Tỷ phú Do Thái Michael Bloomberg: Ra trường hoang mang, thất nghiệp ở tuổi trung niên, giàu lên khi đã già nhờ ‘chém gió bán tầm nhìn’
Michael Bloomberg đã có 1 hành trình ngoạn mục, trở thành tỷ phú khi đã 40 tuổi.
- 09-10-2023Mượn em trai 40 triệu đồng để nuôi lợn: Sau này, anh làm tỷ phú, còn số phận em trai gây bất ngờ
- 09-10-2023Thời niên thiếu cọ toilet nhận lương chỉ hơn 20k/h, giờ là tỷ phú vẫn chỉ thích ăn cơm vợ nấu
- 08-10-2023Vợ của triệu phú, tỷ phú đều có 3 ĐẶC ĐIỂM chung – Nghe nể phục chứ chẳng phải may mắn lấy được chồng giàu
“Đã đến lúc ra đi rồi đấy”, CEO John Gutfreund của Salomon Brothers đã lạnh lùng nói thẳng với Michael Bloomberg khi sa thải người đàn ông gần 40 tuổi này vào năm 1981.
Thế nhưng chỉ 40 năm sau đó, vị doanh nhân Do Thái này đã trở thành người giàu thứ 7 thế giới theo xếp hạng của Forbes cùng khối tài sản 94,5 tỷ USD.
Dù đã bước qua tuổi 81, người đàn ông xây dựng nên đế chế truyền thông có doanh thu 12 tỷ USD/năm này vẫn mạnh mẽ tuyên bố: “Tôi sẽ chẳng đi đâu cả”.
Bản thân Bloomberg cùng thường nói đùa rằng mẹ mình sống đến 102 tuổi nên ông cũng mong sẽ phá vỡ kỷ lục đó và tiếp tục điều hành đế chế của mình dù tuổi đã cao.
Giàu nhưng ‘chặt chẽ’
Nổi tiếng với khối tài sản khổng lồ là vậy nhưng Michael Bloomberg lại có lối sống khá giản dị và tiết kiệm đến từng đồng.
Kể cả khi đắc cử chức thị trưởng New York, người dân vẫn thấy Bloomberg đi làm bằng tài điện ngầm như bao người khác dù ở nhà vẫn có một chiếc Chevrolet Suburban trị giá 52.000 USD.
Theo người phát ngôn Stu Loese của Bloomberg, vị tỷ phú này chỉ có 2 đôi giày màu đen để đi làm và đều mòn tới mức chẳng nhìn rõ nhãn hiệu.
“Hôm nay ông đi đôi này thì ngay mai ông sẽ đi đôi còn lại. Những đôi giày được chăm chút cẩn thận, thường xuyên được mang đi đánh bóng, hoặc thay đế mới để đi được lâu hơn. Ông nói chỉ cần đi thoải mái và tiện dụng là được, không có nhu cầu mua giày mới", ông Loese cho hay.
Thậm chí khi đi mua cà phê, tỷ phú Bloomberg cũng thường hay chọn loại nhỏ nhất để không lãng phí.
Ông trùm đế chế truyền thông này cũng chẳng tốn nhiều tiền cho quần áo thời trang và chỉ mua sắm khi thực sự có nhu cầu.
Sống tiết kiệm là vậy nhưng Bloomberg lại cực kỳ hào phóng cho làm từ thiện.
Năm 2013, Bloomberg đã làm quyên góp tới 450 triệu USD, bao gồm 350 triệu USD cho ngôi trường cũ của mình là Đại học Johns Hopkins. Số tiền quyên góp tích lũy cho ngôi trường tới thời điểm hiện tại đã lên đến 1,1 tỷ USD.
Bên cạnh đó, Bloomberg cũng đóng góp 100 triệu USD cho Quỹ Bill & Melinda Gates để giúp những người bại liệt. Tờ New York Times cho hay riêng trong năm 2019, vị doanh nhân Do Thái này đã cho đi tổng cộng 3,3 tỷ USD.
"Tôi nghĩ điều quan trọng nhất chúng ta nên làm là để lại cho con cháu của mình một thế giới tốt đẹp hơn, chứ không phải để lại cho chúng thật nhiều của cải. Hành vi từ thiện của bạn sẽ mang lại lợi ích cho chúng nhiều ích lợi hơn hẳn những gì bạn tưởng", tỷ phú Bloomberg nói.
Hoang mang khi ra trường và thất nghiệp ở tuổi 40
Micheal Bloomberg là người sáng lập và là CEO của tập đoàn truyền thông tài chính Bloomberg L.P, đồng thời là chủ của tờ báo tài chính nổi tiếng thế giới Bloomberg. Ông có tiếng nói khá lớn trong cộng đồng kinh doanh Mỹ cũng như giới tài chính.
Trong buổi chia sẻ tại Lễ tốt nghiệp trường đại học Villanova, tỷ phú Bloomberg thừa nhận rằng bản thân mình cũng đã từng hoang mang khi ở tuổi 22 lúc mới ra trường: “Nếu bạn hoang mang khi không biết sẽ làm nghề gì thì đừng lo lắng. Bản thân tôi khi tốt nghiệp với tấm bằng kinh doanh của trường đại học Harvard cũng chẳng biết mình muốn làm gì.”
Xuất thân nghèo khó, bản thân Bloomberg từng phải làm việc tại bãi đậu xe để trang trải học phí cho suốt quãng đời sinh viên.
Thế rồi khi ra trường, chàng trai trẻ Bloomberg đã vào làm cho ngân hàng đầu tư Salomon Brothers dù mức lương ở đây thấp hơn so với nhiều đề nghị tuyển dụng khác.
Vị tỷ phú này thừa nhận mình lựa chọn công việc dựa trên tiềm năng phát triển của bản thân cũng như khả năng học hỏi được những kỹ năng mới. Đó mới là chiến lược đúng đắn nhất khi bắt đầu sự nghiệp chứ không phải một công việc nhẹ nhàng với lương cao.
Tuy nhiên có lẽ bước ngoặt cuộc đời của Bloomberg đến từ khi ông bị đuổi việc ở giữa cuộc đời và lại một lần nữa hoang mang về tương lai.
Sau khi bộc lộ tài năng của mình nhờ những thành công trong giao dịch các cổ phiếu, Bloomberg được cho phép giao dịch những cổ phiếu của các công ty lớn và trở thành nhân viên tiêu biểu sáng giá nhất trong Salomon.
Thậm chí, Salomon đã để Bloomberg trở thành đối tác và cho phép ông toàn quyền chịu trách nhiệm mảng chứng khoán của công ty.
Tuy nhiên, ông Bloomberg bị giáng chức đột ngột xuống bộ phận công nghệ thông tin và ở nguyên đó cho đến năm 1981. Khi Salomon quyết định sáp nhập với Phibro, Bloomberg bị sa thải với khoản bồi thường 10 triệu USD.
Đây là một cú sốc lớn với Bloomberg khi Salomon là công ty đầu tiên mà ông làm kể từ khi tốt nghiệp đại học Havard năm 1966 và vị tỷ phú này khi đó không bao giờ nghĩ mình sẽ rời Salomon.
Tại thời điểm này, ông Bloomberg đã 39 tuổi và rất khó để có thể chuyển sang công ty khác với mức lương và ưu đãi như cũ.
Không nhụt chí, nhà đầu tư tài ba này đã dùng khoản tiền 10 triệu USD bồi thường cùng với 2 kỹ năng vô cùng quan trọng đã rèn luyện từ thời làm ở Salomon là đầu tư chứng khoán và công nghệ tài chính để xây dựng nên đế chế của riêng mình.
Tuy nhiên do được sinh ra và nuôi dạy trong một gia đình Do Thái, ông Bloomberg không hề nhụt chí và luôn có tinh thần dám "liều mình" để tiến lên phía trước. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến ông gây dựng nên được một đế chế như ngày nay.
Chém gió bán ‘tầm nhìn’
“Khi nhà đầu tư phố Wall nhận ra được giá trị phân tích kỹ thuật về mối liên quan giữa các cổ phiếu, họ vẫn tập trung vào cách làm thủ công với bút chì và giấy trong suốt giai đoạn từ khi tôi mới vào nghề thập niên 60 cho đến khi bị sa thải vào năm 1981”, ông Bloomberg nói về việc tại sao mình lại bắt đầu xây dựng công nghệ phân tích chứng khoán thời kỳ đó.
