MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tuyến đường sắt 6 tỉ USD gây tranh cãi của TQ tại Lào: Hiện thực hóa "giấc mộng thoát nghèo" hay bẫy nợ?

28-09-2020 - 15:57 PM | Tài chính quốc tế

Cũng như các dự án khác trong "Vành đai Con đường", dự án đường sắt tại Lào vấp đã phải nhiều chỉ trích.

Tuyến đường sắt khổng lồ

Được thông báo lần đầu tiên vào năm 2015, tuyến đường sắt trị giá 6 tỉ USD do Trung Quốc và Lào hợp tác xây dựng - thành quả của siêu dự án "Vành đai Con đường" của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và hi vọng tăng cường kết nối trên đất liền của Lào - đã sắp được hoàn thiện. Từ khi công trình được khởi công 4 năm trước, các nhân công đã đào khoảng 200km đường hầm và xây dựng 62km cầu đường, bao gồm 2 cầu lớn bắc qua sông Mê Kông.

Hiện tại, công đoạn cuối cùng chỉ là lắp đặt hệ thống tín hiệu giao thông, hoàn thiện các hạng mục cuối trên dọc tuyến đường dài 422km và tổ chức lễ khánh thành vào tháng 12/2021. Bắt đầu từ thành phố Boten ở biên giới Lào - Trung Quốc, tuyến đường sắt này sẽ đưa các chuyến tàu chở khách và hàng hóa đi qua vùng miền bắc và trung tâm Lào với tốc độ 160km/h.

Trên đường đi, tàu sẽ đi qua 30 trạm, bao gồm Luông Pha Băng, và kết thúc ở thủ đô Viêng Chăn. Đây sẽ là một phần của hệ thống vận tải nối tỉnh Vân Nam của Trung Quốc với Myanmar, Thái Lan, Malaysia và Singapore.

Với công trình này, Lào hi vọng đường sắt sẽ giúp giảm bớt chi phí xuất khẩu, thúc đẩy phát triển kinh tế với các nước láng giềng và cải thiện đời sống của 7 triệu dân.

 Tuyến đường sắt 6 tỉ USD gây tranh cãi của TQ tại Lào: Hiện thực hóa giấc mộng thoát nghèo hay bẫy nợ? - Ảnh 1.

Người lao động Trung Quốc làm việc tại tuyến đường sắt ở Lào. Ảnh: AFP

Cuối tháng 7, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith cho biết tuyến đường sắt này đã tạo ra những thay đổi tích cực cho đất nước, bao gồm phát triển kinh tế, xã hội, tạo ra nhiều cơ hội việc làm. Theo một quan chức Lào, dự án đã sử dụng hơn 7.000 lao động địa phương trong quá trình xây dựng, vận hành, kỹ thuật và bảo trì.

Tuy nhiên, cũng như các dự án khác trong "Vành đai Con đường", dự án đường sắt tại Lào vấp đã phải nhiều chỉ trích. Nhiều người địa phương phàn nàn về sự xuất hiện quá nhiều của các doanh nghiệp Trung Quốc, sự hiện diện của hơn 50.000 lao động Trung Quốc trong quá trình xây dựng - tương đương với các dự án Vành đai Con đường khác tại Myanmar, Sri Lanka, Indonesia và Campuchia.

Một số nhà hoạt động cho rằng dự án của Trung Quốc còn lấn chiếm các vùng đất ít người ở, gây ra tiếng ồn lớn, gây ảnh hưởng tới động vật hoang dã và khiến các cánh rừng chịu thêm nhiều áp lực sau hàng thập kỷ bị chặt phá bừa bãi.

Tuy nhiên, đáng ngại nhất vẫn là khả năng Lào không đủ khả năng để trả 3,5 tỉ USD vay từ Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Trung Quốc. Nếu vỡ nợ, Trung Quốc có khả năng sẽ chiếm quyền kiểm soát toàn bộ công trình này - như việc đã xảy ra với cảng Hambantota ở Sri Lanka.

Ảnh hưởng tiêu cực

Hai chú voi Mae Laem Tong và Mae Kamphet tìm đồ ăn trong đống cỏ ở Làng Voi Luông Pha Bang. Hai chú voi này đã "thất nghiệp" sau khi chính quyền cấm xuất khẩu gỗ vào năm 1999 nhằm chống nạn chặt phá trái phép. Hiện tại, hai chú voi nghỉ hưu được nuôi và tắm bởi những người khách du lịch tới thăm ngôi làng, sau đó được đưa trở về rừng vào mỗi buổi tối.

Tuy nhiên, các tuyến đường sắt đã thay đổi cuộc sống của sinh vật tại đây. Quản lý khu vực Sisouphanh Onsomboun nói: "Có hôm, một chiếc xe tải đi qua và một con voi sợ tới độ chạy thẳng vào rừng và chúng tôi mất 3 ngày để tìm thấy nó. Voi rất nhạy cảm, chúng không thích quá nhiều tiếng ồn và con người".

Không chỉ có vậy, một số người dân địa phương còn cho biết họ đang gặp nhiều áp lực từ những doanh nghiệp Trung Quốc trong những năm gần đây. Có thể trong tương lai, nhiều khu đất sẽ bị giải tỏa và một người cho biết một khách sạn 5 sao của Trung Quốc sẽ sớm được xây dựng gần vùng trung tâm của sông Nam Khan.

