Unilever Việt Nam hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới với hai sự kiện lớn
Hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới, Unilever chung tay cùng Bộ Tài Nguyên và Môi Trường (TN&MT) phát động chiến dịch chống ô nhiễm nhựa, làm sạch môi trường, tái tạo thiên nhiên tại Việt Nam. Đồng thời, doanh nghiệp còn đồng hành cùng Sở TN&MT TP. HCM trong chương trình "Ngày hội sống xanh" diễn ra trong hai ngày (3-4/6).
Tiên phong và kiên trì thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn nhựa
Lễ phát động "Ngày đại dương thế giới và Ngày môi trường thế giới" được Bộ TN&MT tổ chức tại Nghệ An nhằm tuyên truyền và tạo ra các hành động thực tiễn có sức lan tỏa để nâng cao nhận thức của cộng đồng cùng với hoạt động bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo của người dân và cộng đồng.
Tiên phong tại Việt Nam trong sáng kiến xây dựng kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa thông qua mô hình hợp tác công tư (PPC), Unilever đã hợp tác cùng Bộ TN&MT và các đối tác khác, giúp phân loại tại nguồn và thu gom, tái chế rác thải nhựa. Từ năm 2020 đến nay, các dự án hợp tác của Unilever đã thu gom được hơn 20.000 tấn rác thải nhựa và tạo điều kiện cho hoạt động tái chế nhựa khởi sắc tại Việt Nam.
Song song đó, Unilever liên tục đổi mới bao bì sản phẩm của các nhãn hàng để thân thiện với môi trường, áp dụng mô hình "Ít nhựa hơn, Nhựa tốt hơn". Đây đều là những hoạt động giúp giảm ô nhiễm rác thải nhựa ra ngoài môi trường đất và đại dương, đồng thời thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.
Mới đây, Unilever Việt Nam đã tham gia trở thành thành viên nòng cốt của Nhóm kỹ thuật Đổi mới sáng tạo và Tài chính giảm Ô nhiễm Rác thải Nhựa thuộc Chương trình Đối tác Hành động Quốc gia về Nhựa (NPAP) được chủ trì bởi Bộ TN&MT.
Unilever cũng đã phấn đấu không ngừng nghỉ để đạt Net Zero, trung hòa phát thải carbon trong chuỗi vận hành (scope 1 và 2) từ năm 2021, và tiếp tục theo đuổi mục tiêu đạt chuỗi cung ứng phi phát thải (scope 1, 2 và 3) đến năm 2039.
Từ năm 2021, Unilever đã tích cực phối hợp cùng Trung Tâm Truyền thông TN&MT, Bộ TN&MT thực hiện chương trình trồng cây gây rừng "Vì một Việt Nam xanh" với mục tiêu 1 triệu cây xanh đến năm 2025. Đến nay, 380.000 cây, 60.000 banh hạt giống đã được trồng tại 19 tỉnh thành và 9 công viên quốc gia, tiếp cận và truyền cảm hứng cho hơn 500.000 bạn trẻ. Đây cũng là hoạt động góp phần tái tạo thiên nhiên, tạo ra nguồn carbon tích cực giúp giải quyết biến đổi khí hậu tại Việt Nam.
Tại lễ phát động, Unilever Việt Nam đã chính thức khởi động chiến dịch trồng cây gây rừng, tái tạo thiên nhiên của năm 2023 với mục tiêu trồng thêm 250.000 cây xanh, nâng tổng lượng cây được trồng lên 630.000 cây.
Unilever khởi động trồng 250.000 cây năm 2023
Những thành quả kể trên là nền tảng để Unilever Việt Nam tiếp tục phối hợp và đồng hành sâu sát cùng Bộ TN&MT, Sở TN&MT trong các hoạt động nâng cao nhận thức, ý nghĩa trách nhiệm của cộng đồng đối với công tác bảo vệ tài nguyên môi trường, ứng phó thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu, đồng thời tôn vinh tầm quan trọng của đại dương đối với sự sống nhân loại.
Unilever sẽ thực hiện cam kết này không chỉ từ các chương trình hành động của bản thân doanh nghiệp mà còn thông qua những hoạt động, chiến dịch truyền thông, giáo dục để kêu gọi hành động thực tiễn từ người dân trên toàn quốc. Mỗi người một hành động, mỗi người thay đổi một thói quen sống xanh, sạch hơn, có trách nhiệm hơn thì thiên nhiên sẽ được tái tạo.
Góp phần thúc đẩy lối sống xanh
Nhân Ngày Môi trường Thế giới, Unilever cũng đã đồng hành cùng Sở TN&MT TP. HCM trong "Ngày hội sống xanh", hướng tới mục tiêu giới thiệu đến cộng đồng các sản phẩm thân thiện với môi trường, các giải pháp, sáng kiến, mô hình bảo vệ môi trường, qua đó thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Trong chương trình, Unilever đã đẩy mạnh việc nâng cao nhận thức của người dân và thúc đẩy hành động cụ thể đối với việc phân loại rác thải nhựa tại nguồn và thu gom, tái chế rác nhựa.
Người dân tích cực tham gia đổi chai nhựa cũ lấy quà tại gian hàng Unilever
Doanh nghiệp đã mang đến ngày hội mô hình vòng tuần hoàn nhựa kết hợp cùng đối tác Tái Chế Duy Tân để minh họa cụ thể về quá trình rác nhựa được phân loại và thu gom, sau đó được đưa vào xử lý và tái chế thành vật liệu tái sinh có ích. Điều này giúp người tham gia mục sở thị mô hình kinh tế tuần hoàn ngoài đời thực và hiểu rõ hơn về vai trò quan trọng của việc phân loại rác nhựa tại nhà, đồng thời có cơ hội thực hành ngay tại chương trình với hoạt động đổi bao bì nhựa đã qua sử dụng để nhận những sản phẩm chăm sóc cá nhân và nhà cửa của Unilever có bao bì được sản xuất từ nhựa tái chế PCR.
Bà Nguyễn Thị Bích Vân – Chủ tịch Unilever Việt Nam chia sẻ: "Mô hình Kinh tế Tuần hoàn về Nhựa là hướng tiếp cận đóng vai trò trọng yếu không chỉ trong việc giải quyết và ngăn chặn ô nhiễm nhựa, mà còn mang lại nhiều lợi ích kinh tế - xã hội. Đối với Unilever, để thúc đẩy mô hình này nhằm biến rác thải nhựa thành nguồn tài nguyên, sự hỗ trợ của Chính phủ, và sự hợp tác của các đối tác, nhà tái chế, NGO, tổ chức quốc tế và cộng đồng địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tuần hoàn bao bì nhựa để quay lại phục vụ sản xuất và đời sống."
Tổ Quốc