Uỷ ban Thường vụ sẽ xem xét vụ 'đại biểu Quốc hội có quốc tịch Síp'
Sau khi xác minh thông tin, xin ý kiến các cơ quan liên quan, tài liệu hồ sơ về trường hợp đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc có quốc tịch Cộng hòa Síp sẽ được chuyển lên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Câu chuyện đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc có hai quốc tịch đã và đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận trong mấy ngày qua. Theo quy định chung, nếu đại biểu có sự thay đổi về lý lịch, thì bắt buộc phải báo cáo cơ quan quản lý.
Chính vì vậy, trước thông tin ông Phạm Phú Quốc có thêm quốc tịch Cộng hòa Síp, Ban Công tác đại biểu của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội mới tiến hành xác minh, kiểm tra sự việc này. “Đây là thông tin phản ảnh từ báo nước ngoài nên cần phải xác minh thận trọng”, Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy nhấn mạnh.
Ngày 25/8, trao đổi với PV Tiền Phong, Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói ông bất ngờ trước thông tin một vị đại biểu Quốc hội “mua” hộ chiếu Cộng hòa Síp (Cyprus). Tuy nhiên, ông cũng lưu ý phải thận trọng trước những thông tin như vậy, vì rất có thể đó là thông tin không chuẩn xác, nên cần xác minh, kiểm chứng thận trọng.Tuy nhiên, trả lời báo chí chiều qua (25/8), đại biểu đoàn TP. HCM này đã thừa nhận có quốc tịch Cộng hòa Síp từ giữa năm 2018. Lý do được ông đưa ra là “gia đình bảo lãnh” chứ không phải ông “mua” quốc tịch.
Vậy khi một đại biểu Quốc hội thừa nhận mang hai quốc tịch thì việc xem xét xử lý sẽ ra sao?
Trên cơ sở xác minh chính xác việc đại biểu có hai quốc tịch từ cơ quan quản lý hộ chiếu, nếu đúng như vậy, Ban Công tác đại biểu sẽ thực hiện các quy trình tiếp theo. Trong trường hợp này, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TPHCM, nơi đại biểu Phạm Phú Quốc được bầu sẽ nêu quan điểm. Sau khi hoàn tất xác minh, lấy ý kiến các cơ quan liên quan, hồ sơ sẽ được trình lên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định.
Như đã đưa tin, mới đây, hãng tin Al Jazeera (Qatar) tung ra một tài liệu về chương trình hộ chiếu của Cộng hòa Síp, cho phép các chính trị gia “mua” hộ chiếu châu Âu. Đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc bị Al Jazeera nhắc tên trong danh sách này.
Theo hãng tin trên, chương trình hộ chiếu của Síp cho phép những ai đầu tư ít nhất 2,15 triệu Euro (khoảng 2,5 triệu USD) sở hữu hộ chiếu nước này; đồng nghĩa với việc cá nhân đó trở thành công dân EU, được đi lại, làm việc tự do ở 27 nước thành viên EU và có thể nhập cảnh vào 174 quốc gia mà không cần visa.
Liên quan đến vấn đề quốc tịch, vào đầu nhiệm kỳ, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường không được công nhận tư cách ĐBQH khoá 14 khi có quốc tịch Malta nhưng khai báo thiếu trung thực trong hồ sơ ứng cử.
Ông Phạm Phú Quốc sinh năm 1968 tại Quảng Trị, tốt nghiệp Đại học Thủy sản Nha Trang (Khánh Hòa) với bằng cử nhân hàng hải, sau đó học chương trình sau đại học và có học vị thạc sỹ quản trị kinh doanh.
Đầu năm 2014, ông Phạm Phú Quốc được bổ nhiệm làm Chủ tịch hội đồng thành viên Tổng công ty Bến Thành. Tháng 9/2015, UBND TPHCM bổ nhiệm ông giữ chức vụ Thành viên không chuyên trách Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TPHCM (HFIC).
Trên cương vị Tổng giám đốc HFIC, ông Phạm Phú Quốc được Ủy ban MTTQ TPHCM giới thiệu ứng viên đại biểu Quốc hội khóa 14 (nhiệm kỳ 2016 - 2021) và tham gia ứng cử tại đơn vị bầu cử số 4 (quận 5, quận 10 và quận 11). Ông Quốc sau đó đã trúng cử đại biểu Quốc hội khóa 14 (với tỷ lệ 53,94%).
Đầu năm 2018, ông Phạm Phú Quốc được điều chuyển sang làm công tác nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM với chức danh phó viện trưởng. Đây cũng là giai đoạn xảy ra lùm xùm trong việc ông có thêm quốc tịch và đã từng có đơn xin thôi làm nhiệm vụ.
Luật sửa đổi, bổ sung Luật Quốc tịch (năm 2014) cho phép một số công dân được mang 2 quốc tịch: người được Chủ tịch nước cho phép; trường hợp xin trở lại quốc tịch Việt Nam; người Việt Nam định cư ở nước ngoài và đã nhập quốc tịch nước ngoài nhưng vẫn muốn giữ quốc tịch Việt Nam; trẻ em là con nuôi.
Luật Tổ chức Quốc hội hiện đang có hiệu lực không quy định cụ thể về vấn đề quốc tịch. Sau đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội vừa được thông qua (có hiệu lực từ 1/1/2021) bổ sung yêu cầu ĐBQH "có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam".
Tiền Phong