MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tỷ phú giàu thứ 2 Nhật Bản toan tính gì với "canh bạc" lớn nhất đời mình?

26-07-2016 - 20:30 PM | Tài chính quốc tế

Việc thâu tóm ARM sẽ có ý nghĩa quan trọng giúp SoftBank đi đầu trong công nghệ kết nối mọi tiện ích của cuộc sống.

Những ngày nghỉ hè tháng 5/2016 êm đềm của Chủ tịch Tập đoàn sản xuất chip ARM, ông Stuart Chambers, bên bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ đã bị phá vỡ bởi chuyến viếng thăm của một trong những người giàu nhất Nhật, ông Masayoshi Son.

Nhà sáng lập tập đoàn công nghệ SoftBank nổi tiếng hàng đầu nước Nhật đến gặp ông để có những cuộc bàn thảo cuối cùng về việc thâu tóm tập đoàn này.

Ông Son đến bằng máy bay riêng cùng với một đoàn đông nhân viên an ninh bởi trước đó sân bay Istanbul đã bị đánh bom. Và rõ ràng là Stuart Chambers không chuẩn bị sẵn sàng cho việc đưa ra quyết định đường đột đến như vậy. Hai bên đã thảo luận trong vài ngày, Son ra đi để lại Chambers với ngổn ngang suy nghĩ.

13 ngày sau, Chambers thông báo chính thức với cổ đông và các nhân viên về thương vụ thâu tóm trị giá 24,3 tỷ bảng Anh của tập đoàn Softbank. Tỷ phú Son của Nhật chính thức chiến thắng.

Và lịch sử của ngành công nghệ thế giới lại có thêm nhiều kỷ lục mới được ghi lại: chưa bao giờ có một công ty châu Á nào mua lại doanh nghiệp của Anh với giá trị lớn như vậy, giá trị vụ thâu tóm cũng lớn chưa từng có trong lịch sử ngành công nghệ châu Âu và lịch sử của tập đoàn SoftBank.

Để dọn đường cho vụ thâu tóm của mình, ông đã gọi điện cho Thủ tướng và Bộ trưởng Tài chính Anh nói chuyện trong nhiều giờ để đảm bảo rằng chính phủ Anh sẽ không gây khó dễ gì. Ông cũng chia sẻ với những nhà hoạch định chính sách hàng đầu nước Anh về tham vọng của ông sau khi thâu tóm được ARM.

Chia sẻ với báo giới, ông Son khẳng định đây là canh bạc lớn nhất trong cuộc đời ông đến hiện tại, ông đã chờ đợi cơ hội quá nhiều năm và giờ đã là lúc để hành động.

Về phía mình, tập đoàn ARM cũng có quá nhiều điều để rất nhiều tỷ phú công nghệ thế giới phải thèm muốn. Mỗi năm trên thế giới có đến 15 tỷ con chip được sản xuất dựa trên thiết kế của ARM, và hiện ARM đang thống trị thị trường chip cho điện thoại thông minh toàn cầu.

Là một tỷ phú công nghệ nhanh nhạy, ông Son thừa biết việc sở hữu ARM sẽ giúp SoftBank đi đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mà Nhật đã và đang triển khai ráo riết.

Trong bài phỏng vấn mới đây tại Hyde Park, London, tỷ phú Son nói: “Công nghệ sẽ không chỉ giới hạn trong những tòa nhà cao tầng mà nó sẽ vươn đến từng ngóc ngách của cuộc sống. Ví như công nghệ sẽ được kết nối vào hệ thống đèn đường giao thông để những chiếc đèn sẽ tự động tắt khi có quá ít người đi lại. Những chiếc xe ô tô chạy trên đường sẽ tự động kết nối với nhau để những người đang lưu thông trên đường sẽ đều biết chiếc xe nào là xe không người lái và nhường đường cũng như cẩn thận hơn với nó. Cả thế giới sẽ cùng kết nối với nhau.”

Từ trước khi mua lại nhà mạng Sprint vào năm 2012, tỷ phú Son đã quan tâm đến ARM nhưng chưa có cơ hội mua lại. Sau này, ông Son muốn sáp nhập Sprint vào T-Mobile tuy nhiên các nhà làm luật Mỹ đã không chấp nhận. Dù vậy, việc không vung tiền vào thương vụ trên đã giúp ông có đủ tiềm lực tài chính để theo đuổi ARM đến cùng.

Tỷ phú Son đã chuẩn bị tài chính cực kỳ kỹ lưỡng để theo đuổi ARM. Đầu tháng 6/2016, SoftBank công bố sẽ huy động 10 tỷ USD bằng việc bán một phần cổ phiếu nắm giữ tại Alibaba. Năm 2000, SoftBank đầu tư chỉ 20 triệu USD vào Alibaba và nay giá trị số cổ phiếu đó đã có giá trị đến 60 tỷ USD. Vài tuần sau đó, SoftBank bán cổ phần tại công ty trò chơi Supercell cho Tencent để thu về 8,6 tỷ USD.

Ông mời Simon Segars, CEO của ARM tại Silicon Valley – Mỹ đến dinh thự của mình tại Mỹ để cùng ăn tối và bàn về tương lai của ARM. Tại cuộc gặp này, ông nhận ra rằng ông Segars và ông chia sẻ nhiều quan điểm chung về hướng phát triển ARM. Họ có thể cùng nhau quản lý tập đoàn nếu sau này ông Son có thể mua được ARM. Sau đó là nhiều cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo cao cấp của cả hai bên.

Cuối cùng, đội ngũ tư vấn viên của Mizuho Securities đã cùng tham gia với Son để bàn bạc về những thỏa thuận cuối cùng. Sau 2 tuần, các thỏa thuận hoàn tất. Thương vụ thâu tóm giá trị cực lớn của ngành công nghệ thế giới được hoàn tất. Nhà đầu tư Nhật vô cùng hài lòng với quyết định của Son. Trong phiên giao dịch đầu tiên sau khi thương vụ này chính thức được công bố, cổ phiếu SoftBank đã tăng đến 10%.

Về phương diện cá nhân, ông Son được giới giàu có của Nhật biết đến với hình ảnh của một người đàn ông có tầm nhìn không chỉ 5-10 năm mà là 30 năm. Ông nói: “Khi tôi nói tôi muốn làm điều gì đó, người ta hay bảo tôi bị điên. Tuy nhiên họ thực ra chẳng hiểu gì, tôi thường nghĩ đến những gì tôi sẽ đạt được sau ít nhất 20 năm nữa.”

Ông Masayoshi Son, nhà sáng lập ra tập đoàn SoftBank được sinh ra trong một gia đình nghèo thế hệ thứ hai của người Hàn Quốc tại Nhật. Năm 19 tuổi, khi còn đang học đại học tại California, Mỹ, ông đã quyết định sẽ làm việc trong lĩnh vực công nghệ sau khi ông tìm hiểu kỹ lưỡng về những con chip do Intel sản xuất.

“Tôi thực sự đã rất choáng váng. Tôi tin có ngày nào đó, chip sẽ thay thế cả bộ não con người”, ông Son kể lại. Khi đó, ông vẫn giữ bức ảnh của con chip dưới gối của mình cứ như thể đó là một minh tinh màn bạc vậy.

Ông Son hiện là tỷ phú giàu thứ 2 ở Nhật. Danh mục đầu tư của ông đã trải rộng khắp thế giới, từ Sprint tại Mỹ cho đến Alibaba tại Trung Quốc, và công cụ tìm kiếm Yahoo của Nhật, đến giờ là ARM.

Việc thâu tóm ARM sẽ có ý nghĩa quan trọng giúp SoftBank đi đầu trong công nghệ kết nối mọi tiện ích của cuộc sống. Sau khi máy tính và điện thoại thông minh trở nên phổ biến, sẽ đến hàng loạt các thiết bị thông minh được sáng tạo ra phục vụ cho cuộc sống của con người.

Theo Ngọc Thanh

Trí thức trẻ/CafeBiz

Trở lên trên