MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ứng dụng công nghệ số - cú hích để doanh nghiệp tăng trưởng và cạnh tranh

Ứng dụng công nghệ số - cú hích để doanh nghiệp tăng trưởng và cạnh tranh

Ứng dụng nền tảng số là xu thế tất yếu trong bối cảnh Cách mạng công nghệ 4.0, bởi sẽ tạo cơ hội kinh doanh mới, nâng cao lợi thế cạnh tranh và tối ưu hóa quản trị doanh nghiệp.

Đặc biệt là trong khó khăn mới do dịch Covid-19 gây ra, dù ở quy mô nào, nếu không thay đổi, nắm bắt kịp thời các xu hướng công nghệ doanh nghiệp sẽ khó tồn tại, phát triển.

Là doanh nghiệp may mặc với nhiều đơn hàng xuất khẩu tại nhiều quốc gia trên thế giới, Tổng công ty May 10 luôn xác định, việc đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ số sẽ giảm được nhiều chi phí cho doanh nghiệp. Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc May 10 cho biết, do doanh nghiệp đưa ứng dụng phần mềm quản lý tự động hóa trong sản xuất đã làm cho hiệu quả và năng suất lao động của đơn vị tăng vọt.

Nếu như trước kia, với công đoạn dây chuyền nước chảy hoặc dây chuyền cụm, May 10 phải cần từ 3-5 lao động; thì hiện nay với hệ thống thiết bị mới đã giảm bớt một nửa số lao động thủ công, song năng suất lại tăng gấp đôi. Bên cạnh việc đầu tư ứng dụng công nghệ máy móc, thiết bị hiện đại, May 10 còn đẩy mạnh đầu tư vào phần mềm trong thiết kế mẫu may mặc, điều này đã cắt giảm được nhiều khâu, thời gian, chi phí… cho doanh nghiệp khi thực hiện.

“Cách đây khoảng 3 năm, Tổng công ty may 10 chúng tôi đầu tư một phần mềm 3D. Qua phần mềm này, chúng tôi đã thiết kế toàn bộ mẫu sản phẩm trên công nghệ 3D cộng với câu chuyện may mẫu trên phần 3D và duyệt mẫu trên phần phần mềm 3D - phần mềm này là do nước ngoài sản xuất. Theo đó, chúng tôi đã ứng dụng và tiết kiệm được rất nhiều công may mẫu, phải trả đi trả lại, thời gian may mẫu và chi phí vận chuyển mẫu từ đây sang Mỹ, Nhật Bản, châu Âu” - ông Thân Đức Việt nói.

Năm 2020, mặc dù trong bối cảnh chịu tác động mạnh của đại dịch Covid-19, quy mô kinh tế số của Việt Nam vẫn đạt mức 14 tỉ USD, đóng góp khoảng 5,2% GDP với sự phát triển mạnh mẽ của các ngành công nghệ thông tin, thương mại điện tử; viễn thông. Báo cáo “e-Conomy SEA 2020” cũng cho thấy, Việt Nam cùng với Indonesia là hai nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế số hàng đầu Khu vực ASEAN với tốc độ tăng trưởng trung bình 27% trong giai đoạn 2015-2020.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Trang, Phó Giám đốc Công ty TSJ 365 Việt Nam, trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid 19, nếu doanh nghiệp Việt không bắt kịp các xu hướng công nghệ mới sẽ khó tồn tại và phát triển.

“Nếu như chúng ta loại bỏ sử dụng công nghệ thông tin thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tính bảo mật cũng như hoạt động của doanh nghiệp. Bởi vì hiện trên thế giới các doanh nghiệp đang đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin, chúng ta sẽ bị tụt hậu nếu không áp dụng công nghệ mới cũng như không bắt kịp những xu hướng của thế giới” - bà Nguyễn Thị Hồng Trang nói.


Tuy nhiên, theo số liệu khảo sát của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, hiện có đến 61% doanh nghiệp Việt Nam còn đứng ngoài cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Đa số doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn về khả năng đầu tư thiết bị, công nghệ do thiếu vốn. Một số doanh nghiệp có khả năng đầu tư thì lại hạn chế về thông tin và nguồn nhân lực vận hành hệ thống sản xuất thông minh. Thêm vào đó, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam chưa sẵn sàng với các công nghệ của nền kinh tế số.

Ông Lê Ngọc Lam, đại diện Tập đoàn VMWare Việt Nam cho biết: “Bên cạnh thời cơ, kinh tế số ở Việt Nam vẫn còn nhiều “điểm nghẽn”. Khó khăn đầu tiên nhìn thấy là do hạ tầng của nhiều doanh nghiệp là những công nghệ cũ cách đây khoảng 5-10 năm, thậm chí 15 năm. Chúng tôi áp dụng và cung cấp cho khách hàng thường dựa vào chu kỳ, bắt đầu là việc nâng cấp hệ thống, nâng cấp về hạ tầng trung tâm dữ liệu, nâng cấp về ứng dụng. Để chuyển đổi hạ tầng sẽ có những rủi ro nhất định, có thể là dừng hoạt động để lắpn đặt dịch vụ”.

Kinh tế số đang phát triển mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu, đây vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội tốt để kinh tế Việt Nam có thể tận dụng. Thông qua thiết lập một môi trường thể chế minh bạch, rõ ràng, thuận lợi, Chính phủ cần thúc đẩy một cách có hiệu quả và bảo đảm cho phát triển kinh tế số. Cụ thể là tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo nguồn nhân lực và đặc biệt chú trọng đến đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật số, cũng như các giải pháp công nghệ số trong bối cảnh thời đại mới.

Ông Lê Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội tin học Việt Nam cho rằng: “Về năng lực ứng dụng công nghệ người Việt Nam có thể làm được rất nhiều thứ, nhưng để ứng dụng công nghệ thì đòi hỏi phải có đầu tư, phải có nguồn lực. Thứ hai, phải có điều kiện về mặt quy định về mặt pháp lý, sự ủng hộ của xã hội thì mới thực hiện được”.

Hiện năng suất lao động phụ thuộc rất lớn vào cuộc cách mạng công nghệ. Do đó, quốc gia nào tận dụng được cuộc cách mạng công nghiệp thì sẽ cho năng suất lao động cao, phát triển nhanh về phía trước. Nước ta đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội từ các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, do đó, đối với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 này cần có sự chủ động, đi trước. Đồng thời, phải có những bước đi táo bạo, mạnh mẽ để tận dụng được những lợi thế từ cuộc cách mạng này đem lại. Từ đó nhằm cụ thể hóa hoàn thành mục tiêu đưa đất nước sớm trở thành một nước công nghiệp./.

Theo Nguyễn Hằng

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên