MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tỷ lệ thất nghiệp của người di cư đến TP. HCM cao gấp 3 lần đến Hà Nội

Tỷ lệ thất nghiệp của người di cư đến TP. HCM cao gấp 3 lần đến Hà Nội

Theo Điều tra lao động việc làm năm 2019 Tổng cục Thống kê mới công bố gần đây, tỷ lệ thất nghiệp của người di cư là 9,49%, cao hơn khoảng 5 lần so với tỷ lệ thất nghiệp của dân số từ 15 tuổi trở lên (hiện là 1,99%).

Cả nước có khoảng 70,5 nghìn người di cư thất nghiệp, chiếm 6,3% trong tổng số người thất nghiệp cả nước. Đáng chú ý là tỷ lệ thất nghiệp của người di cư (9,49%) cao hơn khoảng 5 lần so với tỷ lệ thất nghiệp của dân số từ 15 tuổi trở lên (hiện là 1,99%), số người di cư thất nghiệp ở nông thôn (34,8 nghìn) thấp hơn so với thành thị (35,7 nghìn). 

Định nghĩa “thất nghiệp” căn cứ vào ba tiêu chuẩn sau: (i) hiện không có một công việc; (ii) đang tìm kiếm việc làm; và (iii) sẵn sàng làm việc. Các yếu tố này phải được thỏa mãn đồng thời.

Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp của nữ di cư lại cao hơn so với tỷ lệ này của nam (10,27% so với 8,62%). Theo xu hướng chung, tỷ lệ thất nghiệp thanh niên (15-24 tuổi) luôn cao ở cả nhóm di cư và dân số chung (tương ứng là 11,72% và 6,51%). Xem xét theo vùng, tỷ lệ thất nghiệp của người di cư thấp nhất thuộc về vùng Đồng bằng sông Hồng (5,39%) và cao nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long (16,23%).

Tỷ lệ thất nghiệp của người di cư đến TP. HCM cao gấp 3 lần đến Hà Nội - Ảnh 2.

Đáng chú ý, tỷ lệ thất nghiệp của người di cư đến Hà Nội là 2,07%, thấp hơn nhiều so với trung bình cả nước. Trong khi tỷ lệ này ở TP. HCM là 7,36%, cao hơn gấp 3 lần so với Hà Nội.

Theo báo cáo, số người di cư đến Hà Nội thất nghiệp là 1,9 nghìn người, đến TP. HCM thất nghiệp là 13,4 nghìn người.

Báo cáo cũng cho biết, năm 2019, số người di cư từ 15 tuổi trở lên là 928,3 nghìn người, trong đó 55,0% là phụ nữ và phần lớn là di chuyển đến khu vực thành thị (63,6%). Tuy vậy, tỷ trọng người di cư trên tổng dân số 15 tuổi trở lên vẫn khá thấp (1,3%), ở thành thị cao hơn 3 lần so với nông thôn (2,3 % so với 0,7%). 

Quan sát giữa các vùng kinh tế - xã hội, vùng có số lượng người di cư đến nhiều nhất là Đông Nam Bộ, hiện chiếm khoảng 38,7% trong tổng số người di cư 15 tuổi trở lên. Trong đó, riêng Thành phố Hồ Chí Minh đã đóng góp tới hơn ba phần năm thị phần (khoảng 24,9% tương đương 230,8 nghìn người). 

Tỷ trọng người di cư ở nhóm tuổi 25-54 là cao nhất (49,2%), tiếp theo là nhóm tuổi thanh niên (15-24 tuổi) hiện cũng chiếm gần một nửa so với tổng số người di cư (45,6%). Xu hướng này cũng đúng đối với nam giới. Đối với nữ giới thì ngược lại, nhóm tuổi thanh niên chiếm tỷ trọng cao nhất (48,1%), tiếp theo là nhóm tuổi 25-54 (45,4%).

Trong tổng số 928,3 nghìn người di cư từ 15 tuổi trở lên, có tới 80,0% tham gia vào lực lượng lao động, cao hơn so với tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của dân số 3,8 điểm phần trăm (76,2%). Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của người di cư chênh lệch đáng kể giữa nam (84,2%) và nữ (76,6%) và không đồng đều giữa các vùng. 

Theo xu hướng chung, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của người di cư ở khu vực nông thôn được tìm thấy cao hơn khu vực thành thị 13,9 điểm phần trăm (88,9% so với 75,0%). 

Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của người di cư cao nhất là ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc (88,9%), và thấp nhất là ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (74,3%). Chênh lệch về giới trong mức độ tham gia lực lượng lao động của người di cư lớn nhất là ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nữ giới thấp hơn nam giới 17,7 điểm phần trăm. Sự khác biệt theo giới về mức độ tham gia lực lượng lao động của người di cư có xu hướng tăng dần từ Bắc vào Nam.

Thái Quỳnh

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên