Ứng dụng đặt xe trong nước cạnh tranh với Uber và Grab ra sao?
Các hãng taxi truyền thống đua nhau tung ra các ứng dụng đặt xe riêng, nhiều startup cũng nhảy vào thị trường ứng dụng đặt xe với các chuyến đi dài... Đó là những thay đổi lớn trên thị trường vận tải khi Uber và Grab đổ bộ thị trường Việt Nam.
- 27-09-2017Vì sao ngành thuế quyết truy thu hơn 66 tỷ đồng tiền thuế đối với Uber?
- 23-09-2017Uber bị xử phạt và truy thu thuế 66,68 tỉ đồng tại Việt Nam
- 22-09-2017Lái xe Uber, Grab “ngã ngửa” vì bị truy thu thuế
- 20-09-2017Viettel nhảy vào thị trường gọi xe trực tuyến: Cần gì cứ phải nước ngoài, DN Việt Nam cũng có thể cạnh tranh sòng phẳng với Uber, Grab
Trong thời gian qua, liên tiếp nhiều những ứng dụng đặt xe tham gia thị trường. Gần đây nhất là sự ra mắt của Nội Bài Online. Trước đó, thị trường đã chứng kiến sự mắt của Taxi Go, 123 xe, Carento,... Không chỉ vậy, các hãng taxi lớn như Vinasun, Mai Linh, Taxi Group cũng nhanh chóng phát triển ứng dụng đặt xe mang tên mình.
Đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hòa cùng sự phát triển của kinh tế chia sẻ,... là những lý do được các nhà phát triển đưa ra. Dù vậy, các ứng dụng này đều không tránh khỏi tình cảnh bị đem ra so sánh với Uber và Grab. Các ứng dụng đặt xe này có thể chia làm 3 nhóm.
Nhóm thứ nhất được dẫn dắt bởi Uber và Grab. Tập trung phục vụ nhu cầu di chuyển trong quãng đường ngắn, Uber Grab đã chủ động triển khai dịch vụ của mình tại các thành phố lớn ngay khi mới thâm nhập thị trường Việt Nam. Khách hàng có nhu cầu di chuyển có thể được đón sau ít phút với vài thao tác chạm trên thiết bị di động. Ứng dụng sẽ thông báo cho tài xế sở hữu xe nhàn rỗi các thông tin về vị trí của khách hàng và giá cước vận chuyển.
Nhóm thứ hai là các hãng taxi. Khi sức ép từ Uber và Grab ngày một lớn, các doanh nghiệp taxi đã bắt đầu phản công để giành lại thị phần. Họ tập trung nâng cấp chất lượng dịch vụ và công nghệ giao tiếp với khách hàng. Vinasun, Mai Linh, Taxi Group, Thành công,... liên tiếp cho ra mắt các ứng dụng riêng của hãng. Một số doanh nghiệp còn tạo ra mảng xe hợp đồng (tương tự Uber và Grab) với thương hiệu Vcar của Vinasun, ThanhCong car của Thành công, Nội Bài Online của Hợp tác xã vận tải Nội Bài.
Nhóm thứ ba được dẫn dắt bởi các startup Việt. Chứng kiến sự thành công của Uber và Grab, ngày càng nhiều startup trong nước tham gia vào mảng đặt xe trực tuyến. Vietgo, Carento, 123xe, Taxi Go,... đang giúp kết nối chủ xe với khách hàng. Những ứng dụng này tập trung vào mảng đặt xe đường dài, chưa có sự tham gia của Uber và Grab.
Sự tham gia của những ứng dụng đặt xe đường dài đã khiến tuyến đi sân bay trở thành nơi cạnh tranh khốc liệt. Các ứng dụng đặt xe đường dài chú trọng phục vụ nhu cầu di chuyển trên 30km, trong khi đây cũng là khoảng cách từ trung tâm thành phố Hà Nội đến sân bay Nội Bài. Sự tham gia của ứng dụng đặt xe đường dài, ứng dụng đặt xe của các hãng taxi, Uber, Grab đã khiến giá cước liên tục được hạ thấp. Kỷ lục giá liên tục được phá vỡ, từ mức 200.000 đồng, giờ chỉ còn 160.000 đồng. Thậm chí, Uber cũng từng đưa ra mức giá chỉ 150.000 đồng.
Đường nào cho các ứng dụng đặt xe Việt?
Một thực tế dễ nhận ra là người dùng ít có động lực để cài đặt ứng dụng đặt xe đường dài trong thiết bị di động. Nhu cầu của di chuyển đường dài là có nhưng không nhiều và liên tục như đối với các quãng đường ngắn. Thống kê trên App Store và Play Store cho thấy, số lượt tải về của Carento, 123 xe, Vietgo, Taxi Go,... đều không lớn, chỉ dừng lại ở hàng nghìn. Vì vậy, nhiều kênh tiếp cận khác đã được đồng thời phát triển để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Đại diện Carento cho biết, ứng dụng đặt xe chỉ là một cách đặt xe trong một tổng thể đa phương thức bao gồm: trang web, tổng đài, ứng dụng trên thiết bị di động.
Bên cạnh các xu hướng phát triển ứng dụng đặt xe, vẫn có những doanh nghiệp chọn cách giải quyết một phân khúc nhu cầu của thị trường. Ông Nguyễn Thành Nam, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Đi chung cho biết, công ty đang tập trung vào phân khúc đi chung xe. Bằng việc hợp tác với các hãng taxi, công ty vận chuyển để thiết kế dịch vụ đi chung xe chuyên nghiệp, khách hàng đặt xe qua Đi chung có thể tiết kiệm chi phí đi sân bay, đi đường dài hoặc đi du lịch. Ví dụ, nếu khách hàng sẵn sàng đi ghép thì chi phí cho chặng đường từ trung tâm Hà Nội đến sân bay Nội Bài chỉ còn 100.000 đồng.
Ngoài ra, một sàn giao dịch vận chuyển giúp cá nhân chia sẻ chỗ còn trống khi cần đi lại cũng đang được vận hành bởi Đi chung. Mô hình sàn giao dịch vận chuyển cũng là cách tiếp cận của GoNow, đơn vị vừa ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với Tổng công ty Viễn thông Vietel. Đại diện Đi chung nhận định rằng, với tiềm lực mạnh, rất có thể GoNow sẽ là một thế lực trên thị trường. Nhưng tới hiện tại, vẫn chưa có công ty nào thành công với mô hình sàn giao dịch vận chuyển tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, Uber và Grab đã gây sức ép lên taxi truyền thống, buộc họ phải đổi mới. Trên cương vị Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, ông Thanh mong muốn tất cả các doanh nghiệp vận tải ô tô của Việt Nam, đặc biệt là taxi nhanh chóng áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, tái cấu trúc lại doanh nghiệp để giảm chi phí, phục vụ khách hàng với mức giá tốt hơn. “Chỉ như vậy mới tồn tại và phát triển” – ông Nguyễn Văn Thanh nhấn mạnh.
Ngoài việc lựa chọn phân khúc thị trường phù hợp, các công ty công nghệ trong nước cũng cần hợp tác với các hãng vận tải chuyên nghiệp. Sức cạnh tranh sẽ được nhân bội từ cái bắt tay chặt chẽ hôm nay.