MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tỷ lệ doanh nghiệp tận dụng ưu đãi thuế quan trong EVFTA còn rất thấp

Tỷ lệ doanh nghiệp tận dụng ưu đãi thuế quan trong EVFTA còn rất thấp

Phần lớn các DN vẫn chưa hiểu hết những lợi ích cũng như chưa đáp ứng được quy định chứng nhận xuất xứ, nhằm tận dụng tối đa ưu đãi thuế quan từ EVFTA.

Kết quả khảo sát mới nhất của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, có tới gần 41% DN xuất khẩu cho biết đã từng hưởng lợi từ Hiệp định EVFTA. Trong số này, lợi ích phổ biến nhất là các ưu đãi thuế quan đối với hàng xuất khẩu, nhập khẩu (với 40-42% DN). Có 17% DN đã được hưởng ưu đãi thuế quan EVFTA với ít nhất 1 lô hàng xuất khẩu, 16% DN đã có lô hàng nhập khẩu hưởng ưu đãi.

Đa số các DN cho biết, để có được ưu đãi là nhờ chủ động tìm hiểu cam kết hoặc được đối tác gợi ý, hỗ trợ tận dụng. Để được hưởng ưu đãi, có tới 34% DN cho biết nguồn cung nguyên liệu và chu trình sản xuất hiện tại đã đáp ứng quy tắc xuất xứ EVFTA. Chỉ có 13% DN là chủ động thay đổi, điều chỉnh để được hưởng ưu đãi này.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho biết, ngành da giày tận dụng khá tốt các ưu đãi do EVFTA mang lại. Việc chuyển đổi từ cơ chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) theo các quy định về yêu cầu xuất xứ trong EVFTA khá là tương đồng, nên việc thực thi khá đơn giản với các DN đã xuất khẩu.

Tỷ lệ doanh nghiệp tận dụng ưu đãi thuế quan trong EVFTA còn rất thấp - Ảnh 1.

Một số DN không được hưởng ưu đãi thuế quan trong EVFTA do không bảo đảm các yêu cầu về chứng từ, thủ tục khác liên quan thậm chí không biết về các ưu đãi. (Ảnh minh họa: Moit)

Tuy nhiên, đối với những DN bắt đầu tham gia vào thị trường xuất khẩu cần phải nắm bắt hàng loạt các quy định, thủ tục nên phải có hướng dẫn đào tạo cụ thể. Việc này cần có các khóa đào tạo giữa hiệp hội ngành nghề với cơ quan quản lý xuất nhập khẩu. Ngoài ra, trong quá trình xuất khẩu, các DN có khúc mắc sẽ rất cần sự hỗ trợ từ phía Hiệp hội.

Theo các chuyên gia thương mại, với các trường hợp DN chưa hưởng ưu đãi thuế EVFTA, lý do phổ biến là không đáp ứng quy tắc xuất xứ theo yêu cầu, hoặc do đã hưởng ưu đãi thuế khác như hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập. Cũng có một số ít DN không được hưởng ưu đãi do không bảo đảm các yêu cầu về chứng từ, thủ tục khác liên quan, thậm chí không biết về các ưu đãi.

Lưu ý đối với các DN xuất khẩu, bà Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) thông tin, không phải khi hàng hóa của DN có giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) hay những chứng từ tự chứng nhận xuất xứ đã nộp cho cơ quan hải quan nước nhập khẩu là xong. Sau đó còn có các vấn đề liên quan đến kiểm tra sau thông quan, cũng như những thủ tục liên quan đến hậu kiểm.

“Các DN cần có hệ thống lưu trữ chứng từ, hồ sơ cẩn thận để đề phòng trường hợp sau này nếu cơ quan hải quan yêu cầu xác minh xuất xứ và hậu kiểm, DN hoàn toàn có đầy đủ khả năng để chứng minh xuất xứ cho những lô hàng đã xuất khẩu, có thể là từ trước đây 1 - 2 năm và những ưu đãi thuế quan sẽ vẫn được giữ trong khuôn khổ EVFTA đối với những lô hàng mà bị xác minh xuất xứ”, bà Hiền lưu ý.

Cũng theo bà Hiền, từ ngày 1/1/2023, cơ chế chứng nhận xuất xứ đối với hàng hóa xuất khẩu vào EU sẽ theo quy định và theo cơ chế chứng nhận xuất xứ trong khuôn khổ EVFTA, cụ thể là đối với những lô hàng có trị giá từ 6.000 euro trở xuống DN sẽ thực hiện tự chứng nhận xuất xứ, không cần phải có văn bản chấp thuận của Bộ Công Thương và cũng không cần phải có những mã số tương tự như mã số REX về đăng ký tự chứng nhận xuất xứ của EU. Đối với những lô hàng trên 6.000 euro, DN sẽ thực hiện nộp bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận xuất xứ mẫu EUR.1 là một trong khuôn khổ EVFTA đối với các lô hàng xuất khẩu đi EU.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, tình hình sử dụng C/O trong EVFTA thời gian qua khá tích cực. Tổng kim ngạch xuất khẩu được cấp C/O trong khuôn khổ EVFTA chiếm 20% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đi EU. Trong đó, một số mặt hàng hiện nay đang có kim ngạch cao được cấp giấy chứng nhận xuất xứ trong khuôn khổ EVFTA gồm có da giày, thủy sản...

Tỷ lệ doanh nghiệp tận dụng ưu đãi thuế quan trong EVFTA còn rất thấp - Ảnh 2.

Cơ quan quản lý cần hỗ trợ DN chứng minh hàng hóa có xuất xứ đáp ứng theo quy định của EVFTA.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng trong kim ngạch thương mại Việt Nam-EU hiện nay vẫn được đánh giá chưa tương xứng với triển vọng phát triển hợp tác thương mại giữa hai bên. Còn rất nhiều DN Việt vẫn chưa hiểu hết những lợi ích và chưa đáp ứng quy định về C/O ưu đãi, nhằm tận dụng được tối đa ưu đãi thuế quan từ EVFTA.

Theo bà Trịnh Thị Thu Hiền, để có thể gia tăng được tỷ lệ về xuất xứ đối với hàng Việt Nam xuất khẩu đi EU, hiện nay Cục Xuất nhập khẩu tiếp tục công tác tham mưu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về xuất xứ hàng hóa, để tạo hành lang pháp lý và có những quy định cụ thể, minh bạch liên quan đến vấn đề này.

Đồng thời, Cục xuất nhập khẩu đang nỗ lực và tích cực phối hợp với các cơ quan hữu quan, như Tổng cục Hải quan và các hiệp hội ngành hàng để có những cuộc tập huấn, đào tạo kịp thời cho doanh nghiệp, để làm sao đáp ứng được đúng những quy định khắt khe của EU. Đặc biệt, Cục Xuất nhập khẩu tiếp tục phối hợp và chủ động phối hợp với cơ quan hải quan của nước nhập khẩu, hỗ trợ DN chứng minh hàng hóa có xuất xứ đáp ứng theo quy định của EVFTA…

Theo Nguyễn Quỳnh

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên