Tỷ giá USD/VND bập bênh với lãi suất
Nhiều đợt biến động những năm qua đều có bóng dáng thay đổi lớn của bập bênh lãi suất với tỷ giá...
- 15-02-2017“Say sóng” với tỷ giá USD/VND?
- 15-02-2017Tỷ giá USD/VND leo mốc 22.810 đồng
- 13-02-2017Tỷ giá USD/VND tăng nóng, cao nhất kể từ đầu năm đến nay
Một lần nữa, biến động khá mạnh của tỷ giá USD/VND đầu tuần này trở nên đáng chú ý. Một diễn biến song song khác, lãi suất liên ngân hàng, cũng thay đổi mạnh như để cân đối hai đầu của bập bênh.
Thị trường chưa hề có biểu hiện mất cân đối cung - cầu. Tỷ giá USD/VND vẫn nằm trong biên độ và cách trần đáng kể. Chênh lệch giữa giá mua vào - bán ra USD của các ngân hàng thương mại vẫn bình thường.
Song, đâu đó đã có băn khoăn: vì sao nhà điều hành im lặng mà không can thiệp gì?
Chủ động cân bằng sớm
Thực tế, trong đợt biến động này, Ngân hàng Nhà nước đã vào cuộc từ rất sớm. Nó không thể hiện trực tiếp ở thông tin công bố, không cụ thể hóa (và chưa đến điểm) bằng bán ra can thiệp.
Điển hình, ngay từ đầu năm 2017, kể cả trong những ngày cao điểm chi trả cận Tết Nguyên đán, Ngân hàng Nhà nước vẫn tổ chức phát hành tín phiếu hút bớt tiền về, dù ban đầu chủ yếu là tín hiệu điều tiết hơn là mức độ thấm hút được.
Mức độ hút bớt tiền về qua tín phiếu, cùng lượng hút ròng lớn trên kênh cầm cố, thể hiện rõ từ đầu tuần này. Nó liên quan đến diễn biến của lãi suất trên liên ngân hàng. Sau khi rơi rất nhanh và sâu, từ trên 5%/năm xuống dưới 2%/năm, lãi suất qua đêm VND trên thị trường này đã bật mạnh trở lại, đến ngày 15/2 đã vọt trên 4%/năm.
Và không phải ngẫu nhiên, tỷ giá USD/VND sau biến động mạnh ngày 14 và đặc biệt trong ngày 15/2 đã cân bằng và ổn định trong ngày 16/2. Dù đây chỉ là những diễn biến rất ngắn hạn và khó nói trước xu hướng, nhưng cũng cho thấy một phần hiệu ứng sớm vào cuộc cân bằng của Ngân hàng Nhà nước.
Trong điều kiện các yếu tố tác động khác không quá lớn, không có thay đổi đột biến, thì cân đối lãi suất với tỷ giá USD/VND như trên giống như hai đầu của bập bênh vậy; đầu này quá nhẹ thì đầu kia nâng lên và ngược lại.
Thêm một thực tế khá gần để kiểm chứng “cân đối bập bênh” trên, có trong một báo cáo của Ban Kinh tế Trung ương vừa công bố.
Cụ thể, Ban Kinh tế Trung ương nhìn lại, tỷ giá USD/VND biến động mạnh trong tháng 11 và 12/2016 vừa qua, ngoài tác động lớn từ giá USD trên thế giới và ám ảnh FED tăng lãi suất…, còn do mất cân đối trong bập bênh lãi suất với tỷ giá.
Theo Ban Kinh tế Trung ương, do việc hầu như không trung hòa lượng tiền đưa ra mua ngoại tệ trong giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 10 khiến lãi suất VND liên ngân hàng giảm xuống mức thấp kỷ lục (lãi suất qua đêm dưới 1%/năm, điểm hoán đổi swap Point nhiều lúc xấp xỉ bằng 0) đã khuyến khích các tổ chức tín dụng tích trữ ngoại tệ, thể hiện qua trạng thái ngoại tệ liên tục ở mức dương cao và tình trạng làm giá đẩy tỷ giá tăng nhanh có thể xảy ra ngay khi xuất hiện các yếu tố bất lợi…
Thực ra, việc mua vào ngoại tệ đã thể hiện rõ từ tháng 2/2016, yêu cầu trung hoà lượng tiền đưa cũng bắt đầu xác định từ thời điểm đó. Tuy nhiên, phải đến cuối tháng 5, Ngân hàng Nhà nước mới bắt đầu trở lại phát hành tín phiếu để thấm hút bớt tiền về. Số dư tín phiếu lưu hành sau đó từng “trói” ở mức độ lớn, lên tới khoảng 90.000 tỷ đồng.
Đó cũng là sự vào cuộc sớm xét theo thời điểm ngay sau khi chuyển giao nhiệm kỳ Thống đốc và ổn định bộ máy Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, khi đó áp lực giảm được lãi suất, phối hợp đáp ứng nguồn cho huy động trái phiếu Chính phủ cân đối ngân sách…, khiến việc trung hoà tiền trong cân đối với tỷ giá khó đứng độc lập.
Bập bênh thế nào?
Như trên, việc trung hoà và điều tiết vốn thường trực trong công việc hàng ngày của Ngân hàng Nhà nước, dư tiền đồng quá (qua liên tục mua vào lượng lớn ngoại tệ) sẽ khiến lãi suất VND liên ngân hàng giảm và gây áp lực tỷ giá USD/VND.
Vậy, trong điều kiện các yếu tố khác bình thường, lãi suất và tỷ giá bập bênh thế nào?
Theo lãnh đạo quản lý hoạt động kinh doanh ngoại tệ của một ngân hàng lớn mà VnEconomy tham vấn, trong điều kiện bình thường, một yếu tố quan trọng ảnh hưởng tỷ giá ngắn hạn là chênh lệch lãi suất liên ngân hàng giữa VND và USD.
Cân đối trong đợt biến động tỷ giá USD/VND tháng 11 và 12/2016 mà Ban Kinh tế Trung ương đưa ra nói trên là một ví dụ. Lãi suất VND trên liên ngân hàng ở mức quá thấp, khiến điểm hoán đổi swap Point có nhiều lúc gần bằng 0, kích thích các ngân hàng đầu tư vào ngoại tệ, như một biểu hiện của găm giữ (dĩ nhiên trong giới hạn trạng thái cho phép) khiến thị trường khan cung và tỷ giá tăng…
Ngược lại, nếu Ngân hàng Nhà nước can thiệp gián tiếp nâng lãi suất VND liên ngân hàng lên sẽ cân bằng tương đối được với tỷ giá, tức chênh lệch lãi suất “đồng - đô” được nới lên như những phiên gần đây.
Lãnh đạo quản lý kinh doanh ngoại hối nói trên phân tích thêm ở một khía cạnh khác. Chênh lệch lãi suất VND và USD càng lớn thì kỳ vọng hoạt động kinh doanh chênh lệch lãi suất càng cao (hoạt đông carry trade).
Ví dụ một ngân hàng A thấy chênh lệch lãi suất 3 tháng USD/VND là 4% trong khi họ kỳ vọng tỷ giá ổn định thì ngay lập tức ngân hàng A vay USD và bán USD tại thời điểm hiện tại lấy VND cho ngân hàng khác vay. Sau 3 tháng họ lấy lại tiền VND đã cho vay, mua USD/VND và lấy USD trả tiền vay. Nếu tại thời điểm sau 3 tháng tỷ giá USD/VND bằng tỷ giá tại thời điểm hiện tại thì ngân hàng A sẽ hưởng lợi 4% chênh lệch lãi suất * 3 tháng/12 tháng = 1%.
“Lãi suất là giá cả của đồng tiền. Lãi suất mà tăng thì giá trị đồng tiền ấy tăng, lãi suất mà giảm thì giá trị đồng tiền ấy giảm (trong điều kiện các yếu tố khách không đổi). Về mặt kỹ thuật, nếu để lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng thấp quá sẽ kích thích các tổ chức cá nhân mua ngoại tệ (USD), trường hợp lãi suất VND lên sẽ tạo động lực cho các ngân hàng, tổ chức bán ngoại tệ để giữ VND trong ngắn hạn vì tỷ lệ sinh lời tăng lên”, người trong cuộc trên giải thích tổng quát hơn.
Nhìn lại, ngoại trừ các cú sốc lớn và có yếu tố bất thường như Trung Quốc phá giá mạnh đồng Nhân dân tệ (tháng 8/2015), hay cử tri Anh bỏ phiếu rời Liên minh Châu Âu (Brexit, tháng 6/2016), thì nhiều đợt biến động những năm qua đều có bóng dáng thay đổi lớn của bập bênh lãi suất trên liên ngân hàng với tỷ giá.
Và Ngân hàng Nhà nước cũng đã cho thấy sự canh chừng thường trực hơn mối quan hệ này để điều tiết, nhất là tại những thời điểm có biểu hiện thừa tiền đồng, khó hoặc chưa đẩy mạnh được đầu ra là cho vay.
VnEconomy