Tỷ trọng cổ phiếu CTG trong danh mục Pyn Elite Fund tiếp tục tăng mạnh trong tháng 2
3 cổ phiếu lớn nhất danh mục quỹ đều là cổ phiếu ngân hàng, bao gồm TPB (10,49%), CTG (9,57%) và HDB (9,24%). Trong đó, CTG đã được tăng tỷ trọng từ 8,94% vào cuối tháng 1 (lớn thứ 4) lên 9,57% (lớn thứ 2) trong danh mục.
Pyn Elite Fund, quỹ đầu tư với quy mô 395 triệu Euro (440 triệu USD) vừa công bố báo cáo tháng 2 với nhiều điểm đáng chú ý.
Trong báo cáo, Pyn Elite Fund đánh giá tháng 2 là giai đoạn hỗn loạn với TTCK toàn cầu khi nhiều trường hợp nhiễm Corona virus tại các quốc gia Hàn Quốc, Ý…Chỉ số VN-Index giảm 5,8% bởi ảnh hưởng từ VIC, SAB, BID…trong khi NAV/Shares của Pyn Elite Fund chỉ giảm 2,8% do ảnh hưởng chủ yếu từ CII (-12,2%), VEA (-9,1%) và MWG (-3,9%).
Trong 2 tháng đầu năm, NAV/Shares của Pyn Elite Fund giảm 3,66%, tích cực hơn so với mức giảm của VN-Index (-8,2%) do danh mục quỹ nắm giữ tỷ trọng lớn cổ phiếu ngân hàng. Đây là nhóm cổ phiếu có biến động tương đối tích cực từ đầu năm tới nay, tiêu biểu là CTG.
3 cổ phiếu lớn nhất danh mục quỹ đều là cổ phiếu ngân hàng, bao gồm TPB (10,49%), CTG (9,57%) và HDB (9,24%). Trong đó, CTG đã được tăng tỷ trọng từ 8,94% vào cuối tháng 1 (lớn thứ 4) lên 9,57% (lớn thứ 2) trong danh mục.
Pyn Elite Fund cho biết đã tận dụng nhịp điều chỉnh của thị trường để cơ cấu danh mục đầu tư. Top 12 khoản đầu tư của quỹ có sự xuất hiện của ACV với tỷ trọng 2,3%, trong khi cái tên bị loại là FCN.
Cơ cấu danh mục Pyn Elite Fund hiện có 93% là cổ phiếu, trong khi tỷ trọng tiền mặt là 7%. Cách đây ít ngày, Pyn Elite Fund đánh giá thị trường Việt Nam đang được định giá rất rẻ và là thời điểm tốt để "tất tay".
Theo báo cáo, Pyn Elite Fund cho rằng giữa những tin xấu, Việt Nam đã trở thành điểm sáng ngăn chặn đà lây lan của Corona virus khi chỉ có 16 trường hợp dương tính và đều đã khỏi bệnh. Đây là điều không tệ cho một quốc gia có chung biên giới với Trung Quốc.
Về mặt vĩ mô, Pyn Elite Fund đánh giá các hãng hàng không, doanh nghiệp liên quan đến du lịch và các doanh nghiệp dầu khí đã có một tháng khó khăn. Tuy vậy xuất khẩu nông sản vẫn khá tốt trong bối cảnh dịch bệnh. Trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu nông sản Việt Nam đạt 2,5 tỷ USD, chỉ giảm 4,3% so với cùng kỳ, xuất khẩu thủy sản giảm 15,9% xuống 932 triệu USD và xuất khẩu gia súc, gia cầm đạt 74 triệu USD, giảm 9,6%.
PMI Việt Nam tháng 2 giảm xuống 49 điểm, từ mức 50,6 điểm trong tháng 1 do đơn đặt hàng mới giảm và nguồn cung hàng hóa Trung Quốc không đủ đẩy giá đầu vào tăng. Tuy nhiên các nhà sản xuất vẫn mong đợi sự cải thiện về sản lượng trong 12 tháng tới.