Vải thiều Lục Ngạn được mùa, được giá
Trái ngược với lo ngại ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) khó tiêu thụ, vụ vải năm nay đang được mùa và được cả giá.
- 24-06-2020Trước Tết đoan ngọ, mận hậu, vải thiều vọt giá, mận lên hơn 100.000 đồng/kg
- 22-06-2020Vải thiều Việt Nam vừa đến Nhật Bản đã được mua sạch
- 20-06-2020Vải thiều giảm sản lượng vào Nam
Giá vải thiều tăng 10.000 - 15.000 đồng/kg khi vào chính vụ
Hiện đang vào chính vụ vải thiều Lục Ngạn, dọc tuyến Quốc lộ 31 vào trung tâm huyện Lục Ngạn từ sáng sớm đã tấp nập kẻ bán, người mua. Hơn 350 điểm cân vải ở Lục Ngạn từ sáng tới trưa người dân tất bật sơ chế, ướp đá, đóng thùng để chất lên các xe tải, container chờ sẵn chở đi các tỉnh thành và lên cửa khẩu biên giới.
Cách thị trấn Chũ (huyện Lục Ngạn) khoảng 10 km là điểm cân Triệu Biển, hơn 20 công nhân đang tập trung sơ chế vải tươi. Ông Giáp Văn Triệu, Giám đốc Công ty TNHH Triệu Biển cho biết, trong những ngày đầu tháng 6 vải thiều Lục Ngạn tiêu thụ chỉ bằng 50% của năm trước giá từ 18.000 - 25.000 đồng/kg, vải Thanh Hà từ 30.000 - 35.000 đồng/kg. Khó khăn nhất là lưu thông qua các cửa khẩu đang bị siết, lượng hàng đưa qua không được nhiều.
Là một người làm vải thiều xuất khẩu nhiều năm nay, ông Triệu lo ngại năm nay đầu ra vải thiều sẽ khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Tuy nhiên, khi vào chính vụ giá vải thiều Lục Ngạn đã tăng mạnh, lượng tiêu thụ tốt.
Giá vải thiều tăng từ 10.000 - 15.000 đồng/kg so với đầu vụ, mức giá thu mua này rất tốt cho người dân trồng vải.
“Vải thiều loại 1 có giá từ 30.000 - 40.000 đồng/kg, vải Thanh Hà giá từ 40.000 - 50.000 đồng/kg. Giá vải tăng từ 10.000 - 15.000 đồng/kg so với tuần trước, mức giá này rất tốt cho người dân trồng vải, vào chính vụ vải thu hoạch nhiều nhưng tiêu thụ rất ổn, các điểm đều cân hết hàng” - ông Triệu nói.
Hiện gần 113 thương nhân Trung Quốc đều đã hết thời hạn cách ly 14 ngày có thể ra các điểm cân mua trực tiếp. Các thương nhân sang huyện Lục Ngạn đều là các chủ hàng lớn nên lượng hàng tiêu thụ cũng đã tốt hơn, ông Triệu cho biết thêm.
Chị Nguyễn Thị Hòa, chủ 1 điểm cân trên phố Kim (xã Phương Sơn, Lục Ngạn) cho biết: “Giá vải thiều khá cao có lợi cho người trồng vải nhưng với người cân vải đi xuất Trung Quốc thì vẫn khó khăn khi lượng xe xuất sang Trung Quốc chậm do kiểm dịch, xe lạnh xếp hàng ở cửa khẩu có khi đến 2 - 3 ngày mới xuất sang được Trung Quốc chi phí tăng lên”.
Ngoài đường xuất vải truyền thống là Tân Thanh (Lạng Sơn) năm nay vải thiều Lục Ngạn còn xuất nhiều qua cửa khẩu Hà Khẩu (Lào Cai) ở các khu chợ biên giới.
Xuất khẩu mở rộng để không phụ thuộc thị trường truyền thống
Theo ông Tăng Văn Huy, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Lục Ngạn, niên vụ vải thiều năm nay rất khó khăn, khi thời tiết không thuận lợi như mưa đá vào đầu năm, sau đó rét muộn vào tháng 4 rồi nắng nóng vào tháng 5-6 khiến sản xuất khó khăn. Những hiện tượng thời tiết cực đoan đã ảnh hưởng rất nhiều nhưng người dân trồng vải vẫn có được mùa vụ với sản lượng vải khá tốt, dự kiến đạt khoảng 85.000 tấn.
Năm 2020, dự kiến sản lượng vải thiều Bắc Giang đạt 160.000 tấn. |
“Thời tiết không thuận lợi cho quả vải nhưng không lo bằng dịch Covid-19, đầu ra cho quả vải thiều sẽ như thế nào khi tình hình phức tạp dịch bệnh. Tuy nhiên, tới thời điểm này các phương án về tiêu thụ vải thiều, các thị trường đều đạt kết quả tốt” - ông Huy nói.
Đến ngày 24/6 tỉnh Bắc Giang đã tiêu thụ được hơn 1/2 sản lượng vải thiều dự kiến đạt trên 90.000 tấn, mỗi ngày tiêu thụ 4.000 tấn với 700 điểm cân vải trên toàn tỉnh. Năm 2020, sản lượng vải thiều Bắc Giang ước đạt 160.000 tấn.
Ông Lê Bá Thành, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang cho biết, chuẩn bị bước vào niên vụ vải năm nay các ngành chức năng cần xây dựng kịch bản tính tới cả việc, dịch bệnh ảnh hưởng phải đóng cửa hết các cửa khẩu. Theo đó, đối với mặt hàng nông sản, cần đẩy mạnh hoạt động sơ chế, bảo quản, sấy khô, ép nước… Đến thời điểm này việc tiêu thụ vải thiều đang tốt, hứa hẹn một niên vụ được mùa được giá.
“Năm nay là năm đầu tiên xuất khẩu được quả vải tươi sang thị trường Nhật Bản, ghi nhận thành công trong việc sản xuất các mô hình vải an toàn, chất lượng. Vải thiều vào được thị trường Nhật Bản cũng là một “giấy chứng nhận uy tín” để vào tiếp các thị trường mới” - ông Thành nói.
Trước đây, từ 50-60% sản lượng vải thiều được xuất sang Trung Quốc nhưng những năm gần đây con số này đã có những thay đổi. Sản lượng vải thiều xuất sang Trung Quốc đã giảm, các thị trường mới như Nhật Bản, Australia, Đông Nam Á… ghi nhận số lượng xuất khẩu vải thiều tăng lên đặc biệt mức tiêu thụ của thị trường trong nước cũng tăng, sự phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu truyền thống đang giảm./.
VOV