Uniqlo gây chấn động ở châu Âu bằng chiếc áo bra-top: Lao thẳng vào chiến trường thời trang lâu đời bậc nhất, đánh bại Zara, H&M bằng mác 'công ty Nhật Bản'
Trái với việc liên tục đóng bớt cửa hàng không hiệu quả ở Trung Quốc, Uniqlo đang mở rộng mạnh mẽ ở châu Âu.
- 10-07-2024Hứng chịu số lệnh trừng phạt nhiều hơn cả 3 nước cộng lại, kinh tế Nga đã ‘vượt bão’ cấm vận như thế nào: Trớ trêu châu Âu cũng góp công
- 10-07-2024Giữa xu hướng phi đô la hóa lan rộng, những quốc gia nào hiện đang sử dụng đồng USD làm tiền tệ chính
- 10-07-2024Một chỉ số lập đỉnh lần thứ 36 trong năm khi thị trường hứng khởi với kỳ vọng FED sắp hạ lãi suất
Uniqlo đang chuyển trọng tâm sang các cửa hàng lớn hơn trên khắp thế giới và họ hy vọng sẽ thành công khi mở các của hàng flagship (cửa hàng có diện tích lớn nhất) ở châu Âu.
Công ty chủ quản của Uniqlo là Fast Retailing đang mở rộng hoạt động kinh doanh tại châu Âu. Vào tháng 4, họ đã mở các cửa hàng flagship mới ở Rome và Edinburgh ở Anh. Công ty cũng bổ sung thêm các địa điểm ở London, Milan ở Ý và Nice ở Pháp vào mùa xuân này, nâng tổng số cửa hàng ở châu Âu lên 76 trên 2.469 cửa hàng trên toàn thế giới.
Hoạt động kinh doanh của Uniqlo ở châu Âu khác với hoạt động kinh doanh lâu đời hơn ở Nhật Bản và Trung Quốc. Ở châu Âu, các cửa hàng flagship ở các thành phố lớn chiếm một nửa doanh số cửa hàng. Với nhiều nhãn hiệu nổi tiếng đang cạnh tranh trên lục địa, Fast Retailing quyết định rằng việc có thêm nhiều cửa hàng flagship là cách tốt nhất để truyền đạt ý tưởng thương hiệu bằng cách giới thiệu dòng sản phẩm Uniqlo.
Doanh thu trên mỗi cửa hàng là 2,9 tỷ yên (18,1 triệu USD) ở châu Âu trong năm tài chính kết thúc vào tháng 8/2023, so với mức 1,1 tỷ yên ở Nhật Bản, nơi công ty đang vận hành 800 cửa hàng tính đến cuối năm tài chính. Ở Trung Quốc đại lục - nơi Uniqlo có 1.031 cửa hàng, con số này là 601 triệu yên.
Hồi tháng 4, công ty cho biết hoạt động kinh doanh tại châu Âu của công ty đã đạt được "tốc độ tăng trưởng vượt trội". Trong nửa đầu năm tài chính này, từ tháng 9/2023 đến tháng 2/2024, doanh số bán hàng tại đơn vị ở châu Âu đã tăng 38,4% so với cùng kỳ năm ngoái lên 14,21 tỷ yên. Lợi nhuận hoạt động của chi nhánh đã tăng 50% lên 2,5 tỷ yên.
Châu Âu vốn là chiến trường của ngành thời trang, bị thống trị bởi những gã khổng lồ thời trang nhanh như Inditex của Tây Ban Nha, công ty điều hành Zara và Hennes & Mauritz (H&M) của Thụy Điển. Fast Retailing có doanh thu toàn cầu hàng năm là 18 tỷ USD, trong khi Inditex đạt doanh thu 39 tỷ USD và H&M đạt 23 tỷ USD, theo tiết lộ tài chính gần đây nhất của họ.
Jun Kawahara, nhà phân tích cấp cao của Daiwa Securities cho biết: "Khái niệm 'trang phục đời sống', tượng trưng cho chất lượng cao, thiết kế cơ bản và khả năng kết hợp với bất kỳ mặt hàng nào của quần áo, đã được chấp nhận ở châu Âu". Fast Retailing cung cấp sản phẩm tương tự như các thương hiệu thời trang nhanh thông qua chuỗi cung ứng khổng lồ bao gồm hàng trăm nhà máy may mặc. Tuy nhiên, Kawahara nói: "Người dân ở châu Âu không coi Uniqlo là thời trang ăn liền".
Một ví dụ điển hình là áo khoác dạ siêu nhẹ của Uniqlo. Sawa Suzuki, một phụ nữ 25 tuổi từng học ở Pháp đến năm 2020 và hiện đang làm việc trong ngành thời trang ở Nhật Bản nhớ lại: "Tôi thấy nhiều người mặc chiếc áo khoác dạ siêu nhẹ đó dưới áo khoác thời trang vào mùa đông".
Bài đăng của khách hàng về chiếc áo bra-top (kiểu áo có sẵn áo lót ngực) của Uniqlo trên mạng xã hội đã lan truyền chóng mặt. Một thành công khác là Túi đeo vai tròn mini, đã giúp nâng cao thương hiệu Uniqlo ở châu Âu.
Dana Dyusheyeva, một phụ nữ 24 tuổi sống ở London cho biết: "Áo bratop của Uniqlo đã thay đổi cuộc chơi giúp tôi cảm thấy thoải mái và tự tin hàng ngày". Cô nói: "Không giống như các lựa chọn thời trang nhanh từ các thương hiệu như Zara và H&M, Uniqlo cung cấp các mặt hàng chủ lực linh hoạt và đủ bền để mặc quanh năm".
Tom Snoijink, giám đốc hãng âm nhạc 32 tuổi có trụ sở tại Amsterdam cho biết: "Nhìn chung Uniqlo có danh tiếng tốt đến từ Nhật Bản, nơi mà trong mắt người tiêu dùng châu Âu, họ tập trung vào tay nghề thủ công và chất lượng".
Tuy nhiên, công ty vẫn còn nhiều việc phải làm nếu muốn nâng cao nhận diện thương hiệu Uniqlo ở châu Âu. Một người đàn ông 25 tuổi người Đức đã mặc áo sơ mi của Uniqlo được vài năm cho biết: "Tôi vẫn cảm thấy Uniqlo còn khá xa lạ".
Uniqlo có kế hoạch mở 10 cửa hàng mới ở châu Âu trong năm tài chính kết thúc vào tháng 8. "Chúng tôi đang trong quá trình đạt được mục tiêu", một phát ngôn viên của công ty nói với Nikkei Asia. Uniqlo đang mở rộng sang Đông Âu và sẽ mở cửa hàng đầu tiên tại Ba Lan vào mùa thu này. Cửa hàng mới tại trung tâm mua sắm Warsaw sẽ có sàn bán hàng rộng khoảng 1.300 m2. Quyết định mở cửa hàng Warsaw tiếp nối thành công của một cửa hàng tạm thời trong một cơ sở thương mại vào năm 2022.
Kawahara cho biết: "Khi Uniqlo gửi ngày càng nhiều nhân viên được đào tạo qua kinh nghiệm làm quản lý cửa hàng ở Nhật Bản ra nước ngoài, công ty đã trở nên tự tin hơn trong việc thể hiện khả năng lãnh đạo tại các cửa hàng ở nước ngoài".
Ngược lại với châu Âu, Uniqlo đang tiến hành hoạt động "tháo dỡ và xây dựng" tại Trung Quốc, đóng cửa các cửa hàng không thành công để sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn. Takeshi Okazaki, giám đốc tài chính của Fast Retailing, cho biết khi công bố kết quả nửa năm của Fast Retailing vào tháng 4: "Một số cửa hàng ở Trung Quốc đại lục có doanh thu hàng tháng thấp do những thay đổi trên thị trường và lối sống của khách hàng".
Người phát ngôn của Uniqlo cho biết: "Chúng tôi hiện đang tập trung chặt chẽ hơn vào chất lượng của các lần mở cửa hàng mới". Tại Trung Quốc đại lục, số lượng cửa hàng đóng cửa đã vượt số lượng mở cửa trong nửa đầu năm tài chính kết thúc vào tháng 8.
Kawahara cho biết, với mục tiêu doanh thu 10 nghìn tỷ yên, Fast Retailing đang theo đuổi "ngoại giao toàn diện", bất kể khu vực nào. "Họ đang cố gắng chuyển sang mô hình kinh doanh hiệu quả hơn trong khi mức tiêu thụ còn yếu ở Trung Quốc".
Theo: Nikkei
An Ninh Tiền Tệ