Tỷ lệ dư nợ tín dụng/ GDP cao, Ngân hàng Nhà nước sẽ làm gì?
Theo TS. Lê Đạt Chí, thông tin của Thống đốc NHNN về tỷ lệ dư nợ tín dụng/ GDP của Việt Nam hiện ở mức cao 140% cho thấy NHNN đã ý thức về rủi ro và có động thái dịch chuyển linh hoạt...
- 22-04-2021Tín dụng từ đầu năm tới nay tăng trưởng gấp hơn 4 lần cùng kỳ 2020, tiền đổ vào bất động sản tăng, vào chứng khoán giảm
- 19-04-2021Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP của Việt Nam đã lên trên 140%
Thái độ ứng xử như thế nào đối với biến động của nền kinh tế toàn cầu là một trong những vấn đề chúng ta cần đặc biệt quan tâm hiện nay. FED, như đã biết, đã đưa ra những gói kích thích kinh tế rất lớn để cứu nền kinh tế khỏi suy thoái sâu trước tác động của COVID-19. Tương tự là châu Âu.
Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, nếu để tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP tiếp tục tăng cao và vốn vay trung dài hạn cũng dựa nhiều vào ngân hàng thì sẽ tạo áp lực lớn đối với việc cân đối vốn của hệ thống ngân hàng và cân đối vĩ mô.
Nhìn nhận về bức tranh tài chính tiền tệ toàn cầu, TS. Lê Đạt Chí, Chuyên gia Tài chính, Phó Trưởng khoa Tài chính Trường ĐH Kinh tế TP HCM (UEH) cho rằng, trong khi các quốc gia lớn và phát triển sử dụng các gói bơm tiền khổng lồ để kích thích kinh tế, thì các nền kinh tế có đồng tiền không chuyển đổi như Trung Quốc hay Việt Nam lại gánh chịu thiệt hại rất lớn khi đã tham gia sâu vào thị trường toàn cầu. Các nền kinh tế này có thể bị ảnh hưởng từ những cú sốc từ các nền kinh tế thế giới bởi họ đồng tiền chuyển đổi mạnh mẽ.
Hai số liệu đáng chú ý hiện nay, theo TS Lê Đạt Chí, từ nền kinh tế lớn hiện đang sẵn sàng sàng bội chi ngân sách: Tỷ lệ nợ của Fed - Bộ Tài chính Mỹ hiện đã lên đến 130%, và tỷ lệ nợ/GDP của nền kinh tế top đầu thế giới này đã lên đến 230%. Chưa có thời điểm nào trong lịch sử xảy ra chuyện đó. Trong khi đó ở các nền kinh tế mới nổi như Việt Nam, chúng ta lại không thể in tiền vô tội vạ để đáp ứng nhu cầu chi tiêu của nền kinh tế. Nói cách khác đó là những biểu hiện để cho thấy những tác động của cú sốc bên ngoài nếu xảy ra của hệ thống tài chính toàn cầu, lên các nền kinh tế mới nổi như Việt Nam, thì là một thách thức.
Tuy nhiên lại cũng xuất hiện những cơ hội chưa từng có. Nước Mỹ cùng với bội chi ngân sách, đi kèm là thâm hụt cán cân thương mại, tạo điều kiện để tăng thặng dư thương mại ở các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, hay Đức, Việt Nam...Các quốc gia này sẽ có cơ hội tăng dự trữ ngoại hối và từ đó tạo nên nền tảng cho những khát vọng xây dựng đất nước. Ví dụ như Việt Nam sẽ gia tăng chính sách mở rộng tiền tệ, với những điều kiện và trên cơ sở dự trữ ngoại hối. Đó là điểm cho thấy trước những tác động từ bên ngoài, nếu nhận diện đầy đủ và chủ động, Việt Nam có thể tận dụng được những cơ hội hiện nay, đặc biệt sau những đợt sóng COVID-19 đã thay đổi bức tranh tài chính tiền tệ trên thị trường, và thực hiện các mục tiêu tích lũy nguồn lực, phát triển kinh tế, TS Lê Đạt Chí nhận định.
Cùng với đó, nền kinh tế thế giới và Việt Nam cũng đứng trước có những cảnh báo, thách thức chung. Đó là tỷ lệ nợ ngày càng lớn so với quy mô của nền kinh tế. Như Mỹ, đã được đề cập với số liệu trên. Với Việt Nam, nhắc lại thông tin Thống đốc NHNN đã công bố số liệu tỷ lệ dư nợ tín dụng / GDP đã lên đến 140%, cao nhất trong lịch sử, TS Lê Đạt Chí phân tích: Điều đó cho thấy chúng ta thực hiện nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ phục hồi nền kinh tế, đưa đến vận tốc của tiền trong nền kinh tế rất chậm và đó là một rủi ro tiềm ẩn rất lớn khi có cú sốc từ nền kinh tế bên ngoài vào, thì khả năng chống đỡ của hệ thống tài chính tiền tệ Việt Nam khó đáp ứng được nếu chúng ta vẫn tiếp tục sử dụng lượng tiền để kích thích tăng trưởng kinh tế cho mục tiêu phát triển cao.
TS Lê Đạt Chí -P.Trưởng khoa Tài chính (UEH)
"Đây là thời điểm bắt đầu của diễn tiến mới và bắt đầu của kế hoạch 5 năm thực hiện khát vọng đã được Đảng đề ra trong Đại hội Đảng lần thứ XIII là "đến 2030 cơ bản đưa nền kinh tế Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao". Điều đó bắt buộc Việt Nam phải tận dụng ngay cơ hội hiện nay của thị trường tài chính quốc tế, từ hệ thống tiền tệ thế giới để gia tăng tiềm lực tài chính cho nền kinh tế Việt Nam. Đồng thời chúng ta sẽ phải phát triển trung tâm tài chính, đặc biệt trong bối cảnh các trung tâm tài chính quốc tế đã có sự dịch chuyển mạnh, để đáp ứng nhu cầu trong mục tiêu phát triển kinh tế", ông nói.
Cũng theo chuyên gia- TS Lê Đạt Chí thì tỷ lệ dư nợ tín dụng /GDP của các nền kinh tế cao trong đó có Việt Nam dẫn đến bài toán khi chúng ta sử dụng các liệu pháp để kích thích nền kinh tế, sẽ khiến hành vi của người dân và nền kinh tế, doanh nghiệp có sự thận trọng, càng khiến khả năng phục hồi của nền kinh tế chậm. Những vấn đề đáng quan ngại, có thể xảy ra như sau:
Thứ nhất, đáng lo ngại có khả năng không phải là lạm phát mà là giảm phát. Đây là căn bệnh khó trị nhất để phục hồi nền kinh tế.
Thứ hai, nếu nền kinh tế rơi vào giảm phát, thì trong lịch sử nó lúc lại có lúc trở thành siêu lạm phát, tức không phải là lạm phát gia tăng theo một tốc độ trong kiểm soát mà là ở tốc độ rất mạnh. (Thực tiễn cho thấy, tốc độ của lạm phát và giảm phát có quan hệ qua lại khá chặt chẽ: tốc độ lạm phát tăng càng cao, thì tốc độ giảm phát cũng càng lớn -PV). Khi một quốc gia lớn như Mỹ, nếu xảy ra trường hợp này, có tỷ lệ lạm phát tăng mạnh, tạo ra cú sốc kinh tế, tất yếu các nền kinh tế có đồng tiền chưa chuyển đổi như Việt Nam sẽ bị tổn thương. Lo ngại đó có thể không là hiện thực ở 2021 hoặc tương lai 2023-2034 nhưng trong một chiến lược phát triển kinh tế nói chung, luôn cần có kịch bản để đề phòng điều này xảy ra.
Thứ ba, vì nhận ra tỷ lệ dư nợ tín dung/ GDP của nền kinh tế đang gia tăng nên các chính sách, đặc biệt chính sách tiền tệ sẽ phải dịch chuyển, định hình lại, NHNN đã có những bước đi, động thái để chỉ đạo dòng tín dụng trong nền kinh tế. Đương nhiên đó không phải là dùng cái van để khóa ngay mà là sự điều chỉnh để phù hợp với diễn tiến.
Thứ tư, vấn đề của nền kinh tế VN và cả nền kinh tế thế giới, theo tính toán, hiện vận tốc tiền vẫn rất thấp, chỉ còn 0. 5-0.7% so với thời điểm tích cực 2.3-2.5%. Mức độ luân chuyển trong nền kinh tế chậm thì NHNN vẫn sẽ phải bơm tiền ra ồ ạt để đạt được mục tiêu tăng trưởng. Theo đó lượng tiền lưu thông trong nền kinh tế khá lớn. Vì vậy, nếu không chuẩn bị rút bớt tiền và sẵn sàng cho những nguy cơ thì khó tránh trường hợp khóa van đột ngột, như chúng ta đã từng có thời điểm phải làm như vậy. Nói cách khác sử dụng chính sách tiền tệ khóa van khẩn cấp thì sẽ gây ra những cú sốc và vượt ngoài kiểm soát.
"Điểm khác biệt của bối cảnh hiện nay, so với trước đây là như đã nói, NHNN đã nhận ra điều này và đang có bước điều chỉnh dòng tín dụng. Ngoài ra, sức khỏe hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện đã khá tốt, đặc biệt tăng trưởng lợi nhuận giúp tạo nền tảng và nếu các ngân hàng giữ được tốc độ gia tăng vốn chủ sở hữu thì sẽ giảm được tỷ lệ nợ, tránh được những cú sốc bên ngoài. Bài toán và mục tiêu lớn của NHNN hiện nay, theo tôi là vẫn sẽ phải thúc đẩy vận tốc của tiền. Khi vận tốc tiền gia tăng thì cung tiền sẽ giảm", chuyên gia nhấn mạnh.
Diễn đàn doanh nghiệp