Tỷ phú nhờ trồng nấm bào ngư
Diện tích đất sản xuất nông nghiệp tại vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang dần thu hẹp, nhiều nông dân đã ứng dụng kỹ thuật phát triển nông nghiệp đô thị.
- 22-12-2016Trở thành triệu phú nhờ nghề trồng nấm
- 10-04-2014Người trồng nấm bất an
- 12-03-2014Trồng nấm: Nghề và cây siêu lợi nhuận
Tại các vùng Bình Thủy, Phong Điền, Cái Răng và Ninh Kiều (TP Cần Thơ), ngành nông nghiệp hỗ trợ người dân tiếp cận nhiều giống mới, theo quy trình sản xuất canh tác áp dụng công nghệ cao, sản xuất bền vững.
Bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ cho biết: Các mô hình nông nghiệp đô thị đã thật sự mang lại hiệu quả, đạt được lợi nhuận cao, đặc biệt trong sản xuất rau, hoa và nấm. Nấm bào ngư Thới An Đông sản xuất và sơ chế tại quận Bình Thuỷ được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) công nhận nhãn hiệu và Sở NN&PTNT TP Cần Thơ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Ông Lê Văn Út, chủ trại nấm Tám Phấn (quận Bình Thuỷ, TP Cần Thơ), là một trong những nông dân làm giàu từ mô hình trồng nấm bào ngư. Ông Út đứng ra thành lập Tổ sản xuất và kinh doanh nấm bào ngư Thới An Đông, với 7 tổ viên, sản xuất khoảng 150.000 bịch phôi cung cấp cho bạn hàng các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang, Vĩnh Long…
Ông Lê Văn Út, chủ trại nấm Tám Phấn (Bình Thuỷ, Cần Thơ).
Ông Út và các tổ viên ngoài việc sản xuất nấm cũng làm phôi giống để bán cho nông dân ở các quận huyện lân cận và các tỉnh. Ngoài nấm bào ngư, các tổ viên còn phát triển nghề trồng nấm linh chi cho thu nhập cao, phù hợp với định hướng nông nghiệp đô thị.
Thời gian đầu, nấm do ông Út trồng chưa có đầu ra ổn định nên để lâu khó bán và thiếu kỹ thuật chăm sóc. Năm 2011, ông Út được phường và quận hỗ trợ đi học kỹ thuật trồng nấm bào ngư Nhật. Ngoài việc được tập huấn, ông Út được trung tâm khuyến nông hỗ trợ mua 3.000 bịch phôi nấm về trồng trong diện tích 20m².
Cộng với sự chịu khó chăm sóc, thành công đã đến với ông Út. “Nấm làm ra luôn trong tình trạng “cháy hàng”, đem lại thu nhập ổn định, cải thiện cuộc sống của nhiều hộ nông dân”, ông Út nói.
Ngoài ra, ông Út cũng lưu ý, trồng nấm bào ngư tuyệt đối không được sử dụng phân, thuốc vì nếu cho phân, thuốc vào thì nhất định nấm sẽ hư. Nhờ chỉn chu trong khâu chăm sóc, lại thường xuyên đi học tập, ứng dụng kỹ thuật, trao đổi giao lưu với các trại nấm ở các tỉnh thành, nên trại nấm của ông Út thu hoạch đều đặn.
“Nhờ làm ăn khấm khá nên tôi mới mua thêm miếng đất làm trại sản xuất. Mấy đứa con trước đây đi làm thuê ở bên ngoài, nay cũng trở về phụ công việc trồng nấm và mở rộng sản xuất của gia đình”, ông Út vui mừng.
Hiện 7 trại sản xuất rộng gần 1.000m² của ông Út cung ứng ra thị trường khoảng 3.000 bịch phôi cung cấp các khách hàng các tỉnh miền Tây và 100kg nấm bào ngư thành phẩm cung ứng cho siêu thị tại TP Cần Thơ và các chợ.
Với 1 năm sản xuất 2 vụ, các trại nấm bào ngư mang về cho ông Út khoảng 800 triệu đồng. Từ một người nghèo, đến nay, ông Út trở thành tỷ phú, nhờ vào việc trồng nấm hiệu quả.
Anh Trần Quốc Tuấn, cán bộ Trạm khuyến nông quận Bình Thuỷ nhận xét: “Địa phương có 8 hộ trồng nấm bào ngư nhưng hộ của ông Út trồng nhiều nhất để cung cấp ra thị trường. Đây là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, công lao động nhàn, có thể nhân rộng ra nhiều địa phương”.
Công an nhân dân