Ủy ban Kinh tế đề nghị tập trung cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém
Đề nghị trên tiếp tục được đưa ra, bên cạnh những kết quả Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã đạt được trong điều hành chính sách tiền tệ.
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vừa hoàn thành báo cáo thẩm tra việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII.
Từ nhiệm kỳ trước, Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ tăng cường thanh tra, kiểm soát, xử lý sai phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, ban hành chính sách đồng bộ để tiếp tục giảm và khống chế nợ xấu ; nâng cao hiệu quả hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).
Đến nhiệm kỳ này, Nghị quyết số 55/2017/QH14 ngày 24/11/2017 về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4 cũng nêu nhiều yêu cầu với lĩnh vực ngân hàng: điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, bảo đảm tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hoàn thiện chính sách tín dụng nông nghiệp, nông thôn...
ỔN ĐỊNH ĐƯỢC LÃI SUẤT , TỶ GIÁ TRƯỚC NHIỀU ÁP LỰC
Kết quả thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cho thấy, Chính phủ đã có những giải pháp căn bản và tích cực để triển khai các nhiệm vụ nêu tại Nghị quyết số 55/2017/QH14 của Quốc hội và đạt được những kết quả.
Cụ thể, chính sách tiền tệ đã được thực hiện chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác, đặc biệt điều hành ổn định lãi suất và tỷ giá trong bối cảnh thị trường nhiều áp lực, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.
Bên cạnh đó, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã triển khai các giải pháp thu hút ngoại tệ vào hệ thống ngân hàng, tăng dự trữ ngoại hối nhà nước, đáp ứng kịp thời nhu cầu ngoại tệ của tổ chức và cá nhân, góp phần ổn định thị trường.
Thông tin cập nhật ngoài báo cáo này mới đây cho biết, quy mô dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện đã tăng rất mạnh những năm gần đây và hiện đạt khoảng 93 tỷ USD.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cũng đánh giá: đi cùng với những kết quả trên, chất lượng tín dụng được cải thiện, cơ cấu tín dụng có sự điều chỉnh tích cực, trong đó tín dụng tập trung vào lĩnh vực đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế như lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ; tín dụng đối với nông nghiệp công nghệ cao, phát triển nhà ở xã hội, hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai… được chú trọng.
Trong năm nay, trước phát sinh bất thường của dịch Covid-19, Ủy ban Kinh tế nhìn nhận Chính phủ, qua đầu mối Ngân hàng Nhà nước đã triển khai kịp thời các giải pháp cấp bách để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Nhìn lại giai đoạn vừa qua, tín dụng được đánh giá tăng trưởng khá hợp lý và phục vụ các mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần từng bước đẩy lùi tín dụng đen.
Và trong xu hướng chung của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ngành ngân hàng và việc điều hành chính sách đã tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, tích cực triển khai các giải pháp thí điểm các mô hình, công nghệ mới - cơ quan thẩm tra khái quát.
TIẾP TỤC TẬP TRUNG CƠ CẤU LẠI CÁC TCTD
Ở một nội dung khác, Nghị quyết số 55 nói trên của Quốc hội cũng yêu cầu tiếp tục triển khai hiệu quả việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, trong đó tập trung xử lý dứt điểm các tổ chức tín dụng yếu kém theo cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống, không hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước, xử lý căn bản và thực chất nợ xấu; có các giải pháp phù hợp để khuyến khích các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài có tiềm lực tham gia cơ cấu lại các tổ chức tín dụng.
Tuy nhiên, những báo cáo các kỳ gần đây của Ngân hàng Nhà nước gửi đến Quốc hội chưa đề cập cụ thể tình hình và kết quả xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, đặc biệt là các ngân hàng mua bắt buộc.
Trong hai báo cáo gần đây nhất, thông tin chung về các ngân hàng mua bắt buộc được cập nhật: "…trên cơ sở chủ trương, định hướng của các cấp có thẩm quyền và căn cứ quy định pháp luật, NHNN đã tập trung chỉ đạo 3 ngân hàng mua bắt buộc và DAB xây dựng, hoàn thiện phương án cơ cấu lại/phương án phục hồi, chủ động, tích cực tìm kiếm đối tác, đàm phán với các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài có nguyện vọng tham gia cơ cấu lại. Đồng thời, NHNN đã tích cực chỉ đạo các ngân hàng mua bắt buộc sắp xếp lại mạng lưới hoạt động, tiết giảm chi phí, triển khai các hoạt động kinh doanh an toàn... trên nguyên tắc quyết liệt, thận trọng, chặt chẽ. Trên cơ sở đó, NHNN đã báo cáo các cấp có thẩm quyền về phương án xử lý 3 ngân hàng mua bắt buộc và DAB".
Còn tại báo cáo thẩm tra vừa gửi đến Quốc hội, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ đẩy nhanh tiến độ cơ cấu lại các tổ chức tín dụng; tập trung cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém, đặc biệt là các ngân hàng mua bắt buộc.
Mặt khác, trước phát sinh bất thường từ Covid-19, Ủy ban Kinh tế lưu ý việc tiếp tục theo dõi và triển khai các giải pháp hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh, với dự báo sẽ gia tăng trong thời gian tới do đại dịch; cùng đó là thực hiện tốt xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42 của Quốc hội.
BizLIVE