 Tuyến đường sắt 6 tỉ USD gây tranh cãi của TQ tại Lào: Hiện thực hóa giấc mộng thoát nghèo hay bẫy nợ? - Ảnh 2.

Hai chú voi Mae Laem Tong và Mae Kamphet. Ảnh: Crystal Reid

Được biết, trong quá trình giải tỏa 50m ở hai phía tuyến đường sắt, hơn 4.400 hộ gia đình người Lào đã buộc phải chuyển đi sinh sống tại nơi khác. Vì gần 80% dân số Lào liên quan tới nông nghiệp, việc này đã buộc nhiều hộ gia đình phải chuyển tới sống ở những vùng xa xôi, hẻo lánh.

Nikki Brown, một chuyên gia giáo dục của tổ chức Free the Bears (tạm dịch: Giải thoát cho Gấu), nói động vật hoang dã ở Lào sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực từ hoạt động xây dựng và giải tỏa này.

"Khi Tết Nguyên Đán tới gần, chúng tôi nhận thấy ngày càng có nhiều động vật hoang dã được bày bán ở chợ địa phương. Vậy nên chúng tôi lo ngại rằng tuyến đường sắt tới Trung Quốc sẽ làm gia tăng hoạt động vận chuyển mật gấu và các sản phẩm động vật khác được dùng trong y học Trung Quốc".

Từ năm 2009, Lào là một trong những quốc gia nhận được nhiều đầu tư nhất của Bắc Kinh, chủ yếu trong các lĩnh vực khai khoáng, nông nghiệp, thủy điện và xây dựng, đặc biệt từ sau khi dự án Vành đai Con đường được triển khai.

Trung Quốc hiện tại là nhà đầu tư lớn nhất của Lào. Mối quan hệ giữa hai nước đã được củng cố trong năm nay khi Bắc Kinh cử các chuyên gia y tế và đem theo trang thiết bị tới hỗ trợ Lào chống lại dịch COVID-19.

 Tuyến đường sắt 6 tỉ USD gây tranh cãi của TQ tại Lào: Hiện thực hóa giấc mộng thoát nghèo hay bẫy nợ? - Ảnh 3.

Tuyến đường sắt được xây dựng gần Làng Voi. Ảnh: Crystal Reid

Hoài nghi và kì vọng

Tuyến đường sắt mới ở Lào đã vấp phải nhiều hoài nghi. Jonathan Hillman, giám đốc của Dự án Kết nối Châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, nói: "Tuyến đường sắt được thiết kế để vận chuyển cả hàng hóa và hành khách, nhưng Lào không có nhiều hàng hóa và hành khách như vậy. Trong khi đó, tuyến đường làm tăng rủi ro nợ cho Lào, vốn đã bị ảnh hưởng tiêu cực sau đại dịch COVID-19. Tất cả những điều này cho thấy dự án sẽ mang lại lợi ích ngắn hạn cho Trung Quốc nhiều hơn là lợi ích lâu dài cho Lào".

Một số dự án khác do Trung Quốc đầu tư tại Luông Pha Băng bao gồm nâng cấp sân bay, xây dựng bệnh viện, trường học và mở rộng các khu du lịch. Lượng đầu tư này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp và người Trung Quốc sẽ xuất hiện nhiều hơn tại khu vực. Tuy nhiên, người dân địa phương cho biết họ không phàn nàn về điều này khi họ được hưởng y tế tốt hơn và trẻ em được đi học ở các cơ sở khang trang.

Trong báo cáo mới công bố vào tháng 6, Ngân hàng Thế giới đưa ra dự đoán tích cực về phát triển của Lào trong tương lai: "Với những cải cách đúng đắn, tuyến đường sắt có thể kết nối Lào (và sau đó là Thái Lan, Malaysia, Singapore) với hệ thống Vành đai Con đường, về dài hạn có thể giúp tăng tổng thu nhập của Lào lên tới 21%."

Tuy nhiên, Ngân hàng Thế giới cho rằng để thực sự thu được lợi ích từ các dự án này, Viêng Chăn sẽ cần phải thực hiện nhiều thay đổi mới, đặc biệt là tạo điều kiện để người dân và hàng hóa được lưu thông tốt quanh tuyến đường sắt. Sự thành công của đường sắt không chỉ phụ thuộc vào khả năng thu hút khách du lịch, xuất nhập khẩu hàng hóa mà còn là những công trình xung quanh.

Hệ thống hải quan và quản lí biên giới cũng cần phải được đơn giản hóa để giảm thiểu chậm trễ, đưa tuyến đường sắt kết nối với các trung tâm sản xuất và tiêu thụ. Giữa lúc này, Lào vẫn còn một chặng đường dài để đảm bảo dự án đường sắt gây tranh cãi sẽ thu lại lợi ích, xóa bỏ các hoài nghi và kết nối chặt chẽ hơn với các đối tác quốc tế. Dù viễn cảnh nào xảy ra đi chăng nữa, dự án này cũng đã bắt đầu chuẩn bị đi vào hoạt động.

Theo Tất Đạt

Tổ Quốc

Trở lên trên