MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Uống cà phê âm thầm phá gan"? Chuyên gia giải đáp sự thật

11-03-2024 - 20:50 PM | Sống

Cà phê là thức uống phổ biến trên khắp thế giới. Tuy nhiên, có khá nhiều tin đồn xoay quanh loại đồ uống này. Một trong số đó là "uống cà phê gây hại cho gan".

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin "uống cà phê sẽ làm hại tới gan". Theo đó, các ý kiến cho rằng vị đắng trong cà phê có nguồn gốc từ việc rang cà phê bị cháy, khét và đây sẽ là yếu tố gây hại tới gan nếu uống cà phê thường xuyên.

Trước thông tin này, bác sĩ Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm Khuẩn Tổng Hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới Trung ương, cho biết: "Thuốc đắng dã tật, cà phê đắng thì 'đã' cho gan".

Theo bác sĩ Thiệu, thông tin uống cà phê hại cho gan là không có cơ sở. Ngược lại các nghiên cứu đều chứng minh cà phê có tác dụng bảo vệ gan. Đặc biệt, uống cà phê còn làm giảm nguy cơ mắc các bệnh về gan như xơ gan, bệnh gan nhiễm mỡ và thậm chí ung thư gan.

Một nghiên cứu cho thấy những người tiêu thụ ít nhất 3 tách cà phê mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh gan mạn tính thấp hơn.

Uống cà phê âm thầm

Bác sĩ Thiệu đang tư vấn.

Bác sĩ Thiệu cũng dẫn chứng thêm: "Một nghiên cứu khác gần đây với hơn 400.000 người tham gia cho thấy những người uống cà phê giảm 21% nguy cơ mắc bệnh gan. Những lợi ích sức khỏe tiềm ẩn của cà phê bao gồm đặc tính chống oxy hóa và vai trò của nó trong việc giảm viêm".

Những người uống ít nhất 2 tách cà phê mỗi ngày có thể có nguy cơ mắc một số loại ung thư thấp hơn, bao gồm nguy cơ phát triển ung thư gan thấp hơn 20% và nguy cơ phát triển ung thư đại trực tràng thấp hơn 10%.

Cà phê có rất nhiều thành phần dinh dưỡng như: carbohydrate, protein, chất béo, vitamin (nhiều nhất là B6, có vai trò cực kỳ quan trọng cho việc dẫn truyền các tín hiệu thần kinh trong cơ thể), axit amin (tương tự có trong tổ yến), caffeine… Uống cà phê giúp cho cơ thể tỉnh táo, kích thích làm việc trí óc, kháng viêm, giảm đau, tác động tích cực đến hệ tim mạch, tăng sức bền…

Tuy nhiên, việc uống quá nhiều cà phê có thể có tác động tiêu cực đến sức khỏe tổng thể, đặc biệt với những người có vấn đề bệnh lý nền tim mạch. 

BS Đoàn Dư Mạnh, thành viên Hội Bệnh Mạch máu Việt Nam cho biết, khi cơ thể hấp thu một lượng lớn caffeine trong thời gian ngắn có thể khiến nhịp tim tăng 20 lần/phút so với bình thường và huyết áp tăng 7-20 mmHg. Do vậy, đối với người có yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch (bệnh nền suy tim, tăng huyết áp…), sau khi lao động nặng, cơ thể đang mệt mỏi, huyết áp tăng, nếu uống nước có chứa caffeine có thể gây ra cơn rối loạn nhịp.

Vậy uống bao nhiêu cà phê mỗi ngày để có lợi cho sức khỏe?

Theo khuyến cáo, đối với người trưởng thành khỏe mạnh, giới hạn caffeine tối đa nên tiêu thụ mỗi ngày là 400mg. Lượng caffeine này bao gồm tổng lượng caffeine có trong cà phê và các thức uống có caffeine khác. Nếu chỉ uống riêng cà phê, một người trưởng thành khỏe mạnh không nên uống quá 4 tách/ngày. Với người có bệnh lý nền hoặc bệnh lý tim mạch thì nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng đồ uống có caffeine.

Còn để bảo vệ sức khỏe lá gan, theo chuyên gia gan mật, mỗi người cần phải có các thói quen sống lành mạnh. Cụ thể, cần xây dựng cho mình một chế độ ăn hợp lý: ăn ít thịt và tăng cường rau, hoa quả; uống đủ nước; hạn chế uống rượu bia… để từ đó giảm gánh nặng chuyển hoá cho gan, tăng cường chức năng bảo vệ tế bào gan.

Ngoài ra, cần phải chủ động tiêm phòng để tránh nhiễm viêm gan virus A, viêm gan virus B. Nếu có điều kiện nên khi khám sức khoẻ định kỳ và đi khám ngay khi thấy cơ thể có sự bất thường.

Theo Ứng Hà Chi

Đời sống & pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên