MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tuyển thêm hơn 5.500 người trong vòng 1 năm qua, VPBank đang tính toán gì với bài toán nhân sự?

07-05-2017 - 07:11 AM | Tài chính - ngân hàng

Riêng quý đầu năm 2017, VPBank đã tuyển thêm gần 2.700 người, trong đó chủ yếu ở công ty tài chính, còn riêng ngân hàng cũng tuyển tới xấp xỉ 500 chỉ tiêu.

Báo cáo tài chính quý 1/2017 vừa công bố của VPBank cho thấy tổng số nhân sự của ngân hàng hợp nhất đến hết tháng 3 năm nay đã lên đến 20.041 người, tăng 2.654 người so với thời điểm cuối năm 2016. Trong đó riêng ngân hàng mẹ có số nhân sự là 9.198 người, tăng 489 người so với cuối năm trước.

So với cuối quý 1/2016, nhân sự của VPBank và hai công ty con đã tăng thêm 5.513 người và nếu so với cuối năm 2015 thì con số đã tăng tới hơn 7.100 người. Riêng ngân hàng mẹ cũng tăng 2.087 nhân sự so với cách đây 1 năm.

Nhiều người hẳn sẽ đặt câu hỏi, VPBank đang toan tính điều gì mà lại mạnh tay tuyển dụng đến vậy.

Nhìn lại tình hình VPBank vài năm trở lại đây cho thấy ngân hàng này đã phát triển theo một đường thẳng đứng. Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank cho biết hiện ngân hàng hợp nhất đang dẫn đầu nhóm cổ phần về doanh thu, còn nếu tách riêng ngân hàng thì cũng nằm trong top 3. Bên cạnh đó ngân hàng còn dẫn đầu nhóm cổ phần về lợi nhuận. Kết thúc năm 2016 ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế hơn 4.900 tỷ, quý đầu năm 2017 là hơn 1.900 tỷ và kế hoạch cả năm đạt 6.800 tỷ.

Có điều đáng chú ý, phần lợi nhuận này lại được đóng góp nhiều bởi công ty con là FE Credit – vốn dĩ tổng dư nợ chỉ hơn 30 nghìn tỷ. Năm ngoái công ty này đóng góp hơn 1.500 tỷ đồng vào lợi nhuận của ngân hàng hợp nhất, còn riêng quý đầu năm nay thì con số đã lên đến hơn 1.000 tỷ đồng. FE Credit có vốn điều lệ 2.790 tỷ đồng cùng lượng cán bộ nhân viên khoảng 10.000 người, đang nắm trong tay hơn 50% thị phần tài chính tiêu dùng tại Việt Nam.

Còn về nhân sự, theo dõi tình hình của nhà băng này cho thấy không chỉ năm 2016 mà từ 2015 và 2014 VPBank đã tăng lượng nhân sự một cách chóng mặt cùng với việc chuyển đổi mô hình sang bán lẻ. Theo báo cáo của Ban điều hành, thu nhập thuần của khối khách hàng cá nhân đã tăng gấp rưỡi trong năm vừa qua, khối SME tăng 30%, tín dụng tiêu dùng tăng gấp đôi…Riêng đóng góp của hoạt động bán lẻ chiếm tới 75% tổng thu nhập thuần từ hoạt động của ngân hàng, trong đó cho vay tín chấp cá nhân đóng góp gần 40% vào thu nhập hoạt động của khối. Các con số này là minh chứng rõ ràng cho thấy việc tuyển dụng của ngân hàng nhắm đến mục tiêu đánh mạnh vào bán lẻ.

Ngoài việc tuyển ồ ạt, phát triển con người còn là một trong các mục tiêu quan trọng nhất được VPBank chú trọng phát triển. Trong một lần chia sẻ với người viết gần đây, bà Huỳnh Thị Ngọc Trúc, giám đốc khối nguồn nhân lực của VPBank đã tiết lộ điều này.

Bà Trúc cho biết, nhân sự được ngân hàng chú trọng phát triển, đào tạo những năm gần đây theo mô hình quản trị quốc tế. Trong hệ thống 10.000 người (riêng ngân hàng - PV), ngoài các vị trí chủ chốt khoảng hơn 140 vị trí, các vị trí còn lại ngân hàng nhóm những công việc tương tự nhau vào các nhóm nhận diện, từ đó xác định được những yêu cầu về kỹ năng, năng lực cũng như xây dựng kế hoạch đào tạo, phát triển phù hợp cho từng nhóm. Với các tiêu chí đã có, người lao động có thể chủ động đưa ra kế hoạch phát triển bản thân (bao gồm cả luân chuyển nội bộ công ty nếu phù hợp), mục tiêu phấn đấu cũng như có định hướng cho tương lai rõ ràng hơn.

Một vấn đề mà theo bà Trúc đang làm đau đầu các nhà quản trị nhân sự ngân hàng, đó là tình trạng nhảy việc liên tục và thời gian gắn bó ngày càng ngắn. Theo các kết quả khảo sát trước đây, mỗi nhân viên ngân hàng thường gắn bó 5-6 năm, sau đó giảm xuống còn 3-4 năm, và vào năm 2016 thì con số chỉ còn là 2-3 năm. Các vị trí bị nhảy việc nhiều nhất là làm kinh doanh. Thường sau một thời gian ngắn, họ, hoặc là áp lực không chạy theo kịp chỉ tiêu, hoặc không còn hứng thú với công việc đang làm mà muốn thay đổi nên đã tìm đến bến đỗ mới.

Việc nhân sự thay đổi liên tục khiến ngân hàng chịu tổn thất nhiều bởi họ phải bỏ ra từ 6 tháng cho tới 1 năm để đào tạo người mới và luôn trong trạng thái nơm nớp vì không biết người lao động sẽ ở với mình bao lâu. Bà thừa nhận ở VPBank cũng không nằm ngoài xu hướng đó, song ngân hàng buộc phải chấp nhận sống chung và tìm hướng giải quyết.

Để giải bài toán này, VPBank đang xây dựng văn hóa doanh nghiệp để giữ chân người tài. Ở đó người lao động vừa được trả công xứng đáng lại có môi trường phát huy hết khả năng của mình. Với mô hình đang theo đuổi là quản trị theo nhóm công việc, bà Trúc cho biết VPBank đặt mục tiêu sẽ nâng mức độ gắn bó của người lao động lên bình quân 3-4 năm và dài hơn nữa. “Một khi người ta đã gắn bó với mình được đến 5-6 năm thì sẽ gắn bó rất lâu dài”, vị quản lý cấp cao của VPBank, từng là giám đốc nhân sự và giám đốc quản lý dự án chiến lược của HSBC, nhận xét. Bà đồng thời khẳng định, quan điểm của lãnh đạo ngân hàng là VPBank không phải ngân hàng trả lương cao nhất nhưng là nơi làm việc lý tưởng nhất.

Tùng Lâm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên