USD tăng vọt lên đỉnh 7 tháng khi thị trường sẵn sàng cho đợt tăng lãi suất nhanh và mạnh, vàng rơi sâu
USD tăng vọt lên mức cao nhất kể từ tháng 7/2020 do thị trường đặt cược rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể tăng lãi suất nhanh và nhiều hơn dự đoán trong những tháng tới.
- 27-01-2022Thị trường tài chính đang như tàu lượn siêu tốc: USD cao nhất 2,5 tuần, Bitcoin tăng mạnh, vàng lao dốc
- 26-01-2022Ngân hàng giảm mạnh giá USD
Một ngày sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tuyên bố rằng họ đã sẵn sàng bắt đầu nâng lãi suất vào tháng 3 để kiềm chế lạm phát gia tăng, thị trường tiền tệ đã chuyển hướng sang dự đoán Fed sẽ tăng mạnh lãi suất, thêm 5/4 điểm phần trăm vào cuối năm nay.
Giọng điệu "diều hâu" của Fed sau kỳ họp kết thúc vào thứ Tư (26/1) đã khiến những người đầu cơ đồng USD phấn chấn.
Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – đã tăng lên 97,299, cao nhất kể từ tháng 7 năm 2020. Mức tăng 0,8% của phiên này là mức tăng lớn nhất trong vòng hơn hai tháng trở lại đây.
Đồng euro giảm 0,95% xuống 1,1133 USD, mức thấp nhất kể từ tháng 6 năm 2020. Đồng bạc xanh cũng đạt mức cao nhất trong hơn một năm so với đô la New Zealand; cao nhất trong bảy tuần so với tiền tệ Australia, và càng tăng mạnh so với tiền tệ của các nền kinh tế mới nổi.
Fed cho biết họ có khả năng sẽ tăng lãi suất vào tháng 3, đúng như dự đoán của thị tường, và xác nhận kế hoạch chấm dứt mua trái phiếu cũng trong tháng đó, trước khi giảm đáng kể lượng tài sản nắm giữ.
Trong cuộc họp báo sau cuộc họp, Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell, nhấn mạnh rằng chưa có quyết định nào được đưa ra, nhưng trước câu hỏi về việc liệu ngân hàng trung ương có xem xét việc tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản hay không, ông không loại trừ điều đó.
Tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ quý 4/2021 tăng với tốc độ 6,9% so với cùng kỳ năm trước, theo thông tin từ Bộ Thương mại nước này. Qua đó, cường quốc số 1 thế giới này tăng 5,7% trong năm 2021, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1984. Tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ sẽ hỗ trợ đắc lực cho khả năng tăng lãi suất vào tháng Ba tới.
Ed Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao thuộc OANDA, cho biết triển vọng về việc Fed tăng lãi suất một cách tích cực đã thiết lập lại toàn bộ trật tự trên thị trường toàn cầu.
"Bạn chỉ không biết Fed sẽ đi bao xa bởi vì chúng ta không biết chính xác khi nào lạm phát sẽ thực sự đạt đỉnh", ông Moya nói.
Một số người lạc quan cho rằng lạm phát sẽ giảm vào giữa năm, nhưng không loại trừ việc điều đó sẽ trở nên tồi tệ hơn, dẫn đến việc Fed sẽ có những hành động tích cực hơn.
Dollar index tăng mạnh do triển vọng Fed nâng lãi suất nhanh và mạnh.
Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ tăng càng tiếp thêm động lực cho USD mạnh lên. Theo đó, lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn kỳ hạn 2 năm, thường di chuyển theo kỳ vọng lãi suất, đã tăng 7,1 điểm cơ bản trong phiên vừa qua, lên 1,162%.
Sau khi tăng 0,7% so với đồng yên hôm thứ Tư (26/1), mức tăng mạnh nhất trong hơn hai tháng, đồng USD tiếp tục tăng mạnh hơn nữa trong ngày 27/1, khi yen giảm 0,63% xuống 115,38 JPY/USD.
Đồng đô la Australia, vốn nhạy cảm với rủi ro, đã giảm 0,74% xuống 0,706 USD, trong khi đô la New Zealand giảm xuống mức thấp nhất gần 15 tháng, là 0,6597 USD.
Đồng bảng Anh cũng giảm xuống mức thấp nhất trong một tháng, là 1,33595 USD, mất 0,64% trong một phiên. Các nhà đầu tư cũng đang theo dõi tình hình về Thủ tướng Boris Johnson, người đang chịu áp lực sau khi tham dự các bữa tiệc trong thời gian phong tỏa chống Covid-19. Ngân hàng Trung ương Anh sẽ họp vào tuần tới.
Trong một diễn biến khác, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đã bị ảnh hưởng tiêu cực khi dữ liệu cho thấy lợi nhuận công nghiệp của Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong hơn 18 tháng, củng cố quan điểm Chính phủ nước này sẽ phải tăng cường các chính sách hỗ trợ kinh tế.
Từ mức cao nhất gần 4 năm ở phiên 26/1, nhân dân tệ giảm mạnh 0,7% so với USD trong phiên 27/1, mức giảm trong một ngày nhiều nhất trong vòng 7 tháng. CNY kết thúc ngày 27/1 ở mức 6,3382 CNY, so với 6,3246 CNY/USD phiên liền trước. Trên thị trường nước ngoài, nhân dân tệ cũng giảm 0,64% xuống 6,3742 CNH/USD. USD mạnh lên cũng góp phần tạo ra xu hướng đảo chiều giảm của CNY.
Chứng khoán Trung Quốc thậm chí giảm xuống mức thấp nhất gần 16 tháng trong phiên này, với chỉ số cổ phiếu blue-chip CSI 300 giảm gần 2% vào lúc kết thúc phiên 27/1, xuống mức thấp nhất kể từ ngày 30 tháng 9 năm 2020, trong khi chỉ số Shanghai Composite kết thúc cũng giảm 1,8%; chỉ số CSI Smallcap 500 và thị trường khởi nghiệp ChiNext lần lượt giảm 2,6% và 3,6%. Theo dữ liệu từ nhà cung cấp dịch vụ thông tin tài chính Wind, hơn 94% cổ phiếu niêm yết trên các thị trường cổ phiếu A của Trung Quốc giảm giá.
Trên thị trường tiền điện tử, sau thất bại ở tuần trước, Bitcoin đi ngang trong vài ngày qua và vẫn giữ vững giá trị kể cả sau cuộc họp của Fed. Bitcoin kết thúc ngày 27/1 theo giờ Việt Nam ở mức 36,651 USD, tăng 0,9% so với một ngày trước đó.
Diễn biến Bitcoin ngày 27/1.
Giá vàng tiếp tục giảm hơn 1% do USD mạnh lên và dữ liệu kinh tế mạnh mẽ của Mỹ củng cố dự đoán Fed sắp nâng lãi suất.
Giá vàng giao ngay kết thúc ngày 27/1 theo giờ Việt Nam giảm 1,1% xuống 1.798,00 USD/ounce, trước đó có lúc xuống chỉ 1.794,80 USD. Giá vàng kỳ hạn tháng 2 phiên này giảm mạnh hơn, 1,4% xuống 1.803,30 USD.
Nhà phân tích Carsten Menke của Julius Baer cho biết hiện không thấy có động thái nào về việc các nhà đầu tư chuyển tài sản sang vàng trên diện rộng để tìm nơi trú ẩn an toàn, mà thay vào đó là hoạt động mua có chọn lọc.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết giá vàng có thể được đẩy tăng trở lại nếu căng thẳng Nga – Ukraina leo thang.
Tham khảo: Refinitiv, Coindesk