Vẫn còn có tỉnh chưa có khoản thu viện phí qua ngân hàng
Mặc dù hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phổ biến và mở rộng ở nhiều địa phương, lĩnh vực, nhất là khu dịch vụ hành chính công. Tuy nhiên, việc thanh toán không tiền mặt trong lĩnh vực y tế vẫn còn khá thấp, có tỉnh chưa có khoản thu viện phí qua ngân hàng.
- 17-10-2023NHNN có chuỗi hút tiền qua tín phiếu mạnh nhất từ đầu chu kỳ, lãi suất liên ngân hàng tăng gấp đôi
- 17-10-2023Bị lừa đảo chiếm đoạt số tiền “khủng”, một ngân hàng lớn rao bán 183 lô đất để thu hồi
- 17-10-2023SHB thiết lập quan hệ hợp tác với Ngân hàng Busan (Hàn Quốc)
Ngay cả ở những đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ người dân chi trả viện phí qua ngân hàng vẫn mới đạt khoảng 10%.
Đó là thông tin tại Hội thảo Thúc đẩy dịch vụ công và thanh toán không dùng tiền mặt, do Thời báo Ngân hàng phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh và Hội Tin học TP Hồ Chí Minh tổ chức ngày 17/10.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt nói chung, thanh toán không dùng tiền mặt trong khu vực Chính phủ, dịch vụ hành chính công nói riêng là chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Chính phủ từ giữa thập niên trước đến nay. Cụ thể hóa chủ trương này, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan, UBND các tỉnh, thành phố triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
Theo đó, hành lang pháp lý, cơ chế chính sách về thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục được hoàn thiện, hỗ trợ, thúc đẩy thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ, dịch vụ hành chính công.
"Ngân hàng Nhà nước luôn quan tâm nâng cấp, phát triển hạ tầng thanh toán hiện đại có khả năng kết nối, tích hợp với các hệ thống khác… cho phép các ngân hàng thương mại, trung gian thanh toán cung ứng các dịch vụ, phương tiện thanh toán hiện đại, đa dạng, tiện lợi. Đồng thời, mở rộng phạm vi cung ứng trên toàn quốc để giảm thời gian và chi phí giao dịch cho người dân, doanh nghiệp", ông Tuấn cho biết.
Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán đã chú trọng phát triển mạnh hệ sinh thái số với các sản phẩm dịch vụ, phương thức thanh toán mới, an toàn, tiện lợi, đem lại lợi ích, thiết thực cho người dân, doanh nghiệp. Nhiều dịch vụ, phương thức thanh toán mới như mở tài khoản/mở thẻ bằng eKYC, thanh toán, chuyển tiền, rút tiền tại ATM bằng mã QR, thanh toán thẻ chíp phi tiếp xúc, xác thực thanh toán sinh trắc học, mã hóa thông tin thẻ…
Đáng chú ý, việc thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ, dịch vụ hành chính công đã đạt được một số thành tựu nhất định. Tuy vậy, ông Phạm Anh Tuấn cũng cho biết, việc thanh toán không dùng tiền mặt vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Cụ thể, hành lang pháp lý trong lĩnh vực thanh toán không dùng tiền mặt cần tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện để phù hợp với các sản phẩm, dịch vụ mới, nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực thanh toán.
"Việc thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ như viện phí, học phí, tiền nước ở một số tỉnh, nhất là các tỉnh miền núi còn thấp. Phạm vi triển khai thanh toán không tiền mặt mới chủ yếu tập trung vào nhóm đối tượng khách hàng tại khu vực thành thị, điều kiện kinh tế phát triển, thu nhập ổn định, đối tượng khách hàng là công chức, viên chức. Thậm chí, có tỉnh Đắk Nông còn chưa có khoản thu liên quan đến viện phí qua ngân hàng", ông Tuấn cho biết.
Mặt khác, việc chi trả lương hưu qua ngân hàng cũng còn nhiều bất cập. Vẫn còn nhiều người cao tuổi đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội không muốn sử dụng thanh toán qua ngân hàng vì sợ rủi ro, trục trặc kỹ thuật khi sử dụng.
Theo báo cáo của Bảo hiểm Xã hội, còn khoảng 58% người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng nhận chế độ bằng tiền mặt. Việc vận động, khuyến khích nhận qua phương thức thanh toán không dùng tiền mặt gặp khó khăn do chủ yếu là người cao tuổi; mức hưởng không cao, chủ yếu sử dụng để sinh hoạt chi tiêu hàng tháng, muốn nhận tiền mặt vì nhiều lý do về thói quen và tâm lý cũng như mức độ tiện lợi của tiền mặt; hạn chế về sử dụng công nghệ.
Thực tế, ngay tại Tp. Hồ Chí Minh – địa phương đi đầu về việc ứng dụng công nghệ, áp dụng thanh toán không tiền mặt cũng gặp một số khó khăn nhất định trong thanh toán không tiền mặt ở dịch vụ công, nhất là lĩnh vực y tế.
Ông Trần Đình Cường, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết, mặc dù hiện 100% các bệnh viện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã áp dụng thanh toán không tiền mặt trong thanh toán viện phí. Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ thanh toán không tiền mặt trong bệnh viện trên địa bàn mới đạt tỷ lệ 10%.
Khảo sát của Ngân hàng Nhà nước từ tháng 3 đến nay cũng cho thấy, dù có nhiều mô hình thanh toán không tiền mặt được triển khai ở các bệnh viện, nhưng vẫn chưa đáp ứng mục tiêu đã đề ra. Ngay cả tại Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh - bệnh viện thực hiện thành công nhất trong thanh toán không tiền mặt, song chủ yếu là gia tăng ở khâu thanh toán POS, vì đây là phương thức mà thẻ ngân hàng nào cũng thanh toán được.
Tuy vậy, ông Cường cho rằng, việc thanh toán POS ở bệnh viện vẫn có bất lợi là người dân vẫn phải xếp hàng thanh toán như thanh toán bằng tiền mặt. Trong khi đó, đặc điểm của bệnh viện là gắn với quá trình khám chữa bệnh, người dân phải thanh toán nhiều lần. Do đó, chỉ khi rút ngắn thời gian thanh toán thì mới rút ngắn được thời gian khám chữa bệnh và mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân. Để khắc phục điều này, hiện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh đang phối hợp với Sở Thông tin Truyền thông và Sở Y tế thành phố nghiên cứu đề xuất mô hình phù hợp với yêu cầu trên và sẽ lựa chọn thí điểm để triển khai.
Để đảm bảo mục tiêu về phát triển thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ, dịch vụ hành chính công, Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử, nhằm tạo lập khuôn khổ pháp lý đầy đủ, đồng bộ, nhằm khuyến khích phát triển thanh toán điện tử, hạn chế sử dụng tiền mặt và đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán.
Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ chỉ đạo nâng cấp, phát triển Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử, hệ thống thanh toán của các ngân hàng; tiếp tục ứng dụng, phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán trên thiết bị di động; tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030" nhằm từng bước làm sạch cơ sở dữ liệu khách hàng… để phát triển các ứng dụng nhằm thúc đẩy thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ, dịch vụ hành chính công…
Báo Tin tức