Ý tưởng của Bloomberg khi đó là xây dựng một hệ thống thông tin gồm nhiều kênh đầu tư khác nhau gồm chứng khoán, tiền tệ và qua đó làm rõ vị thế của từng công ty trên thị trường.
Nhờ đó, xu thế trên thị trường sẽ trở nên rõ ràng hơn cũng như làm lộ rõ cơ hội đầu tư cho các nhà đầu tư.
Nói cách khác, ông Bloomberg muốn tạo nên kho dữ liệu, phân tích chất lượng cao và bán dịch vụ cho các nhà đầu tư.
Tỷ phú Bloomberg khi đó đã thuê 4 cựu đồng nghiệp tại Salomon để hoàn thành dự án này và bắt đầu chào bán sản phẩm kể từ trước khi chúng được hoàn thành.
Bộ phận đầu tư Capital Market Dision của Merrill Lynch là nơi đầu tiên hứng thú với sản phẩm của Bloomberg và ông đã đến gặp trực tiếp giám đốc bộ phận, ông Ed Moriarty để chào bán một thứ thậm chí chưa được hoàn thành.
Trên thực tế, ông Moriarty không tin lắm vào khả năng hoàn thành sản phẩm của Bloomberg, trong khi giám đốc bộ phận kỹ thuật, ông Hank Alexander của Merrill Lynch cho rằng công ty nên tự làm sản phẩm này thay vì thuê ngoài.
“Nếu chúng tôi không có thêm nhiệm vụ nào mới, chúng tôi có thể bắt đầu thực hiện nó sau 6 tháng nữa”, ông Alexander nói.
Ngay lập tức, Bloomberg cho biết ông và nhóm của mình có thể hoàn thành sản phẩm trong vòng 6 tháng và nếu công ty không thích chúng, họ sẽ không phải trả tiền.
Tại thời điểm đó, Bloomberg và nhóm cộng sự không có gì ngoài một ý tưởng để giúp đỡ các chuyên viên môi giới tài chính. Tuy vậy, vị tỷ phú này đã hứa hẹn không ngần ngại như thể họ đã làm xong sản phẩm.
Rõ ràng, ông Bloomberg đã dựa vào khả năng thuyết phục của mình để bán “tầm nhìn”, sau đó dựa vào độc quyền dữ liệu phân tích để mở rộng thị trường cũng như ngày càng trở nên nổi tiếng trong giới tài chính.
“Thương vụ đầu tiên đó không hề dễ dàng và nếu xét theo tiêu chuẩn đàm phán kinh doanh ngày nay, nó thậm chí thật buồn cười. Tuy vậy, chúng tôi đã làm được điều đó và thành công”, ông Bloomberg nhớ lại.
Ngay sau khi thử nghiệm thành công, Merrill Lynch đã đầu tư 30 triệu USD công ty của Bloomberg.
Kể từ đây, con đường sự nghiệp của Bloomberg nở hoa và hiện đế chế của ông đã nắm giữ 1/3 thị phần thị trường dữ liệu tài chính phân tích, vốn có tổng giá trị khoảng 37 tỷ USD toàn cầu, trong suốt 10 năm qua.
Tính đến năm 2023, toàn thế giới đã có khoảng 365.000 cổng thông tin truy cập vào dịch vụ của Bloomberg được thuê từ chuyên viên ngân hàng đầu tư, nhà giao dịch trái phiếu, chuyên gia phân tích chứng khoán, nhà quản lý quỹ hưu trí và cả các quan chức ngân hàng trung ương.
Tờ Financial Times (FT) đánh giá khả năng kiếm tiền từ các cổng thông tin của Bloomberg đã khiến nhiều người phải ghen tị.
Mức giá thuê lẻ một công Terminal vào khoảng 2.500 USD/tháng và không bao giờ có khuyến mãi hay giảm giá kể cả với những khách hàng lớn nhất.
Nhiều ước tính cho thấy doanh thu từ các cổng thông tin này trong 2 năm tới của Bloomberg sẽ đạt ít nhất 9,7 tỷ USD.
*Nguồn: Tổng hợp
Nhịp sống thị trường