Tỷ lệ nợ xấu thực có thể lên đến 8,86%
Theo NHNN, tính đến 31/12/2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống TCTD là 2,46% nhưng tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu do VAMC quản lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu có khả năng lên đến 8,86% tổng dư nợ.
- 28-03-2017Nợ xấu trước “thời cuộc” mới
- 18-03-2017Gần 1/4 số nợ xấu VAMC mua trong 3 năm đầu hoạt động đến từ Agribank
- 17-03-2017Đã thu hồi được hơn 50 nghìn tỷ đồng nợ xấu
Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến về Dự thảo lần 1 Luật hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu.
Theo NHNN, sau 4 năm thực hiện đề án tái cơ cấu hệ thống TCTD cũng như sau khi có VAMC ra đời, đến nay về cơ bản, việc cơ cấu lại hệ thống TCTD đã đạt được một số kết quả nhất định.
Có thể kể đến như các TCTD yếu kém được nhận diện và được cơ cấu lại, không để xảy ra đổ vỡ TCTD ngoài tầm kiểm soát, đảm bảo giữ vững sự ổn định, an toàn của hệ thống các TCTD, tài sản của Nhà nước, nhân dân được bảo đảm an toàn.
Thứ hai, hoạt động sáp nhập, hợp nhất diễn ra trên cơ sở tự nguyện, chủ yếu sử dụng các nguồn lực của xã hội và không sử dụng trực tiếp tiền của ngân sách nhà nước. Số lượng TCTD đã giảm được khoảng 22 tổ chức.
Thứ ba, sở hữu chéo, đầu tư chéo được xử lý một bước; tình trạng cổ đông/nhóm cổ đông lớn thao túng ngân hàng được xử lý một bước cơ bản.
Thứ tư, các TCTD đã tích cực nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu, đặc biệt là nỗ lực tự xử lý nợ xấu. Tính đến 31/12/2015, các TCTD đã xử lý được 493,09 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Đến cuối tháng 31/12/2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống TCTD là 2,46%.
Tuy nhiên, NHNN cũng đánh giá, quá trình triển khai cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng cho thấy, hệ thống các TCTD còn nhiều tồn tại, hạn chế, chủ yếu là một số vấn đề chính như sau:
Thứ nhất, hiệu quả kinh doanh chưa cao do hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn, áp lực xử lý nợ xấu, chi phí dự phòng rủi ro lớn dẫn đến tình hình tài chính của nhiều TCTD gặp khó khăn, nhiều TCTD có kết quả kinh doanh thua lỗ.
Thứ hai, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã kiểm soát ở mức dưới 3% nhưng nợ xấu có xu hướng tăng trở lại về quy mô. Tính đến 31/12/2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu do VAMC quản lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu có khả năng lên đến 8,86% tổng dư nợ do khâu xử lý tài sản bảo đảm và xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được giải quyết.
Thứ ba, giai đoạn vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã mua lại bắt buộc một số ngân hàng thương mại yếu kém để bảo đảm an toàn của hệ thống TCTD. Tuy nhiên, do khuôn khổ pháp lý của việc xử lý TCTD yếu kém còn chưa hoàn thiện và còn nhiều bất cập nên việc phục hồi và củng cố hoạt động của các TCTD yếu kém còn gặp rất nhiều khó khăn và tiềm ẩn rủi ro, tổn thất nếu không kịp thời xây dựng cơ chế, khuôn khổ pháp lý để triển khai thực hiện việc hỗ trợ.
Thứ tư, việc xử lý nợ xấu bước đầu đã đạt được kết quả khả quan, nhưng pháp luật về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm còn nhiều bất cập; Thiếu nguồn lực và cơ chế đặc thù cho VAMC hoạt động. Do đó đòi hỏi cần phải tiếp tục và sớm có giải pháp xử lý quyết liệt trong thời gian tới không để tác động xấu đến an toàn hệ thống và bảo đảm tính khả thi của việc xử lý TCTD yếu kém.
Theo số liệu của NHNN, tính đến 31/12/2016, tổng dư nợ của các TCTD với nền kinh tế là 5.505.406 tỷ đồng. Như vậy với tỷ lệ 8,86% trên tổng dư nợ thì tổng nợ xấu thực tế (bao gồm cả nợ nội bảng, nợ do VAMC quản lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu) có thể lên đến hơn 487 nghìn tỷ đồng.