MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tuyến đường sắt hơn 100 năm tuổi nối Việt Nam với Trung Quốc sắp được rót 2.238 tỷ đồng để "lột xác"?

Cục Đường sắt Việt Nam kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải bố trí hơn 2.230 tỷ đồng để nâng cấp, cải tạo tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn.

Vì sao phải cần hàng nghìn tỷ nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn?

Cục Đường sắt Việt Nam vừa có báo cáo Bộ Giao thông Vận tải về các giải pháp khắc phục những điểm xung yếu trên mạng lưới đường sắt. Đáng chú ý, trong báo cáo, Cục Đường sắt có đề xuất hơn 2.200 tỷ đồng để nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng (Lạng Sơn) để đảm bảo an toàn chạy tàu.

Đây là tuyến đường sắt có tuổi đời lên đến hơn 100 năm và đã trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử dân tộc. Tuyến đường được xây dựng ban đầu với mục đích vận chuyển, tiếp tế vũ khí quân sự và từng bị tàn phá nặng nề chỉ còn đống đổ nát.

Nói rõ hơn về lý do đề xuất, Cục Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) cho biết, tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng có tổng chiều dài 167km, được đơn vị này khai thác từ năm 1970. Trên tuyến có tổng số 60 cầu bao gồm 1 cầu đặc biệt lớn, 4 cầu lớn, 9 cầu trung và 46 cầu nhỏ.

Trong đó, cầu Long Biên hiện đã xuống cấp nghiêm trọng, cần sớm cải tạo sửa chữa để đảm bảo an toàn chạy tàu. Các cầu còn lại cơ bản đáp ứng được yêu cầu khai thác.

Bên cạnh đó, trên tuyến cũng có có 8 hầm với tổng chiều dài 1.992m. Hiện tại, kết cấu vỏ hầm bằng bê tông xi măng đã có hiện tượng xuất hiện các vết nứt nhỏ và rò rỉ nước, nhưng chưa ảnh hưởng nhiều đến an toàn công trình. Tuy nhiên, theo Cục ĐSVN, cần có đánh giá về các hầm này để xem xét cải tạo, sửa chữa kịp thời, đảm bảo an toàn chạy tàu.

Tàu hàng liên vận quốc tế tại ga Đồng Đăng, Lạng Sơn (Ảnh: Báo Giao thông)

Tàu hàng liên vận quốc tế tại ga Đồng Đăng, Lạng Sơn (Ảnh: Báo Giao thông)

Về đường, theo Cục Đường sắt Việt Nam, kiến trúc tầng trên hiện nay chủ yếu là ray P43 cũ và tà vẹt bê tông thường, cần được đầu tư thay thế bằng kiến trúc tầng trên mới để đáp ứng tốc độ khai thác và nhu cầu vận tải ngày càng tăng của tuyến.

Đặc biệt, trên tuyến có tổng cộng 67 vị trí xung yếu, cần thực hiện sửa chữa kiên cố hóa kết cấu hạ tầng trong kế hoạch quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt hàng năm.

Vì vậy Cục Đường sắt Việt Nam đề xuất lập dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng với kinh phí dự kiến 2.238 tỷ đồng và thực hiện trong giai đoạn từ năm 2026 đến năm 2031.

Số kinh phí của dự án này sẽ dùng để đầu tư các hạng mục như nâng cấp, cải tạo kiến trúc tầng trên, cải tạo cục bộ bình diện, nâng bán kính đường cong tại các điểm nghẽn về vận tải, đảm bảo an toàn chạy tàu.

Gia cố cải tạo cống, hệ thống thoát nước và nền đường yếu; cải tạo các hầm yếu để đảm bảo an toàn chạy tàu, xóa bỏ các điểm đen, hạn chế tốc độ.

Đồng thời khôi phục đường ga đối với các ga hạn chế về số lượng đường, cải tạo các ga hiện có nhằm khai thác hiệu quả, góp phần tăng năng lực, cải thiện dịch vụ vận tải hành khách và hàng hóa, tạo điều kiện thuận lợi trong tổ chức chạy tàu. Dự án sau khi hoàn thành sẽ nâng cao an toàn chạy tàu và năng lực chuyên chở, tăng cường vận tải liên vận quốc tế giữa Việt Nam với Trung Quốc và châu Âu.

Bộ Giao thông vận tải từng đề xuất phương án nâng cao năng lực vận tải liên vận quốc tế đến năm 2030, trong đó nâng sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường sắt của tuyến Hà Nội - Đồng Đăng lên 3 triệu tấn/năm.

Tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn có điểm đầu là ga Gia Lâm (Hà Nội) và điểm cuối ga Đồng Đăng (Lạng Sơn) là ga đặc biệt quan trọng kết nối với tuyến đường sắt liên vận quốc tế sang ga Bằng Tường (Trung Quốc). Đây là ga liên vận quốc tế nằm trong Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng- Lạng Sơn, có diện tích khoảng 56.000 m2, bao gồm khu trung tâm, quảng trường ga, phòng đợi, cung đường sắt, bãi hóa trường… với 10 đường sắt đều là khổ lồng (có thể chạy được tàu khổ 1.000mm và 1.435mm).

