Vận mệnh kinh tế Italy đang phụ thuộc hoàn toàn vào ngân hàng này
Nếu để một ngân hàng có ý nghĩa biểu tượng lịch sử cũng như tầm ảnh hưởng lớn lên thành phố Siena như Monte Paschi sụp đổ tất yếu sẽ dẫn đến khủng hoảng tài chính.
- 14-07-2016"Sóng ngầm" trong lòng châu Âu: Người Italy tự làm tự chịu
- 12-07-2016Italy - Cơn bão tiếp theo sắp ập đến châu Âu
- 16-12-2015Hãng đồ hiệu Italy điêu đứng vì kinh tế Trung Quốc
Vốn đã gặp muôn vàn khó khăn khi nợ xấu lên tới 360 tỷ euro, thị trường tài chính Italy sẽ rơi vào khủng hoảng kinh tế trầm trọng và kéo theo hàng loạt cuộc khủng hoảng khác ở châu Âu, nếu kế hoạch “sống sót” của một trong ba ngân hàng lớn nhất nước này không đạt hiệu quả.
Vì thế, nếu để một ngân hàng có ý nghĩa biểu tượng lịch sử cũng như tầm ảnh hưởng lớn lên thành phố Siena như Monte Paschi sụp đổ tất yếu sẽ dẫn đến khủng hoảng tài chính.
Trong quá khứ, chính phủ Ý đã tung ra hai gói cứu trợ mỗi khi Monte Paschi đứng trên bờ vực phá sản. Do vậy, sau khi cổ phiếu đã tụt dốc 99% kể từ cuộc khủng hoảng vào năm 2008, xuống mức thấp kỷ lục là 25 cents vào đầu tháng 7 năm nay, nhiều người tự hỏi liệu sẽ có gói cứu trợ thứ 3 cho Monte Paschi từ chính quyền của Thủ tướng Matteo Renzi?
Ván bài của Monte Paschi
Tuy nhiên, trái với dự đoán, Monte Paschi vừa cho hay họ đã tìm ra giải pháp để tự cứu sống mình từ các khoản nợ xấu bằng bản kế hoạch gọi vốn đầu tư tư nhân, qua đó ngăn chặn một cuộc khủng hoảng hệ thống ngân hàng ở thời điểm hiện tại mà không cần sự hỗ trợ từ chính phủ.
Thành công của bản kế hoạch sẽ phụ thuộc vào khả năng mua các khoản nợ xấu của ngân hàng từ phía nhà đầu tư, mà theo đánh giá của các nhà phân tích, mức giá chào mua cao hơn so với mức người mua sẵn sàng trả. Monte dei Paschi di Siena sẽ cần tìm những nhà đầu tư sẵn sàng cung cấp một khoản tiền để nâng phần vốn chủ sở hữu từ mức dưới 1 tỷ lên thành 5 tỷ euro, cái ngưỡng mà theo các chuyên gia đánh giá là đủ để nhà băng này sống sót.
Bảng kế hoạch trên được đưa ra ngay sau khi Cơ quan Ngân hàng châu Âu (EBA) xác định Monte Paschi không đủ “vững” để đối phó với những cú sốc kinh tế. 51 ngân hàng lớn châu Âu vừa được yêu cầu tham gia bài kiểm tra bắt buộc, để xem liệu họ có chống chọi được trong trường hợp nền kinh tế sụt giảm mạnh hay không và Monte Paschi là nhà băng thể hiện tệ nhất.
“Rủi ro của việc thực hiện là cao, nhưng kế hoạch tái cơ cấu của Monte Paschi là toàn diện và được chuẩn bị tốt”, Andrea Vercellone, một nhà phân tích tại Exane BNP Paribas trụ sở Luân Đôn cho biết. “Trong trường hợp không có những cú sốc tiêu cực từ bên ngoài, Monte Paschi có thể hoàn thành công việc phát hành chứng khoán mới để nâng vốn”.
Chưa bao giờ, tương lai của ngân hàng lớn thứ 3 nước Ý và được thành lập đầu tiên trên thế giới vào năm 1472 lại bấp bênh và khó khăn như thời điểm hiện tại. Sau sự kiện Brexit, nền tài chính Italia ngay lập tức trở thành một trong những nạn nhân chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi giá trị thị trường của 3 ngân hàng lớn đều sụt giảm mạnh.
Tuy nhiên, sau khi trình bày bản kế hoạch cải tổ, giá trị vốn hóa của ngân hàng lớn thứ ba tại Ý đã tăng 11%. Trước đó, con số đã giảm 72% kể từ đầu năm đến nay.
Trong nỗ lực mới nhất để phục hồi từ một nhà băng kiệt quệ thành sinh lợi, Monte Paschi sẽ tìm cách để cân bằng bảng cân đối và nâng phần vốn chủ sở hữu giúp công ty tăng trưởng trở lại. Điều đó cũng giúp nhà băng này hấp dẫn hơn trong mắt những người mua tiềm năng.
Theo kế hoạch, ngân hàng dự định bán danh mục nợ xấu 27,7 tỷ euro với giá 9,2 tỷ euro, tương đương 33% tổng giá trị. Sự phục hồi của Monte Paschi, bước đầu phụ thuộc rất lớn vào việc nhà đầu tư sẵn sàng mua lại danh mục đầu tư cho vay khó thu này.
Kế hoạch chi tiết
Theo Kian Abouhossein, một nhà phân tích tại JPMorgan Chase & Co., đã viết trong một lưu ý cho khách hàng thì mức giá chào bán này cao hơn so với mức định giá là từ 20% đến 25% tổng giá trị danh mục.
Theo kế hoạch, các khoản nợ xấu sẽ được chuyển ra khỏi bảng cân đối của ngân hàng thành một thực thể riêng biệt và chứng khoán hóa – một quá trình mà tài sản của người đi vay được dùng làm vật đảm bảo để phát hành trái phiếu.
Để rót mật vào thương vụ, ngân hàng này tiết lộ có đến 6 tỷ euro trái phiếu hội đủ điều kiện cho một sự đảm bảo từ chính phủ và Atlante, một quỹ được thành lập với sự đóng góp chủ yếu là tư nhân để giúp đỡ những người cho vay đang gặp khó khăn, đang dự định mua tối đa 1,6 tỷ euro trái phiếu của nhà băng này.
Việc phát hành chứng khoán lần này còn được bảo đảm bởi một loạt nhà băng quốc tế, gồm JP Morgan, Bank of America, Citigroup, Credit Suisse, Deutsche Bank và Goldman Sachs. Điều này đồng nghĩa với việc các nhà băng trên đảm bảo việc cung cấp vốn nếu không có đủ số nhà đầu tư đến mua cổ phiếu. Các ngân hàng này cũng thông tin phản hồi tích cực đến những người mua tiềm năng.
"Hệ thống ngân hàng Ý sẽ vẫn chịu áp lực cho đến khi giao dịch của Monte được hoàn thành," Abouhossein nói.
Tử huyệt của hệ thống ngân hàng châu Âu
Khủng hoảng tại Monte Paschi còn vén lên tấm màn của một nền kinh tế yếu ớt trong nhiều năm qua. Không giống như ở Tây Ban Nha, nơi mà các ngân hàng yếu nhất được chính phủ hỗ trợ thoát khỏi khủng hoảng trong năm 2012, thì các nhà chức trách Ý đã không tác động quyết liệt đến hệ thống ngân hàng nhằm giải quyết triệt để tình hình, dẫn đến 360 tỷ euro nợ xấu, một di sản của nhiều năm trì trệ.
Các bài kiểm tra sức khỏe toàn bộ ngân hàng châu Âu của ECB còn hé lộ sự yếu kém của hệ thống ngân hàng tại Ý, vì ngoài Monte Paschi thì hầu hết các ngân hàng khác đều có đầy đủ vốn để sống sót nếu có một cuộc khủng hoảng ập đến. “Tất cả nỗi lo đều đổ dồn về Monte Paschi và họ cần biện pháp cấp bách để bổ sung vốn”.
“Mô hình kinh doanh của Monte Paschi là chắc chắn bền vững đứng trên góc nhìn của ngành công nghiệp này”, Giám đốc điều hành Fabrizio Viola cho biết. Sự trói buộc với các ngân hàng khác được cho là cách duy nhất để thoát ra khỏi khủng hoảng trong dài hạn và sự lựa chọn trong tương tương lai. Monte Paschi cũng có kế hoạch bán cổ phần Pekao SA (một ngân hàng tại Ba Lan) để huy động vốn.
Sau nhiều tháng tranh luận công khai về kế hoạch giải cứu mới nhất, Thủ tướng Renzi đã hứa rằng sẽ không dùng tiền công quỹ để cứu nhà băng này. "Tôi không muốn hôm nay người dân phải trả các khoản nợ ngày hôm qua của các ngân hàng và các chính trị gia," tờ báo la Repubblica dẫn lời trong một cuộc phỏng vấn. "Ai làm sai thì phải trả tiền, không phải người dân".