Tỷ phú giàu nhất Nhật Bản kiếm được hơn 9 tỷ USD nhờ khách hàng trở lại mua sắm tại Uniqlo
Tỷ phú Tadashi Yanai – ông chủ Uniqlo – hiện sở hữu tài sản 28,9 tỷ USD, tăng 9,2 tỷ USD so với thời điểm giữa tháng 3. Uniqlo đóng góp 80% doanh thu cho Fast Retailing.
- 16-06-2020Chuyện về cha đẻ Uniqlo: Tay trắng biến tiệm may nhỏ thành đế chế thời trang lừng lẫy thế giới và cách tiêu tiền khiến nhiều người kinh ngạc
- 08-06-2020Báo Nhật: EVFTA được Quốc hội Việt Nam thông qua là tin tốt cho Uniqlo
- 04-06-2020Chiến lược giúp Uniqlo dễ dàng vượt bão Covid-19: 'Lấy lòng' được đất nước tỷ dân, khiến một người sẵn sàng dùng từ sơ mi, áo phông đến cả đôi tất
Khi đại dịch Covid-19 khiến hàng loạt cửa hàng trên thế giới đóng cửa, nhiều chuỗi bán lẻ phải nộp đơn xin phá sản như J.C.Penney, Debenham, Neiman Marcus… Tuy nhiên, khi các lệnh phong tỏa dần được dỡ bỏ, người tiêu dùng đang quay trở lại mua sắm nhiều hơn, đặc biệt tại châu Á.
Tỷ phú giàu nhất Nhật Bản Tadashi Yanai – ông chủ sở hữu tập đoàn Fast Retailing nổi tiếng với thương hiệu quần áo Uniqlo – là một trong những người hưởng lợi lớn từ sự phục hồi này. So với bảng xếp hạng người giàu thế giới được Forbes ghi nhận vào ngày 18/3, tài sản của Tadashi Yanai đã tăng thêm 9,2 tỷ USD và hiện trị giá 28,9 tỷ USD.
Rất đông khách hàng đã đổ xô đến các cửa hàng của Uniqlo tại Nhật Bản và Trung Quốc, giúp cổ phiếu của Fast Retailing tăng 53% kể từ ngày 19/3. Hai quốc gia này chiếm đến 75% mạng lưới 2.200 cửa hàng trên toàn thế giới của Uniqlo. Fast Retailing sở hữu nhiều thương hiệu khác như Theory, Helmut Lang, J Brand và GU nhưng Uniqlo vẫn là cỗ máy kiếm tiền lớn nhất - đóng góp 80% trong tổng doanh thu 21,3 tỷ USD hàng năm của tập đoàn.
Theo Maureen Hinton, Giám đốc nghiên cứu tại GlobalData, một công ty tư vấn và phân tích dữ liệu ở London, “Các nhà bán lẻ đang kinh doanh tốt hơn tại châu Á. Tại các thị trường đông dân như Trung Quốc, nhu cầu ngày càng gia tăng”.
Tỷ phú Tadashi Yanai – ông chủ Uniqlo. Ảnh: Bloomberg
Uniqlo đã đóng cửa một nửa trong tổng số 748 cửa hàng tại Trung Quốc sau khi lệnh phong tỏa được áp dụng vào tháng 1 và dần mở lại tất cả vào cuối tháng 4. Trong khi đó tại Nhật Bản, 40% cửa hàng Uniqlo, tạm thời đóng cửa vào tháng 5, cũng dần mở cửa trở lại. Tháng trước, công ty đã khai trương 2 cửa hàng Uniqlo mới ở Tokyo: một ở khu phố cao cấp Ginza và một trong trung tâm mua sắm của thành phố Harajuku.
Hồi tháng 6, Uniqlo thu hút nhiều người tiêu dùng khi bán khẩu trang AIRism. Bên cạnh đó các cửa hàng của thương hiệu này cũng được nhiều khách hàng ghé thăm nhờ mức giá phải chăng. Những chiếc váy của phụ nữ thường có giá bán lẻ từ 9,9 đến 39,9 USD.
Theo Dairo Murata, nhà phân tích của JP Morgan tại Tokyo, Uniqlo gần như “miễn dịch” với suy thoái kinh tế. “Chu kỳ kinh tế và xu hướng thời trang không có nhiều tác động đến Uniqlo vì hãng này cung cấp những sản phẩm đời thường và xuất phát từ nhu cầu thực”.
Dù vậy, “gã khổng lồ” bán lẻ cũng không tránh khỏi những ảnh hưởng của đại dịch. Công ty ước tính trong năm tài chính kế thúc vào ngày 31/8, doanh thu giảm 9% xuống còn 19,3 tỷ USD, trong khi lợi nhuận hoạt động còn 1,34 tỷ USD, giảm 44% so với năm trước.
Khi Yanai còn nhỏ, cha mẹ ông kinh doanh một cửa hàng quần áo tại một thị trấn nhỏ ở quận Yamaguchi, phía tây nam Nhật Bản. Ông thường tuyên bố rằng tham vọng của mình là đưa Fast Retailing trở thành nhà bán lẻ hàng may mặc lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, tập đoàn Nhật Bản hiện vẫn đứng sau Inditex của Tây Ban Nha – tập đoàn có doanh thu hàng năm 31,6 tỷ USD và nổi tiếng với thương hiệu Zara cũng như H&M của Thụy Điển (doanh thu hàng năm 24,8 tỷ USD).
Người sáng lập Inditex, Amancio Ortega là tỷ phú may mặc giàu nhất thế giới với tài sản ròng 64,6 tỷ USD, còn ông chủ H&M Stefan Persson đứng thứ ba sau Yanai với tài sản 16,4 tỷ USD.
Người đồng hành