Mặc dù có vai trò quan trọng trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam với Trung Quốc nhưng hạ tầng cửa khẩu Ga Đồng Đăng được đánh giá là xuống cấp, không tương xứng với tiềm năng, thế mạnh.

Chính vì vậy, vấn đề cải tạo, nâng cấp từng được đưa ra nhiều lần trước đó. Trong đó, gần nhất là giữa năm 2023, Bộ Giao thông Vận tải cho biết đã triển khai đồng loạt 2 gói thầu thuộc dự án cải tạo các nhà ga trên tuyến đường sắt phía Bắc, với tổng trị giá hơn 475 tỷ đồng.

Dự án nâng cấp 3 ga hành khách và 4 ga hàng hoá trên các tuyến đường sắt quốc gia khu vực phía Bắc trong đó có tuyến Hà Nội – Đồng Đăng.

Nếu đề xuất của Cục Đường sắt Việt Nam được Bộ GTVT duyệt thì với hơn 2.230 tỷ đồng, tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng hứa hẹn sẽ "lột xác", tăng cường vận tải giữa Việt Nam với Trung Quốc và các nước trên thế giới.

Tuyến đường sắt hơn 100 năm tuổi nối Việt Nam với Trung Quốc sắp được rót 2.238 tỷ đồng để

Tương lai tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn sẽ được xây dựng để chạy tàu cao tốc- Ảnh minh họa tạo bởi ứng dụng AI ChatGPT

Tuyến đường sắt có tuổi đời hơn trăm năm

Ngược thời gian, theo tư liệu của Trung tâm lưu trữ Quốc gia thì Hà Nội - Đồng Đăng là tuyến đường sắt có tuổi đời hơn một trăm năm, là tuyến đường đầu tiên ở miền Bắc được người Pháp bắt đầu thi công từ năm 1889 phục vụ nhu cầu vận chuyển, tiếp tế quân sự cho vùng biên giới phía Bắc.

Xuất phát từ việc tiếp tế gặp khó khăn và sơ tán vận chuyển thương bệnh binh cũng gặp nhiều bất lợi nên năm 1889, người Pháp đã cho xây dựng một đường goòng Décauville khổ rộng 60cm nối liền Lạng Sơn với Phủ Lạng Thương (nay là tỉnh Bắc Giang) để từ đó đi đường thuỷ về Hà Nội và Hải Phòng.

Đến năm 1896, tuyến đường goòng khổ 60cm nối Lạng Sơn với Phủ Lạng Thương được thay bằng tuyến đường khổ 1m chạy từ Gia Lâm lên Đồng Đăng.

Sau nhiều năm xây dựng mà trong đó có công trình "điên rồ" là cây cầu Doumer (cầu Long Biên ngày nay) cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hồng được khánh thành vào năm 1902 dài 1.682 m giữa hai mố cầu với chi phí xây dựng cầu lên khoảng 6 triệu frs.

Việc hoàn thành công trình này cho phép đưa tuyến đường sắt Hà Nội lên Đồng Đăng vào khai thác trên toàn tuyến vào ngày 8 tháng 4 năm 1902 và trở thành tuyến đường sắt đầu tiên trên đất Bắc Kì với nhiều công trình cầu và nhà ga quan trọng. Trong đó đặc biệt gây chú ý là cây cầu qua sông Hồng, mang tên Doumer - tên của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer.

Tuyến đường sắt hơn 100 năm tuổi nối Việt Nam với Trung Quốc sắp được rót 2.238 tỷ đồng để

Ga Đồng Đăng đầu thế kỷ XX - Ảnh: Tư liệu Cổng TTĐT Lạng Sơn

Sau nhiều năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn nhiều đợt bị gián đoạn và được tái thiết từ tháng 7/1954.

Rồi suốt cuộc chiến 20 năm, ga Đồng Đăng tiếp nhận hàng hóa chính từ Liên Xô, Đông Âu và Trung Quốc theo đường sắt vào Việt Nam. Đó là các loại xe cộ, vũ khí, quân trang, nhiên liệu, lương thực...

Trải qua những thăng trầm, tàn phá của chiến tranh, đường sắt được lắp đặt lại để thông tàu Hà Nội - Đồng Đăng chuyến đầu tiên vào ngày 4/8/1992. Ngày 14/2/1996, ga Đồng Đăng được khánh thành khôi phục thông xe đường sắt liên vận quốc tế Việt Nam-Trung Quốc cho đến hiện nay, đây vẫn là nơi trung chuyển hàng hóa lớn của cả nước, các nước ASEAN sang thị trường Trung Quốc và ngược lại.

Theo Trang Anh

Đời sống & pháp luật

Trở lên trên