USD cao nhất 2 năm, đồng nhân dân tệ cao kỷ lục lịch sử, Bitcoin và tài sản châu Âu lao dốc
USD tiếp tục tăng mạnh trong phiên vừa qua, trong khi euro giảm xuống mức thấp mới khi căng thẳng giữa Nga và Ukraine vẫn chưa hạ nhiệt. Tại Châu Á, chỉ số đồng nhân dân tệ cao kỷ lục lịch sử. Vàng và Bitcoin diễn biến ngược chiều khi vàng có lúc vượt 2.000 USD trong khi Bitcoin xuống dưới 39.000 USD.
- 07-03-2022Giá vàng lên kỷ lục hơn 74 triệu đồng/lượng, nhiều người tranh thủ mang vàng đi bán
- 07-03-2022Cổ phiếu ngân hàng Việt chịu tác động như thế nào từ cuộc xung đột Nga – Ukraine?
Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – kết thúc ngày 7/3 theo giờ Việt Nam tăng vọt lên 99,126, mức cao nhất kể từ tháng 4/2020, trong khi euro lao dốc do lo ngại giá năng lượng không ngừng tăng sẽ châm ngòi cho một thời kỳ lạm phát đình trệ, ảnh hưởng đến nền kinh tế Châu Âu khi khu vực này đang nỗ lực hồi phục sau đại dịch.
Chỉ số Dollar index.
Theo đó, euro lúc kết thúc ngày 7/3 theo giờ Việt Nam giảm 0,4% so với USD, xuống 1,089 USD, sau khi đã mất khoảng 3% giá trị trong 3 ngày trước đó.
Joe Manimbo, nhà phân tích thị trường cấp cao thuộc Western Union Business Solutions, cho biết: "Thị trường ngoại hối đang chịu tác động từ thị trường dầu mỏ".
Giá dầu thô Brent ngày 7/3 có lúc vượt 139 USD/thùng sau khi Mỹ và các đồng minh Châu Âu xem xét việc cấm nhập khẩu dầu của Nga, giữa lúc tiến độ đàm phán Mỹ - Iran chậm chạp làm giảm hy vọng về những nguồn cung mới có thể thay thế dầu của Nga.
Kể từ khi xung đột Nga – Ukraine gia tăng, chỉ số đo mức độ biến động của cặp euro/đô la mỹ đã tăng vọt lên mức cao nhất kể từ tháng 3 năm 2020.
Xung đột ở Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Moscow đã khiến tài sản của Nga lao dốc, trong khi giá các mặt hàng xuất khẩu của nước này như kim loại quý, dầu và khí đốt đã tăng vọt vào thời điểm nền kinh tế toàn cầu đang phải vật lộn với áp lực lạm phát. Châu Âu là quốc gia dễ bị tổn thương nhất vì nước này nhập khẩu tới 40% lượng khí đốt tự nhiên từ Nga và đồng tiền chung ngày càng trở nên tương quan với giá dầu - dầu càng leo thang thì đồng euro càng giảm.
Theo Goldman Sachs, cú sốc giá dầu tăng tới 20 USDS trong một phiên sẽ làm tốc độ tăng trưởng kinh tế thực tế trong khu vực đồng euro giảm 0,6% và Mỹ giảm 0,3%. Trong một kịch bản bất lợi hơn, nếu việc xuất khẩu khí đốt của Nga qua Ukraine bị cắt giảm, thì GDP của khu vực đồng euro có thể giảm tới 1% chỉ riêng bởi thiếu nguồn cung khí đốt.
John Hardy, người phụ trách mảng chiến lược tiền tệ của Ngân hàng Saxo cho biết: "Đồng euro tiếp tục chịu áp lực lớn nhất trong số các đồng tiền chính trên thế giới do cuộc khủng hoảng ở Ukraine".
Euro gần đây cố gắng để giữ ở mức trên 1,08 USD, và dự kiến sẽ vẫn ở mức thấp như hiện tại trong những ngày tới, thậm chí nhiều nhà phân tích cảnh báo euro có thể giảm nữa trước thềm cuộc họp của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB), sẽ diễn ra vào thứ Năm (10/3).
Kết quả thăm dò của Reuters cho thấy các nhà phân tích dự đoán ECB sẽ đợi đến những tháng cuối năm nay mới tăng lãi suất.
Không chỉ tiền tệ, chứng khoán euro cũng bị tác động từ cuộc khủng hoảng này, khi nhiều công ty tài chính cắt đứt quan hệ với Nga và những công ty khác chuẩn bị chịu thêm ảnh hưởng từ xung đột giữa Nga và Ukraine. Đặc biệt, chứng khoán ngân hàng châu Âu giảm xuống mức thấp nhất 13 năm do cuộc khủng hoảng ngày càng trở nên tồi tệ. Các tổ chức cho vay có hoạt động tại Nga - bao gồm Raiffeisen của Áo, UniCredit của Italy và Societe Generale của Pháp - đã bị ảnh hưởng nhiều nhất, với cả 3 đều giảm ở mức 2 con số trong ngày 7/3.
Chứng khoán ngành ngân hàng châu Âu giảm xuống thấp nhất 1 năm.
Mặc dù giảm so với USD, song EUR phiên vừa qua tăng giá 0,6% so với franc Thụy Sỹ, lên 1,0079 franc, đồng thời cũng tăng nhẹ so với yen. Trong khi đó, bảng Anh giảm khoảng 0,5% so với USD, xuống mức 1,3157 USD.
Đô la Australia – vốn thường có xu hướng giao dịch cùng chiều với giá hàng hóa – giảm 0,5% xuống 1,3157 AUD/USD vào lúc kết thúc ngày 7/3 theo giờ Việt Nam, đảo ngược xu hướng tăng 1% ở phiên trước đó.
Rúp Nga tiếp tục giảm xuống mức thấp mới trong lịch sử giữa bối cảnh thương mại của nước này với nước ngoài giảm sâu. Theo đó, rúp trong ngày 7/3 đã xuống 130,9338 RUB/USD, so với 121,037 RUB phiên liền trước (4/3).
Đồng rúp đã mất hơn 40% giá trị so với đồng bạc xanh kể từ đầu năm với mức thiệt hại tăng nhanh kể từ khi Nga thực hiện "Chiến dịch đặc biệt" ở Ukraine vào ngày 24/2, châm ngòi cho các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Giao dịch trên sàn MOEX ở Moscow dự kiến sẽ đóng cửa cho đến thứ Tư (9/3) để nghỉ lễ ngân hàng.
Trái ngược với rúp, nhân dân tệ tăng vọt lên mức cao nhất mọi thời đại so với các đồng tiền đối tác chủ chốt khi các nhà đầu tư kỳ vọng chính phủ Trung Quốc sẽ thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế. Theo đó, chỉ số CFETS – so sánh CNY với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – tăng lên 106,07, mức cao nhất kể từ khi chỉ số này ra mắt vào năm 2015. Trên thị trường giao ngay, nhân dân tệ nội địa (CNY) kết thúc ngày 7/3 ở mức 6,3221.
Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin giảm xuống dưới 39.000 USD, kết thúc ngày 7/3 theo giờ Việt Nam ở mức 38.846 USD.
Xung đột ở Ukraine tiếp tục leo thang ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống tài chính toàn cầu. Nhà đầu tư Arslan Atayev dự báo thị trường sẽ tiếp tục biến động. "Theo tôi, kịch bản Bitcoin giảm về khu vực dưới 28.000 USD là khó tránh khỏi".
Giá Bitcoin ngày 7/3.
Giá vàng sau khi đạt mức cao nhất kể từ tháng 8/2020 lúc đầu phiên 7/3 đã giảm xuống 1.978 USD/ounce đối với vàng giao ngay, và 1.984 USD đối với vàng kỳ hạn tháng 4/2022.
Tuy nhiên, với căng thẳng ở Ukraina còn nóng, giá vàng dự báo sẽ bám sát mốc 2.000 USD và có khả năng còn nhiều lần tăng vượt ngưỡng này.
Tham khảo: Reuters, Coindesk