U60 có lương hưu 10 triệu đồng/tháng, dành hết nuôi con chăm cháu: vô tình đọc tin nhắn của con dâu, tôi quyết định không đưa một đồng nào nữa
Từ lúc con trai lấy vợ, bà Chu chăm sóc, lo lắng mọi chuyện cho gia đình con, thậm chí đưa hết tiền lương hưu để giúp con trả tiền nhà. Đổi lại, thái độ vợ chồng con trai lại khiến bà phiền lòng.
- 20-07-2024Cụ bà có 5,2 tỷ đồng nhưng nhất quyết không thừa kế cho 3 người con: Khi biết lý do tất cả còn phải vội xin lỗi
- 19-07-2024Cụ bà mắc 2 căn bệnh ung thư nhưng vẫn thọ 119: Chăm ăn 3 loại thực phẩm “trường thọ” bán đầy ở chợ Việt
- 16-07-2024Cụ bà hơn 70 tuổi quyết ly hôn chồng dù bị các con ngăn cản, mắng chửi là “kẻ điên”: Lý do ai cũng ủng hộ!
Đây là câu chuyện của bà Chu (hiện đang sống tại Trung Quốc) được đăng tải trên trang 163 gây sự chú ý của nhiều người.
Giúp đỡ vợ chồng con trai hết lòng
Tôi họ Chu, năm nay 60 tuổi. Cả tôi và chồng đều là lao động phổ thông. Chúng tôi có một người con trai, tiền đi làm được cũng chỉ để lo cho đứa con này.
Từ nhỏ con trai tôi là người khá hiếu động, không yêu thích học hành. Sau này, con miễn cưỡng học đại một ngành nào đó rồi đi làm. Trên đời này làm gì có công việc nhẹ nhàng, nhưng con thì không chấp nhận điều đó. Ra trường nhiều năm, con trai không biết đã thử bao nhiêu nghề. Khó khăn lắm, con mới tìm được một công việc ổn định. Sau đó, chúng tôi bắt đầu lo đến chuyện dựng vợ gả chồng cho con.
Tôi nhờ một bà mai giới thiệu bạn gái cho con trai. Cô gái này làm y tá trong bệnh viện thành phố. Tôi nghĩ con gái làm nghề này tính cách nhất định rất kiên nhẫn, dịu dàng nên dù chưa gặp mặt tôi khá là hài lòng.
Chuyện tình cảm của hai đứa tiến triển rất nhanh chóng, chưa đến một năm sau chúng tôi tổ chức hôn lễ cho các con. Tôi và chồng đều rất vui mừng vì trong nhà cuối cùng cũng có tin vui.
Lúc kết hôn, gia đình tôi đưa cho nhà gái 10 vạn NDT (tương đương với 348 triệu VND) làm tiền sính lễ, thêm vào đó tiền tổ chức lễ cưới tất cả mất khoảng 30 vạn NDT (tương đương với 1 tỷ VND). Trước khi cưới, con dâu nói với chúng tôi là muốn ở riêng, vì vậy vợ chồng chúng tôi mua các con một căn nhà với số tiền đặt cọc hơn 40 vạn NDT (tương đương với 1,3 tỷ VND), số tiền còn lại các con sẽ trả góp dần.
Mọi thứ đã được sắp xếp ổn thỏa, số tiền tiết kiệm của tôi còn lại cũng chả còn bao nhiêu. Tôi tâm sự với chồng rằng tiền đi làm khổ cực cả đời trong chốc lát đã tiêu hết sạch. Chồng tôi động viên đừng nên lo lắng, tuổi tác của chúng tôi vẫn còn có thể tiết kiệm thêm tiền được. Với lại con cái mình có cuộc sống hạnh phúc bản thân cũng sẽ yên lòng.
Mặc dù vợ chồng con trai không sống cùng chúng tôi, nhưng sợ các con ra ngoài ăn không đảm bảo lại còn phải trả tiền nhà nên tôi đã bảo hai đứa đến nhà ăn cơm cùng.
Mấy tháng sau, tôi chính thức nghỉ hưu, toàn tâm ở nhà nội trợ. Con trai, con dâu tan làm là đến nhà tôi ăn cơm rồi lại về nhà. Cuộc sống hằng ngày cứ tiếp diễn như vậy, lúc này tôi chỉ có một tâm nguyện là được bồng con bế cháu.
Kết hôn được 2 năm, con dâu tôi mang thai. Tôi vô cùng vui mừng vì cuối cùng cũng thỏa mãn tâm nguyện của mình.
Bất ngờ về tính cách của con dâu
Con dâu tôi mang thai thì liền xin nghỉ việc. Thấy con như vậy tôi hơi chút tiếc nuối. Nhưng con trai nói rằng chuyện ấy là chuyện tạm thời, hơn nữa sức khỏe của con dâu nếu đi làm thì không ổn.
Về việc này, tôi có suy nghĩ khác. Nếu mệt mỏi thì có thể xin giấy phép nghỉ mấy hôm, còn đã xin nghỉ việc hẳn, sau này tìm việc rất vất vả.
Từ ngày con nghỉ ở nhà, tuy là không có thu nhập nhưng chuyện ăn uống chăm sóc con tôi khá kỹ càng và cẩn thận. Sau 9 tháng 10 ngày mong mỏi, cháu trai của tôi cuối cùng đã chào đời. Trong quãng thời gian này, tôi ở cạnh, giúp đỡ con bất cứ thứ gì có thể.
Khi cháu tôi được 5 tháng thì phải uống thêm sữa ngoài, tiền cũng phải tiêu không ít. Vì chuyện này mà vợ chồng con trai thường xuyên lớn tiếng to nhỏ.
Con dâu trách con trai tôi kiếm được ít tiền, không lo được cuộc sống ổn định cho hai mẹ con. Thấy vậy, lòng tôi nặng trĩu, không còn cách nào tôi đành bàn bạc với chồng lo tiền sữa cho cháu, mỗi tháng cho cháu nội 1500 NDT (tương đương với 5,2 triệu VND).
Đến khi cháu nội được một tuổi, tôi khuyên con dâu cố gắng sắp xếp đi làm nhưng con không chịu nghe. Con nói rằng tìm một tháng rồi mà không tìm được việc nào ưng ý.
Thái độ ấy, tôi bắt đầu hiểu tính cách của con dâu.
Trong khoảng thời gian này, nói ở nhà nhưng con chủ yếu chỉ biết hưởng thụ. Lúc cháu nội ngủ thì con ra ngoài mua sắm. Việc trong nhà thì chỉ một mình tôi quán xuyến. Sợ vợ chồng các con cãi nhau nên chuyện này tôi không dám kể với ai.
Cháu tôi lớn hơn một chút, con dâu tôi đột nhiên lại muốn cho cháu học đàn. Điều quan trọng là con dâu xin tôi 3 vạn NDT (tương đương với 104 triệu VND) để mua đàn. Vì thương cháu nên chúng tôi đồng ý. Mua chưa đầy một tháng, cháu không hứng thú.Thế là đàn chỉ để ở góc nhà phủ một lớp bụi mờ.
Nhìn thấy cháu trai ngày một lớn dần, tôi nghĩ sau này có nhiều khoản phải chi tiêu. Hơn nữa một tháng con trai tôi chỉ kiếm được 5000 NDT (tương đương với 17,4 triệu VND), tôi càng khuyên con dâu đi làm. Tuy nhiên là càng nói bao nhiêu thì con lại càng không nghe.
Một tháng tôi có 3000 NDT (tương đương với 10,4 triệu VND) tiền lương hưu, số tiền này tôi đưa hết cho con trai để lo tiền nhà. Còn cuộc sống sinh hoạt của hai vợ chồng già chúng tôi thì dựa vào lương của ông nhà. Chúng tôi không dám tiêu nhiều, mỗi tháng cố định chỉ tiêu 2000 NDT (tương đương với 6,9 triệu VND).
Kể từ ngày tôi hỗ trợ con trai chút tiền, hai vợ chồng các con hòa thuận hơn nhiều. Thỉnh thoảng cuối tuần hai đứa lại dẫn cháu nội về thăm chúng tôi.
Quyết định sống vì bản thân
Một lần về thăm tôi, tôi vô tình nhìn thấy đoạn tin nhắn từ điện thoại con dâu. Đại khái đây là một tin nhắn xác nhận. Hóa ra, con dâu đang tính đưa ông bà thông gia đi du lịch trong dịp Tết nguyên đán tới. Tổng cộng 5 người đi, giá cả mỗi người là 5000 NDT (tương đương với 17,4 triệu VND), tiền du lịch theo đoàn là 3 vạn NDT (tương đương với 104 triệu VND).
Tất cả chuyện này, tôi không hề hay biết. Từ lúc con dâu gả vào nhà chúng tôi, lúc con mang thai nghỉ việc, chúng tôi là người giúp đỡ gia đình các con cả sinh hoạt và tài chính. Tiền sữa cho cháu, tiền ăn uống hằng ngày, tiền mua đàn, tiền nhà trả góp đều là tiền của chúng tôi. Tôi và chồng năm nay đã 60 tuổi mà chưa biết đi du lịch là như thế nào. Mấy năm nay, chúng tôi ăn uống vô cùng tiết kiệm ngay cả mua một bộ quần áo mới cũng không dám mua. Tất cả là vì lo cho gia đình con trai. Hóa ra bao nhiêu năm sống vì con vì cháu, trong lòng con, tôi không là gì cả.
Cuối cùng, tôi quyết định tôi sẽ không chu cấp tiền cho các con, để các con sống cuộc sống tự lập và không để bản thân phải chịu khổ nữa.