MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ủy ban 5 triệu tỷ đồng: Vẫn mô hình kinh tế tập trung, không khác cậu bé muốn trở thành siêu sao?

Mối quan hệ giữa Ủy ban quản lý vốn nhà nước với các DNNN sẽ được cam kết bằng hợp đồng, thực hiện đúng chức năng đại diện chủ sở hữu chứ không được điều hành hoạt động của các DN này.

Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo “Cơ quan chuyên trách đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với vốn nhà nước tại doanh nghiệp: Kinh nghiệm quốc tế và bài học đối với Việt Nam” do Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương vừa tổ chức hôm nay.

Nghị định về cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp đã đưa ra việc xây dựng một Ủy ban quản lý vốn. Tuy nhiên, khá nhiều chuyên gia và nhà quản lý trong nước đặt ra nhiều câu hỏi về tính khả thi của Nghị định này.

Nhiều hoài nghi cho mô hình Ủy ban

Theo ông Cấn Văn Lực, hàm Phó Tổng Giám đốc BIDV, việc tách bạch chức năng quản lý với chủ sở hữu vốn nhà nước là bước đột phá của Việt Nam về thể chế, cung cách quản lý. Tuy nhiên, với mô hình Ủy ban, với các phòng ban được hình thành, sẽ cảm thấy như mô hình quản lý hành chính, trì trệ.

"Cơ chế động lực đang thiếu, nếu không cẩn thận sẽ quay trở lại như SCIC. Lương bổng liệu có trả theo cơ chế thị trường cạnh tranh được không, gắn với trách nhiệm tức là DN đó bị thua lỗ thì có bị trừ lương, cách chức hay không? Việc thành lập Ủy ban thì sự phối hợp giữa bộ ngành chủ quản và DN sẽ thế nào?" - ông Lực đặt câu hỏi.

Bên cạnh những lo ngại về rào cản chính trị, một số chuyên gia quốc tế cho rằng mô hình được xây dựng trong dự thảo Nghị định vẫn đang thể hiện tư duy kinh tế tập trung trước đây. Ông Dag Detter chuyên gia cố vấn của Ngân hàng Thế giới cho rằng cần có cách làm thực tế và công cụ chơi đúng luật.

So sánh mô hình được xây dựng như cậu bé trẻ muốn trở thành siêu sao, ông Dag cho rằng nếu vẫn sử dụng công cụ kinh tế tập trung thì không thể đạt được mục tiêu. Theo đó, phải xây dựng mô hình có trách nhiệm giải trình, trong đó chú trọng bảng cân đối kế toán, quản lý rủi ro thương mại và tài sản thương mại.

Giải trình rõ hơn về những băn khoăn này của các chuyên gia, ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư, là thành viên tham vấn trong việc xây dựng mô hình này khẳng định rằng sẽ không có rào cản chính trị khi xây dựng mô hình này.

Theo Thứ trưởng, đến thời điểm hiện nay nhận thức, quyết tâm chính trị đã rất rõ ràng, đó là tách chức năng quản lý Nhà nước với việc thực hiện quyền sở hữu vốn DNNN. Theo đó, vấn đề hiện nay là phải làm thế nào, xây dựng mô hình thế nào để tách hai chức năng này.

Với lo ngại việc thành lập Ủy ban, theo nhiều cách hiểu là nhiều bộ tập hợp về thành một bộ, sẽ trở thành siêu bộ, Thứ trưởng Đông cho rằng cần phải hiểu rõ chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban này.

Cụ thể, nếu như DNNN vẫn nằm trong bộ chuyên ngành thì mục tiêu đảm bảo cạnh tranh giữa các DN sẽ khó được thực hiện, do khó có thể tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các DNNN với các thành phần kinh tế tư nhân hoặc nước ngoài.

Việc để chức năng quản lý và sở hữu vốn, cũng khiến cho nhiều nước không công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Theo Thứ trưởng Đông, trong hội nhập nếu hai chức năng này chưa tách bạch, nhiều nước cho rằng có sự nhập nhằng nên không những không công nhận nền kinh tế thị trường, mà còn bị đánh giá tín nhiệm thấp.

Một vấn đề nữa theo Thứ trưởng Đông, gọi cơ quan này là Ủy ban hay Bộ, cũng chỉ là một cái tên được đặt tạm thời. Tuy nhiên, với chức năng là cơ quan thực hiện quyền chủ sở hữu với DNNN, tức là chỉ thực hiện đúng chức năng là quyền chủ sở hữu, chứ không làm những việc khác, nên không thể gọi là siêu bộ.

Ủy ban sẽ không điều hành từng doanh nghiệp?

"Với cách thiết kế trong tư tưởng chúng tôi, không phải là siêu bộ mà là cơ quan thực hiện đúng chức năng chủ sở hữu; cũng không có chuyện cơ quan này xuống điều hành từng DN trong danh mục. Tư tưởng thống nhất là tất cả các DN hoạt động như một DN thuần túy và chỉ việc báo cáo về cơ quan này" - Thứ trưởng Đông nhấn mạnh.

Theo đó, Thứ trưởng Đông một lần nữa khẳng định lại rằng Ủy ban này sẽ không quản lý công việc hàng ngày của các DNNN. Việc quản lý để thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước, sẽ được thực hiện trên cơ sở hợp đồng giao kết, tức là thỏa thuận về kế hoạch, chiến lược phát triển công ty từng năm và 5 năm theo định hướng mà Chính phủ đặt ra cho DN đó.

Đối với hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn DNNN, Thứ trưởng Đông cũng khẳng định việc thành lập Ủy ban này cũng sẽ thúc đẩy nhanh quá trình. Theo đó, các DNNN sẽ chỉ tham gia đầu tư ở những lĩnh vực mà khu vực tư nhân không tham gia, tập trung cung cấp dịch vụ công.

"DNNN không nhảy ra cạnh tranh thị trường với DN tư nhân về bất động sản, cao ốc... hay các ngành nghề khác, để tránh việc lấn át và cạnh tranh thị trường. Tiền khu vực ta nhân còn lớn, cần biết tạo cơ hội cho tư nhân theo đúng tinh thần Chính phủ kiến tạo, để dành đồng tiền còn lại của Nhà nước phát triển cơ sở hạ tầng, cầu cống, sân bay bến cảng, giáo dục, y tế ở nông thôn…" - Thứ trưởng Đông nói.

Cũng theo Thứ trưởng Đông, hợp đồng sẽ được xây dựng với tất cả các DNNN và Ủy ban. Tuy nhiên, cơ quan quản lý vốn sẽ tập trung kiểm soát hoạt động đầu tư kinh doanh của 10 DN lớn nhất, nắm tới 80% số tiền vốn nhà nước. Theo đó, các vấn đề cơ quan này sẽ quản lý theo hợp đồng chiến lược, kế hoạch và chỉ số quản lý về nhân sự, thương hiệu, năng suất lao động, tài chính, hiệu quả kinh doanh…

Đồng thời, việc kiểm tra, kiểm soát hoạt động này cũng theo các chuẩn mực quản trị DN tiên tiến nhất của các nước OECD. Bao gồm các chuẩn mực về kiểm toán, kế toán, thanh tra và nhân sự theo nhân lực, năng lực và theo đó, các lãnh đạo, cán bộ của DNNN cũng được trả lương theo năng lực.

"Chúng tôi sẽ chọn cái gì và phù hợp cho đất nước, nguyên lý lớn vẫn phải tôn trọng, đó là công khai, trách nhiệm, minh bạch, giải trình và không tranh giành với khu vực tư nhân" - Thứ trưởng Đông khẳng định.

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên