MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ứng dụng gọi xe thuần Việt khẳng định mình là dịch vụ vận tải, chứ không phải ứng dụng vận chuyển như Grab thanh minh

Ứng dụng gọi xe "be" đã chính thức ra mắt sáng 13/12. Có lẽ đây là một ứng dụng gọi xe hiếm hoi có lễ ra mắt với sự tham gia của nhiều lãnh đạo như Thứ trưởng GTVT, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế Quốc hội, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia…

Hai điểm nổi bật của ứng dụng gọi xe mới

Ông Trần Thanh Hải, TGĐ Be Group xuất hiện với vẻ ngoài giản dị, dễ dàng bị nhầm lẫn thành… tài xế của "be" với áo đồng phục, quần jean. "Khi tham gia vào lĩnh vực vận tải, chúng tôi chọn tài xế là gốc rễ", ông tự hào nói về ứng dụng thuần được khẳng định 100% Việt Nam.

Ứng dụng gọi xe thuần Việt khẳng định mình là dịch vụ vận tải, chứ không phải ứng dụng vận chuyển như Grab thanh minh - Ảnh 1.

Ông Trần Thanh Hải, TGĐ Be Group

Ứng dụng gọi xe "be" có nhiều điểm khác biệt với các ứng dụng đang hoạt động trên thị trường. Trong đó, hai điểm nổi bật là loại hình kinh doanh và chính sách cho tài xế.

Be được đăng ký kinh doanh trong lĩnh vực vận tải. Nghĩa là ứng dụng này được định danh ngay từ đầu, không sa vào câu chuyện tranh cãi chưa có hồi kết như ở Grab: là công ty công nghệ hay công ty vận tải.

"Quan điểm cá nhân của tôi đây là dịch vụ vận tải vì bản chất chúng ta đưa khách từ điểm A đến điểm B. Tất cả chuỗi công nghệ khoa học, gọi tắt là 4.0, chỉ giúp tối ưu hoá công việc, giúp ngành vận tải làm tốt hơn, tiết kiệm chi phí, đem lại giá trị tốt hơn cho đồng tiền người tiêu dùng. Nó không đồng nghĩa là duy nhất công ty công nghệ mới làm được vận tải 4.0 mà tất cả công ty vận tải đều áp dụng được", ông Hải nói.

Với cách hiểu này, ông Hải cho rằng công nghệ chỉ là phương tiện, phục vụ cho các hoạt động kinh doanh, không riêng gì vận tải.

"Ai đó nói rằng gọi loại hình dịch vụ này là công ty vận tải sẽ đi ngược công nghiệp 4.0 thì tôi nghĩ là sai hoàn toàn", ông Hải nhận định và cho biết "Chính chúng tôi là người đi tiên phong đưa công nghệ 4.0 vò chuỗi dịch vụ. Ứng dụng 4.0 nhưng không hề thay đổi bản chất là việc chúng tôi vận chuyển khách từ điểm A đến điểm B".

Be cũng được cam kết minh bạch các chính sách và quá trình hoạt động. Trong đó, đại diện doanh nghiệp nhấn mạnh đến việc đóng thuế, hỗ trợ tài xế, hợp tác xã.

Điểm mạnh thứ hai được ông Hải cho hay là "be" đã xây dựng chương trình bảo hiểm tai nạn giao thông toàn diện 24/7 cho toàn bộ đối tác tài xế khi trở thành đối tác.

"Chúng tôi mong muốn nghề tài xế hay tài xế công nghệ không phải là tạm thời mà là tên nghề nghiệp chính thức được công nhận", ông Hải nêu quan điểm và cho biết công ty có nhiều chương trình đào tạo, hướng dẫn tài xế. Tài xế của "be" cũng được phản hồi về chất lượng khách, sau mỗi chuyến đi.

"Triết lý của ‘be’ là mọi người, từ bác tài, cô bán hàng rong đều có cơ hội phát triển thông qua công nghệ 4.0", ông Hải chia sẻ.

Nhiều sự ủng hộ từ cơ quan chức năng

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia hào hứng bước lên sân khấu với chiếc mũ bảo hiểm màu vàng đặc trưng của "be". Ông cho biết bản thân rất hứng thú với các ứng dụng công nghệ liên quan đến vận tải, bởi sự xuất hiện của càng nhiều ứng dụng này sẽ nâng cao sức cạnh tranh cho thị trường.

Ứng dụng gọi xe thuần Việt khẳng định mình là dịch vụ vận tải, chứ không phải ứng dụng vận chuyển như Grab thanh minh - Ảnh 2.

Ông Khuất Việt Hùng

Đối với "be", ông tỏ ra rất chú ý đến những chiếc mũ bảo hiểm. Doanh nghiệp này trang bị cho tài xế và hành khách những chiếc mũ bảo hiểm 3/4.

"Đây là dịch vụ vận tải motor đầu tiên ra mắt mũ bảo hiểm 3/4", ông Hùng nói và nhấn mạnh đây là loại mũ rất an toàn.

Theo ông, Uỷ ban An toàn Giao thông quốc gia đang khuyến khích và Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đã ký một văn bản chỉ đạo về việc tiếp tục thực hiện quy định đội mũ bảo hiểm, trong đó, mục tiêu đến năm 2020 khuyến khích người dân đội mũ an toàn hơn các loại đang lưu hành.

"Việc doanh nghiệp sử dụng loại mũ này thể hiện cao nhất cho tinh thần vì cộng đồng", ông cho biết. Bởi khi một lượng lớn người tham gia giao thông, với mũ bảo hiểm 3/4 xuất hiện trên đường phố, sẽ là hình thức tuyên truyền tốt nhất.

"Đối với dịch vụ của ‘be’, tôi mong Bộ GTVT, Sở GTVT nơi ‘be’ kinh doanh sẽ hướng dẫn, giúp cho hoạt động của doanh nghiệp phù hợp với quy định của pháp luật", ông cho biết.

Ứng dụng gọi xe thuần Việt khẳng định mình là dịch vụ vận tải, chứ không phải ứng dụng vận chuyển như Grab thanh minh - Ảnh 3.

Vị này cũng thể hiện sự mong chờ khi nói rằng "Grab có thể thắng được Uber ở thị trường Đông Nam Á thì không có lý do gì ‘be’ và các ứng dụng thuần việc khác không thể thắng các đối thủ khác ở thị trường Việt Nam. Điều này không có ý nghĩa là chúng ta bảo hộ, nhưng với tư cách người Việt Nam, chúng ta không có lý do gì không mong chờ. Chúc ‘be’ thành công".

Thứ trưởng GTVT Nguyễn Nhật đã trả lời câu hỏi cuối cùng về góc nhìn của Bộ GTVT đối với việc một ứng dụng gọi xe thuần Việt, khép lại buổi ra mắt.

Ông bày tỏ vui mừng khi thị trường có thêm sự cạnh tranh. Ở góc độ những người hoạch định chính sách, ông Nhật cho biết quan điểm chung là "ủng hộ", tuy nhiên, việc đưa và áp dụng luật luôn có sự thận trọng. Bởi thị trường đang phát triển, chưa thể nắm bắt toàn bộ, nếu cơ chế đưa vào không phù hợp sẽ dẫn đến sự chồng chéo, gây cản trở doanh nghiệp.

Đức Minh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên