lĩnh vực này và thông qua khuôn khổ bản ghi nhớ mới nhất này chúng tôi sẽ hỗ trợ Việt Nam có thể tiếp cận nguồn văn thư lưu trữ của Hoa Kỳ và đẩy mạnh hỗ trợ công tác huấn luyện, đào tạo về kỹ năng, về công nghệ như nâng cao khả năng phân tích AND.
Tất cả những việc này chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo Quốc gia 515 (PV: Ban Chỉ đạo quốc gia về tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ) của Việt Nam để thực hiện.
Thứ hai, tôi muốn nói đến các dự án xử lý chất Dioxin. Có thể chia sẻ với các bạn rằng, chúng ta đã thực hiện thành công một dự án rất lớn đó là xử lý chất Dioxin ở sân bay Đà Nẵng, hoàn thành năm 2018 với kinh phí 210 triệu USD.
Ba năm trước, chúng ta cũng đã bắt đầu một dự án lớn và đặc biệt quan trọng khác, đó là tẩy rửa chất dioxin ở sân bay Biên Hòa với trị giá tới 350 triệu USD. Thông qua dự án này, Hoa Kỳ cam kết rất mạnh mẽ về việc trợ giúp Việt Nam.
Tôi muốn nhấn mạnh là mặc dù tình hình đại dịch covid trong thời gian vừa qua đã gây ảnh hưởng rất lớn tới các hoạt động, nhưng Ban chỉ đạo quốc gia 701 (PV: Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam) cũng như là thứ trưởng Hoàng Xuân Chiến và Cơ quan hợp tác quốc tế của Hoa Kỳ. Với nguồn lực đầu tư và hỗ trợ từ Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, dự án được triển khai hiệu quả và đã đạt được những bước tiến lớn, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ trong thời gian tới.
Thứ ba, rà phá bom mìn còn sót lại trong chiến tranh. Hoạt động này đã được bắt đầu rất sớm, từ năm 1994, khởi điểm ở tỉnh Quảng Trị. Chúng tôi đã hợp tác với rất nhiều tổ chức phi chính phủ quốc tế triển khai hàng loạt dự án rà phá bom mìn và xây dựng mô hình dựa vào người dân, dựa vào tất cả các bên, cơ quan chức năng có liên quan, có tiềm lực về tài chính, có kỹ năng. Đến nay có thể nói mô hình này đã thành công.
Chúng tôi rất vui khi tính tới thời điểm này, trong 4 năm vừa qua không ghi nhận thêm 1 ca tử vong nào liên quan tới bom mìn xảy ra ở tỉnh Quảng Trị. Đấy là một tin hết sức là vui mừng và trong thời gian tới chúng tôi hy vọng có thể mở rộng mô hình thực hiện rất thành công ở Quảng Trị này tới Quảng Bình và Thừa Thiên Huế.
Năm 2021 vừa qua, chúng ta đã thực hiện một số hoạt động ở Quảng Bình và Thừa Thiên Huế rồi, hy vọng trong năm nay và các năm tiếp theo chúng ta sẽ tiếp tục triển khai mạnh hơn.
Thứ tư, hỗ trợ người khuyết tật. Chúng tôi đã tiến hành dự án kéo dài 5 năm với tổng trị giá khoảng 65 triệu USD để hỗ trợ những người khuyết tật ở 8 tỉnh bị ảnh hưởng nặng nhất bởi chất Dioxin. Hoạt động này cũng được chúng tôi tiến hành rất lâu rồi, từ năm 1989 cơ.
Bốn vấn đề tôi vừa nói ở trên là những yếu tố cốt lõi nhất cho mối quan hệ hợp tác giữa 2 nước chúng ta.
Tác giả và Đại tá Thomas M. Stevenson - Tùy viên Quốc phòng Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam. Ảnh: Đình Mạnh
PV: Xin phép được chuyển sang vấn đề vĩ mô một chút. Xin Đại tá vui lòng đánh giá đôi nét về tình hình quốc tế, khu vực thời gian qua, xu hướng quân sự năm 2022 cũng như các vấn đề hợp tác giữa 2 nước.
Xin cảm ơn về một câu hỏi rất thú vị. Năm 2021 được đánh giá là có rất nhiều biến động, rối loạn ảnh hưởng tới tất cả các mặt đời sống của chúng ta, đầu tiên chúng ta có thể kể đến đó là Covid, với sự tác động của đại dịch, nó ảnh hưởng tới rất nhiều tới cả người lớn và trẻ em, trường học.
Covid cũng sinh ra những rối loạn về kinh tế, ví dụ như Việt Nam gặp khó khăn trong xuất khẩu nông sản, hoa quả qua biên giới.
Chúng ta cũng thấy có thiên tai, bão lũ xảy ra ở các tỉnh miền Trung Việt Nam.
Nhìn ra Biển Đông, chúng ta có thể thấy những áp lực. Đấy chính là lý do mà chúng ta phải hợp tác cùng nhau để xây dựng lòng tin, để ứng phó với tất cả những khó khăn này.
Trong thời gian vừa rồi, năm ngoái, ngay sau khi Tổng thống mới nhậm chức, quan chức chính quyền Hoa Kỳ đã có 2 sự kiện đặc biệt quan trọng đó là chuyến thăm của Phó Tổng thống Harris và của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ tới Việt Nam.
Hai chuyến thăm này khẳng định tầm quan trọng của Việt Nam, chúng tôi khẳng định coi trọng Việt Nam là một đối tác đặc biệt ở khu vực.
Và khi nói tới những chuyến thăm như vậy, chúng ta không chỉ nói đến số lượng mà chúng ta phải nhấn mạnh vào nội dung, nội hàm của những điều mà hai bên thảo luận.
Trong lĩnh vực hợp tác phòng chống Covid chẳng hạn, chúng tôi đã tặng Việt Nam 24 triệu liều vaccine cùng nhiều trang thiết bị khác như 111 tủ đông siêu lạnh để bảo quản vaccine, 2 máy giải trình tự gien để xét nghiệm Covid, chúng tôi cũng tặng các bạn một phòng thí nghiệm di động, tổng trị giá khoảng 30 triệu USD.
Chúng ta phải hết sức cảnh giác với biển chủng Omicron, vì vậy hai bên cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ.
Tôi xin nhấn mạnh lại một lần nữa, bốn lĩnh vực hợp tác quan trọng ở trên sẽ là nền tảng để chúng ta triển khai các công việc, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả.
Trong lĩnh vực hàng hải, năm vừa rồi cũng do ảnh hưởng Covid nhưng vẫn là 1 năm khá bận rộn, ví dụ các thủy thủ Cảnh sát Việt Nam bất chấp đại dịch vẫn sang Seattle để tiếp nhận hoạt động đào tạo huấn luyện của Hoa Kỳ nhằm vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa, duy trì hoạt động của tàu tuần tra Hamilton thứ 2 mà chúng tôi viện trợ cho Việt Nam.
Tôi nghĩ đó là đã hợp tác rất mạnh mẽ trong thời gian vừa rồi. Hy vọng trên cơ sở đó, chúng ta sẽ hợp tác tốt hơn nữa trong năm tới.
Một điểm quan trọng nữa là Hoa Kỳ rất muốn khẳng định sự hiện diện của mình ở khu vực. Có thể kể tới chuyến thăm đầu tiên của tàu tuần duyên của Hoa Kỳ đến thăm Việt Nam vừa rồi. Ngoài ra những chuyến thăm của tàu sân bay Hoa Kỳ, rồi những chuyến đi của tàu tuần dương và tàu khu trục trong khu vực không chỉ là hoạt động riêng của Hải quân Hoa Kỳ mà còn có hoạt động chung với các đối tác, đồng minh trong khu vực để thể hiện sự tôn trọng của chúng tôi với Việt Nam và các nước trong khu vực để duy trì luật pháp quốc tế.
Tôi nghĩ rằng tất cả các nước trên thế giới đều phải tôn trọng tự do hàng hải quốc tế.
Ngoài ra tôi có thể kể đến rất nhiều lĩnh vực khác như hợp tác trong gìn giữ hòa bình rồi một số hoạt động đào tạo về không gian mạng, an ninh mạng đã được thực hiện trong năm vừa rồi.
Trong năm 2022, chúng ta sẽ có rất nhiều điều đáng mừng. Chúng ta sẽ chào đón Ngài tân Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam (PV: Ông Marc Knapper).
Chúng tôi khẳng định là Ngài Đại sứ là người tràn đầy năng lượng, đã gặp gỡ rất nhiều lãnh đạo Mỹ.
Khi đến Việt Nam, mục tiêu của ông là rất rõ ràng, Ngài Đại sứ nhấn mạnh vào việc tái khẳng định cam kết đối với lĩnh vực khắc phục hậu quả chiến tranh, cam kết của Hoa Kỳ về một đất nước Việt Nam hùng mạnh, thịnh vượng và độc lập. Chúng tôi sẽ làm mọi cách để đảm bảo quan hệ hai nước phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Năm 2022 này, 2 nước chúng ta sẽ tiếp tục duy trì hoạt động đối ngoại cấp cao, có thể kể đến lĩnh vực quốc phòng.
Trong vòng 1-2 tháng nữa chúng tôi hy vọng sẽ tiến hành hoạt động đối thoại chính sách quốc phòng cấp Thứ trưởng. Đây là một diễn đàn thường niên, trong đó hai bên sẽ thảo luận để đưa ra những chính sách định hướng cho lĩnh vực hợp tác quốc phòng giữa hai nước.
Tôi đánh giá là còn có nhiều hoạt động hợp tác nữa trong lĩnh vực hàng hải, thực thi pháp luật rồi trong lĩnh vực đào tạo huấn luyện đảm bảo an toàn khi chúng ta hoạt động trên biển, phòng chống buôn bán ma túy, đánh bắt cá phi pháp, chống phổ biến vũ khí giết người hàng loạt.
Đây là những vấn đề mà chúng tôi sẽ hỗ trợ và hợp tác chặt chẽ với Việt Nam, không chỉ giúp các bạn bảo vệ chủ quyền của mình mà còn bảo vệ nguồn tài nguyên nữa.
Ngoài ra chúng tôi cũng khẳng định duy trì sự hiện diện của chúng tôi trong khu vực, không chỉ của Hải quân Hoa Kỳ mà còn rất nhiều lực lượng khác, chúng tôi sẽ duy trì hoạt động tự do hàng hải và chấn hưng lại tất cả các mối quan hệ đồng minh và đối tác.
PV: Được biết trong thời gian qua, phía Hoa Kỳ đã viện trợ cho Việt Nam một số vũ khí, khí tài đã qua sử dụng trong đó có 2 tàu tuần tra Hamilton, vậy trong thời gian tới phía Mỹ có kế hoạch viện trợ thêm cho Việt Nam những loại vũ khí đã qua sử dụng hay không? Có tính tới việc bán các loại vũ khí như máy bay chiến đấu, tên lửa chống tăng chẳng hạn, phía Hoa Kỳ đã sẵn sàng cho việc này chưa?
Rất cảm ơn. Câu hỏi đã thể hiện được mục tiêu của tất cả các mối quan hệ hợp tác, ở đây là mối quan hệ hợp tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.
Mục tiêu theo tôi là tăng cường hợp tác quốc tế và duy trì mối quan hệ với các nước trên thế giới, trên có sở đó chúng ta có thể tăng cường thực thi tốt luật pháp quốc tế và chúng giúp tăng cường an toàn, tăng cường nhận thức về vấn đề hàng hải. Chúng tôi cũng hỗ trợ Việt Nam trong việc thực hiện hoạt động bảo dưỡng, đào tạo nhân sự.
Khi chúng ta thực hiện tốt những việc này thì không chỉ có lợi cho Hoa Kỳ hay Việt Nam nói riêng, mà cho tất cả các quốc gia trong khu vực.
Gần đây chúng tôi nhận thấy có rất nhiều hoạt động xảy ra gây bất ổn ở Biển Đông và khu vực. Hoa Kỳ đã thể hiện sự phản đối của chúng tôi, gần đây nhất mà tôi có thể kể đến đó là tài liệu do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố đó là "Những giới hạn trên các vùng biển số 150".
Qua đó, chúng tôi thể hiện quan điểm của Hoa Kỳ đối với việc một số quốc gia có cách tiếp cận và hành xử không phù hợp và đặc biệt là khi nó xảy ra trong bối cảnh đại dịch Covid bùng nổ, chúng ta phải thực hiện rất nhiều công việc mang tính chất nhân đạo để có thể khắc phục hậu quả nặng nề mà Covid gây ra.
Đối với hợp tác ở trong khu vực, chúng tôi muốn nhìn nhận ở khía cạnh rộng lớn hơn, chúng tôi muốn nâng cao và tôn trọng vai trò trung tâm của ASEAN, muốn xây dựng khu vực ổn định và hòa bình.
Khi chúng ta nhìn vào toàn cảnh rộng như vậy thì những trang thiết bị về quốc phòng chỉ là một khía cạnh thứ yếu trong quan hệ hợp tác nói chung. Đối với tôi đó không phải là vấn đề cần tập trung lớn nhất.
Tuy nhiên khi mà Việt Nam có sự quan tâm đối với công nghệ và các trang thiết bị của Hoa Kỳ thì chúng tôi nghĩ là Hoa Kỳ có thể hỗ trợ và sẵn sàng bởi chúng tôi có nền tảng phát triển công nghệ rất tốt.
Chúng tôi cũng có những trung tâm đào tạo huấn luyện rất tốt có tiềm năng rất lớn trong lĩnh vực thương mại quốc phòng và khi mà hai nước cảm thấy điều kiện phù hợp thì tôi nghĩ hai nước chúng ta có rất nhiều cơ hội để tạo dựng mối quan hệ mới trong lĩnh vực hợp tác thương mại quốc phòng thành công.
PV: Và như vậy nghĩa là phía Hoa Kỳ đã sẵn sàng cung cấp cho Việt Nam một số vũ khí hiện đại theo các hợp đồng xuất khẩu, không phải là vũ khí đã qua sử dụng, không phải thông qua hoạt động viện trợ?
Việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương của Hoa Kỳ đối với Việt Nam đã được thực hiện vào năm 2016. Trong thời qua, hai bên cũng đã có hoạt động trao đổi và chia sẻ với nhau. Chúng tôi đã mời phía Việt Nam xem xét tất cả các vũ khí, công nghệ mà chúng tôi sẵn sàng bán.
Tuy nhiên, có những lĩnh vực mà Việt Nam quan tâm nhất định. Tôi nhận thấy rằng trong thời gian qua, Việt Nam có mối quan tâm riêng, tập trung vào lĩnh vực xử lý khủng hoảng và các mối đe dọa trong khu vực, đó có thể là vấn đề y tế chẳng hạn hoặc trong lĩnh vực hàng hải, xử lý thảm họa, thiên tai.
Vì thế chúng tôi đã hỗ trợ Việt Nam xây dựng Trung tâm điều phối và giảm nhẹ thiên tai rồi cung cấp các trang thiết bị giúp Việt Nam phòng chống thiên tai tốt hơn. Như vậy những hoạt động này cũng gắn với thương mại quốc phòng.
Đây là lĩnh vực mà hai bên có thể thảo luận và chia sẻ với nhau nhiều hơn nữa để tìm ra các điểm chung phù hợp ví dụ như trong lĩnh vực an ninh mạng mà chúng ta đã hợp tác.
Đây là một nội dung mà chúng tôi luôn sẵn sàng thảo luận với Bộ Quốc phòng Việt Nam và các Bộ ban ngành khác nếu như các cơ quan này quan tâm. Chủ đề thương mại quốc phòng chắc chắn sẽ được trao đổi trong đối thoại chính sách quốc phòng sắp tới.
PV: Quân đội nhân dân Việt Nam đang tham gia tích cực vào hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, Ngài đánh giá thế nào về những kết quả đã đạt được và Hoa Kỳ sẽ có những hỗ trợ gì trong thời gian tới?
Vâng, năm vừa rồi là một năm rất quan trọng đối với lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam.
Có 2 câu chuyện mà tôi muốn chia sẻ thể hiện về tầm quan trọng và những thành tựu mà Việt Nam đã làm được trong nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.
Câu chuyện thứ nhất là một người bạn của tôi ở trong Phái bộ Liên Hợp Quốc ở Nam Sudan cho biết, có rất nhiều người dân địa phương, khi ốm đau thì họ chỉ tìm đến Bệnh viện dã chiến cấp 2 của Việt Nam bởi vì ở đó Việt Nam rất nổi tiếng về sự chuyên nghiệp và chuẩn mực về chuyên môn rất cao. Việt Nam đã xây dựng được thương hiệu rất tốt trong lĩnh vực này.
Kể từ năm 2017 thì Việt Nam đã bắt đầu hợp tác với nhiều quốc gia trong đó có Hoa Kỳ và Australia để cung cấp các trang bị cho bệnh viện dã chiến cấp 2 rồi triển khai công tác huấn luyện. Trong một thời gian rất ngắn chỉ hơn 4 năm thôi mà Việt Nam đã đạt được những kết quả như vậy thì quả là hết sức ấn tượng.
Câu chuyện thứ hai tôi muốn kể với các bạn là gần đây có một Đội khảo sát có thể gọi là thanh tra từ Trụ sở Liên Hợp Quốc đến Việt Nam để đánh giá tình hình các quốc gia mong muốn tham gia vào phái bộ ABYEI.
Khi tới đây, họ rất ấn tượng, nhất là Thứ trưởng Hoàng Xuân Chiến đã nồng nhiệt chào đón và có buổi chào xã giao và làm việc rất hiệu quả và sau đấy thì được sự tiếp đón hết sức chu đáo, trọng thị của Thiếu tướng Phụng (PV: Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng - Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam) thể hiện sự nhiệt tình, nhiệt huyết của Việt Nam đối với lĩnh vực này.
Ngay sau đó Trưởng đoàn Thanh tra đã ký ngay một giấy giới thiệu đề nghị Việt Nam được lựa chọn tham gia vào phái bộ ABYEI, cử đội công binh của mình tham dự.
Tôi xin nhấn mạnh việc tham gia vào phái bộ này có rất nhiều sự cạnh tranh từ nhiều nước khác và Việt Nam phải đạt được sự ủng hộ của các quốc gia và của phái đoàn thanh tra của Liên hợp quốc, tuy nhiên nhờ các bạn đã xây dựng được danh tiếng rất lớn, vì thế họ (Phái đoàn thanh tra) rất tin tưởng để đưa ra quyết định nhanh đến vậy.
Tôi đánh giá cao việc Việt Nam thể hiện mong muốn luôn luôn đóng góp vào hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.
Qua đây, tôi cũng xin chúc Việt Nam đã thực hiện rất thành công nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, tạo ra được tiếng vang và kết quả rất tốt.
Chúng tôi rất vui được chia sẻ rằng chúng tôi đã khánh thành tòa nhà trị giá 1 triệu USD do Hoa Kỳ hỗ trợ làm nơi ăn chỗ ở cho các sĩ quan gìn giữ hòa bình.
Ngoài ra chúng tôi cũng thực hiện đào tạo, cấp chứng chỉ cho các bác sĩ và nhân viên y tế. Thời gian tới chúng tôi sẽ duy trì các hoạt động này và hỗ trợ thêm các trang thiết bị.
Nhờ tất cả các hoạt động như này Việt Nam đã tạo dựng được danh tiếng rất lớn chỉ trong vòng hơn 5 năm thôi, rất nổi tiếng trên thế giới về năng lực của mình.
Tuy nhiên, khi kể về những thành công như vậy, không thể không nhắc tới các hy sinh, mất mát.
Qua đây tôi cũng xin gửi lời chia buồn tới Cục Gìn giữ Hòa bình Việt Nam, tới gia đình Trung tá Đỗ Anh, người đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình. Đây thực sự là những người con anh hùng, tôi tin rằng sự hy sinh của anh đã giành được sự nể phục của tất cả người dân Việt Nam.
Xin cảm ơn Đại tá Thomas M. Stevenson đã dành cho chúng tôi buổi trò chuyện thú vị này. Chúc Đại tá và gia đình một năm mới, năm con Hổ, hạnh phúc và bình an. Chúc mối quan hệ hợp tác Việt Nam Hoa Kỳ ngày càng phát triển tốt đẹp.
Tổ Quốc