MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tỷ giá trong tầm kiểm soát, sẽ sớm hạ nhiệt

23-03-2024 - 21:18 PM | Tài chính - ngân hàng

Việc khởi động lại hoạt động chào bán tín phiếu của NHNN diễn ra từ ngày 11/3 sẽ hỗ trợ sự ổn định của tỷ giá USD/VND.

Hút tiền, giữ ổn định VND

Trong phiên giao dịch 20/3, NHNN tiếp tục chào bán tín phiếu kỳ hạn 28 ngày theo phương thức đấu thầu lãi suất với tổng khối lượng 15.000 tỷ đồng. Kết quả, toàn bộ 11 thành viên thị trường tham gia đều trúng thầu với lãi suất 1,34%/năm. So với phiên hôm trước, khối lượng tín phiếu trúng thầu tăng thêm 5.000 tỷ đồng nhưng lãi suất lại giảm nhẹ từ 1,35%/năm xuống 1,34%/năm. Đây là phiên thứ 8 liên tiếp NHNN chào bán tín phiếu với tổng khối lượng trúng thầu lũy kế đạt gần 115.000 tỷ đồng.

Việc khởi động lại hoạt động chào bán tín phiếu của NHNN diễn ra từ ngày 11/3. Động thái này sẽ hỗ trợ sự ổn định của tỷ giá USD/VND. Theo tính toán của TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, kể từ đầu năm đến ngày 18/3, VND đã mất giá khoảng 1,8% so với USD, trong đó 3 nguyên nhân chính là: USD mạnh lên khi nền kinh tế Mỹ phục hồi ấn tượng, thậm chí không suy thoái mà còn tăng trưởng khoảng 2,5% trong năm vừa qua; Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ hạ lãi suất chậm hơn so với kỳ vọng ban đầu và chênh lệch lãi suất giữa USD-VND vẫn ở mức cao; Tình trạng một số doanh nghiệp FDI chuyển lợi nhuận về nước vào đầu năm - một yếu tố mang tính mùa vụ và có tác động làm tăng nhu cầu về ngoại tệ…

Tỷ giá trong tầm kiểm soát, sẽ sớm hạ nhiệt- Ảnh 1.

Nhiều yếu tố hỗ trợ ổn định tỷ giá

Việc phát hành tín phiếu của NHNN giúp hạn chế đầu cơ tỷ giá, nhưng cũng lại gây khó cho nhà điều hành trong việc duy trì ổn định lãi suất. Tuy nhiên, PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân, Trường đại học Kinh tế TP. HCM cho rằng, việc NHNN hút tiền về chỉ tác động trên thị trường liên ngân hàng, còn trên thị trường 1 giữa ngân hàng và doanh nghiệp, người dân thì mức độ tác động rất ít.

“Vì NHNN phát hành tín phiếu kỳ hạn ngắn, bơm hút nhịp nhàng, lượng vừa đủ nên không gây ra cú sốc về lãi suất cho nền kinh tế. Hơn nữa, hệ thống ngân hàng đang dư thừa thanh khoản, mặt bằng lãi suất có thể nói đang ở mức thấp nhất mọi thời đại, nên lãi suất không phải là vấn đề mà điều quan trọng bây giờ là tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế”, ông Huân nêu quan điểm.

Giới chuyên môn cũng đánh giá tích cực động thái phát hành tín phiếu của NHNN, có thể được xem như một cách thức nhằm điều chỉnh thanh khoản ngắn hạn trên trên hệ thống và là hoạt động thường thấy từ các ngân hàng trung ương; đồng thời cũng khẳng định phản ứng trên không đồng nghĩa với việc NHNN đã thực hiện “đảo chiều” chính sách tiền tệ.

“Việc phát hành tín phiếu của NHNN sẽ không gây ra những cú sốc hay thay đổi quá nhanh đối với thanh khoản VND trong hệ thống ngân hàng, từ đó sẽ không ảnh hưởng đến mục tiêu giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Thay vào đó, biện pháp này được kỳ vọng sẽ phần nào giảm thiểu áp lực tỷ giá vốn luôn thường trực trong thời gian gần đây”, các nhà phân tích từ Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) khẳng định.

Áp lực lên tỷ giá chỉ ngắn hạn

Trong báo cáo vừa công bố, các chuyên gia Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, tỷ giá trong nước đang chịu nhiều sức ép khi Fed không sớm hạ lãi suất khiến cho việc chênh lệch lãi suất giữa USD-VND sẽ bị kéo dài. Cùng với đó là hoạt động sản xuất kinh doanh được cải thiện khiến nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu tư liệu sản xuất bật tăng, góp phần tạo áp lực lên giá USD trong nước.

Nhận định vẫn còn sức ép nhưng PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân cho rằng, áp lực lên tỷ giá chỉ trong ngắn hạn, mang tính mùa vụ. Phân tích cụ thể hơn, ông Huân cho biết, việc nhập khẩu hàng hóa chỉ gia tăng một số thời điểm nhất định đầu năm, giữa năm và cuối năm; yếu tố khối ngoại rút vốn cũng không nhiều, vì khối ngoại đã rút ròng trong vòng 5 năm qua từ trước giai đoạn Covid-19 xảy ra nên thời gian tới nếu họ có rút tiếp thì số lượng cũng không đáng kể.

Trong khi đó, nhìn về phía cung, qua các số liệu về tình hình xuất nhập khẩu tiếp tục phục hồi, thu hút FDI tích cực, lượng kiều hối ổn định (IMF dự báo lượng kiều hối trong năm 2024 lên hơn 110 tỷ USD), cùng với việc điều hành các công cụ chính sách khá chủ động, nhịp nhàng, tỷ giá vẫn trong tầm kiểm soát của NHNN. “Tỷ giá trong thời gian tới sẽ không đáng ngại”, PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân nhìn nhận.

Chung quan điểm, một chuyên gia ngân hàng cho rằng, dù tỷ giá đã tăng 1,8% từ đầu năm đến nay, áp lực tỷ giá có thể hạ nhiệt vào nửa cuối năm khi nguồn cung ngoại tệ dồi dào hơn. Đối với áp lực bên ngoài, với việc Fed sẽ tiến hành cắt giảm lãi suất trong năm 2024, áp lực từ đồng USD tăng giá sẽ ít hơn so với năm ngoái. “Về tổng thể, áp lực lên cặp tỷ giá USD/VND trong thời gian tới sẽ giảm bớt”, chuyên gia này nhận định.

Phía các doanh nghiệp cũng đánh giá rất cao NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá ổn định giúp cho các doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả trong thời gian qua. Chẳng hạn như tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, hiện dư nợ vay ngoại tệ của tập đoàn này là 38.000 tỷ đồng, tương đương 1,55 tỷ USD. Tỷ giá tăng đồng nghĩa với việc chi phí của tập đoàn này tăng lên rất mạnh, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh. Do đó, việc tỷ giá được giữ ổn định giúp doanh nghiệp giảm thiểu ảnh hưởng của biến động tỷ giá, kết quả kinh doanh tích cực. Lãnh đạo tập đoàn này bày tỏ mong muốn trong thời gian tới, NHNN sẽ có các giải pháp để giữ cho tỷ giá ổn định, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, đầu tư hiệu quả.

Tuy nhiên, trong bối cảnh tỷ giá vẫn còn chịu áp lực tăng, các chuyên gia khuyến cáo các doanh nghiệp nhập khẩu cần chú ý tới các công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá; đồng thời cân nhắc kỹ lưỡng về các điều khoản hợp đồng vay ngoại tệ. PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân cho rằng, với chính sách điều hành tỷ giá hiệu quả của NHNN, đồng VND vẫn nằm trong số những đồng tiền ổn định nhất khu vực.

Theo Nguyễn Vũ

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên