Tuyến đường sắt quan trọng nào kết nối Việt Nam-Trung Quốc được ưu tiên thúc đẩy xây dựng?
Việt Nam và Trung Quốc mới đây đã có những thoả thuận hợp tác sâu rộng trong lĩnh vực đường sắt.
- 13-12-2023Tuyến đường sắt đô thị đầu tiên ở Việt Nam do Trung Quốc hỗ trợ xây dựng cán mốc 20 triệu lượt khách
- 08-12-2023Chủ tịch Hà Nội: 20 - 25 năm nữa, Hà Nội sẽ có 12 tuyến đường sắt đô thị
- 22-11-2023Một thành phố trực thuộc TW kêu gọi 19 tỷ USD cho 12 tuyến đường sắt
Thỏa thuận hợp tác đường sắt giữa Việt Nam và Trung Quốc
Chiều 12/12, tại Trụ sở Trung ương Đảng, ngay sau khi kết thúc hội đàm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình nghe báo cáo về 36 văn bản thỏa thuận hợp tác đã được các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương ký kết trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trong đó, liên quan đến lĩnh vực đường sắt, 2 nước đã ký kết 2 bản ghi nhớ gồm:
Bản ghi nhớ giữa Bộ Giao thông vận tải nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Ủy ban Phát triển và Cải cách quốc gia nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về tăng cường hợp tác đường sắt Việt Nam - Trung Quốc.
Bản ghi nhớ giữa Bộ Giao thông vận tải nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Tổng cục Hợp tác phát triển quốc tế nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về tăng cường hợp tác viện trợ phát triển đường sắt qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc.
Đến chiều 13/12, Việt Nam và Trung Quốc đã công bố Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc nhân dịp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình kết thúc tốt đẹp chuyến thăm Việt Nam.
Tuyên bố chung đề cập đến việc tiếp tục ủng hộ các doanh nghiệp đường sắt hai nước tăng cường hợp tác nâng hiệu suất hàng hóa Việt Nam quá cảnh Trung Quốc. Cùng với đó, 2 bên sẽ thúc đẩy kết nối đường sắt khổ tiêu chuẩn qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc, nghiên cứu thúc đẩy xây dựng đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, nghiên cứu về các tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Đồng Đăng - Hà Nội, Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng vào thời điểm phù hợp.
Nhân dịp này, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba cũng đã có cuộc phỏng vấn với VnExpress và nhận định Việt Nam và Trung Quốc có những lợi thế độc đáo để tăng kết nối chiến lược, đặc biệt là trong các dự án đường sắt.
"Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước chúng ta đều rất coi trọng thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực này", ông Hùng Ba nói. "Trung Quốc và Việt Nam đang đẩy nhanh thực hiện dự án đường sắt Hà Khẩu, Vân Nam - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và chúng ta đã bước vào giai đoạn xây dựng báo cáo tiền khả thi".
"Phía Trung Quốc sẵn sàng thông qua nguồn vốn vay ưu đãi giúp Việt Nam thực hiện nâng cấp và cải tạo tuyến đường sắt từ Quảng Tây qua Đồng Đăng đến Hà Nội, cũng như đẩy nhanh quy hoạch tuyến đường sắt từ Móng Cái, Quảng Ninh đến Hải Phòng", ông cho biết.
Phương án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng kết nối với Trung Quốc tại cửa khẩu Lào Cai, với khổ ray tiêu chuẩn 1.435 mm trong tương lai, tàu có thể chạy thẳng vào hệ thống đường sắt Côn Minh - Hà Khẩu Bắc của Trung Quốc.
Hiện, đường sắt đang khai thác tuyến đường sắt khổ 1.000mm, kết nối Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Hiện tuyến đường sắt này chiếm gần 50% khối lượng vận tải cả hành khách và hàng hóa của hệ thống đường sắt Việt Nam.
Triển vọng phát triển đường sắt Việt Nam - Trung Quốc lên tầm cao mới
Hoạt động vận chuyển liên vận quốc tế bằng đường sắt giữa Việt Nam và Trung Quốc đã có chuyển biến tích cực, sản lượng vận tải liên tục tăng trưởng qua các năm và trở thành lựa chọn hàng đầu cho các doanh nghiệp hai nước.
Theo số liệu từ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, năm 2020, 2021, 2022 khối lượng vận tải hàng hóa qua các cửa khẩu đường sắt đạt 864 nghìn tấn, 1,137 triệu tấn và 1,257 triệu tấn. Năm 2023, mặc dù gặp nhiều khó khăn vì tình hình kinh tế chung, dự kiến khối lượng vẫn đạt hơn 600 nghìn tấn.
Việc tổ chức thực hiện các đoàn tàu liên vận quốc tế giữa hai nước là hành động cụ thể để triển khai các nội dung liên quan đến vận chuyển đường sắt giữa hai nước, thể hiện kết quả từ các chuyến thăm chính thức của lãnh đạo cấp cao.
Đường sắt giữa 2 nước Việt - Trung đang đứng trước cơ hội phát triển, góp phần đẩy mạnh giao thương giữa hai nước khi mà hàng loạt tuyến đường sắt liên vận chở hàng giữa Việt Nam và Trung Quốc được khai trương trong năm 2023.
Ngày 24/7, chuyến tàu liên vận chở hàng Thạch Gia Trang - Hà Nội đã khởi hành từ Cảng đường bộ quốc tế Thạch Gia Trang ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc đến ga Yên Viên, Hà Nội, Việt Nam, đánh dấu tuyến đường thương mại trên bộ nối thành phố Thạch Gia Trang với các địa phương của Việt Nam chính thức đi vào hoạt động.
Theo số liệu của Hải quan thành phố Thạch Gia Trang, năm 2022, ASEAN là đối tác thương mại lớn nhất của tỉnh Hà Bắc, tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 76,67 tỷ nhân dân tệ. Năm tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh Hà Bắc với ASEAN đạt 28,93 tỷ nhân dân tệ, trong đó giữa tỉnh Hà Bắc với các địa phương của Việt Nam là 4,22 tỷ nhân dân tệ.
Đến ngày 27/9, đoàn tàu liên vận quốc tế vận chuyển hàng hóa xuất khẩu từ ga Sóng Thần đi Phổ Điền, Trịnh Châu (tỉnh Hà Nam, Trung Quốc) đã được khai trương. Tàu liên vận đi từ ga Sóng Thần qua Trung Quốc rồi sẽ tiếp tục qua nước thứ ba (Nga, Mông Cổ, Trung Á và châu Âu).
Hàng hóa vận chuyển bằng đường sắt từ Việt Nam đi Trung Quốc rất phong phú, đa dạng, phần lớn là trái cây, nông sản, quặng... Ở chiều ngược lại, Trung Quốc cũng chở sang nguyên vật liệu sản xuất, hàng tiêu dùng, máy móc thiết bị...
Thông qua hạ tầng đường sắt Trung Quốc, Việt Nam cũng vận chuyển chè, cà phê, thực phẩm đến Nga, vận chuyển hàng may mặc, da giày đến châu Âu...
Bộ Giao thông Vận tải đã có công văn trình Thủ tướng Chính phủ phương án nâng cao năng lực vận tải liên vận quốc tế bằng đường sắt đến năm 2030.
Mục tiêu chính của phương án này là nhằm nâng sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường sắt từ 1,1 triệu tấn vào năm 2021 lên 4 - 5 triệu tấn vào năm 2030, trong đó, hàng đi tuyến Bắc - Nam, Hà Nội - Đồng Đăng đạt sản lượng 3 triệu tấn/năm; tuyến Hải Phòng - Yên Viên - Lào Cai là 1,5 triệu tấn/năm.
Đời sống & pháp luật