MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vẫn thất nghiệp dù một tháng đi phỏng vấn 5-6 chỗ

10-05-2023 - 07:32 AM | Sống

Sau làn sóng nghỉ việc và sa thải dịp cuối năm 2022 - đầu năm 2023, nhiều người đang chật vật tìm việc.

“Tìm việc - nhảy việc - thất nghiệp - tìm việc mới” vẫn luôn là vòng tròn quen thuộc với hội làm công ăn lương. Tuy nhiên chỉ cần tinh ý một chút, hẳn nhiều người cũng nhận ra lời khuyên được đưa ra nhiều nhất trong các hội nhóm than thở công sở gần đây là đừng nghỉ việc ở thời điểm hiện tại bởi không dễ để tìm việc mới.

Không dừng lại ở lời khuyên suông, nhiều người còn kể lại những trải nghiệm khó khăn khi đi tìm việc. Có người rải CV khắp nơi vẫn đang thất nghiệp, nhiều người mất 4 tháng đến nửa năm để tìm được việc ưng ý,... Mỗi người một tình huống khác nhau nhưng tất cả đều cùng chung một cảm nhận: Rất khó tìm việc! 

- Duyên Ngô, 25 tuổi, lĩnh vực nhân sự.

- Như, 26 tuổi, lĩnh vực hành chính nhân sự.

- Đức Duy, 26 tuổi, tốt nghiệp ngành ngôn ngữ Anh, đang làm nhân viên kinh doanh nội thất.

- Jennie (nickname), 29 tuổi, lĩnh vực truyền thông.

Là những bạn trẻ đang rơi vào tình huống không thể kiếm được một công việc ưng ý sau khi nghỉ việc.

Chỉ có 1 - 2 công việc mới trên web tuyển dụng, chấp nhận lương thấp vẫn thất nghiệp 

Làm việc ở mảng HCNS được 4 năm nhưng chưa bao giờ Như (TP.HCM) thấy tình hình việc làm khó khăn như thời gian này. 

“Sau khi nghỉ việc, mình tìm việc mới suốt 2 tháng rồi nhưng tình hình không mấy khả quan. Cả tuần lễ rồi mà các web tuyển dụng gần như không có việc mới cần đăng tuyển. Chẳng hạn ở một web tuyển dụng có tiếng, khi tìm kiếm công việc theo quận thì có quận chỉ có 1 - 2 việc/tuần, có quận không có việc nào” - cô kể lại.

Thậm chí Như còn chấp nhận công việc có lương thấp hơn so với năng lực: “Một đồng nghiệp nói rằng với kinh nghiệm của mình và công ty có quy mô khoảng 30 người thì vị trí hành chính nhân sự tổng hợp thì mức lương 12 triệu là phù hợp. Tuy nhiên trong quá trình vừa qua, mình chưa bao giờ đề xuất đến mức này vì biết tình hình kinh tế hiện tại rất khó khăn”

Tương tự Như, Duyên Ngô cũng tìm việc ngành nhân sự và chưa đâu vào đâu. Duyên bắt đầu tìm việc từ đầu năm nhưng sắp hết nửa năm 2023 rồi mà vẫn chưa có công việc phù hợp. Sau khi nộp không biết bao nhiêu bộ CV, cô đi phỏng vấn 4 nơi và đều đậu. Trong đó Duyên cũng thử việc 1 tháng ở vị trí đúng như mong muốn nhưng cuối cùng đã nghỉ vì thấy không hợp. 

Nói về lý do mãi chưa tìm được việc, Duyên Ngô cho biết ngoài tình hình chung thì ngành nhân sự cũng đang có sự cạnh tranh khá cao. “Mình thấy số ứng viên lớn, ngoài các bạn trong ngành còn có nhiều bạn trái ngành muốn chuyển hướng” - cô tâm sự.

Ảm đạm nhu cầu tuyển dụng, hội có bằng cấp “thấm đòn” thất nghiệp - Ảnh 1.

(Ảnh minh hoạ)

Còn Jennie rục rịch đi tìm việc mới ngay sau khi viết đơn xin nghỉ việc ở một công ty truyền thông. “Từ đó đến nay mình đã 1,5 tháng trôi qua, nộp CV khoảng chục nơi và đi phỏng vấn 5 - 6 chỗ. Nhưng sau khi cân đo đong đếm các vấn đề thì hiện tại mình vẫn đang thất nghiệp” - cô cho biết. 

May mắn hơn, Đức Duy đã tìm được một công việc phù hợp vào hồi giữa tháng 4 vừa qua. Tuy nhiên trước đó anh chàng cũng có một khoảng thời gian dài loay hoay, mải miết tìm việc từ cuối tháng 11/2022 đến tháng 4/2023. 

“Mình từng đi học đại học nhưng nghỉ 1 thời gian rồi mới quay lại học cao đẳng ngành ngôn ngữ Anh nên cuối tháng 11 vừa rồi mới kết thúc quá trình thực tập. Trong thời gian từ đó đến nay mình làm nhiều công việc khác nhau, CV dài nhưng không có chuyên môn quá sâu ở việc nào cả nên bị từ chối liên tục” - Đức Duy tâm sự. 

Với những chia sẻ này, không khó để nhận thấy “bài toán” tìm việc của người lao động ngày càng khó giải. Nguyên nhân chính cũng rất dễ thấy, đó là tình hình kinh tế khó khăn.

Ở thời điểm cuối năm 2022 - đầu năm 2023, làn sóng sa thải đã diễn ra đẩy nhiều người rơi vào tình cảnh lao đao. Bên cạnh đó, những doanh nghiệp ít bị ảnh hưởng thì chọn cách an toàn, chưa có kế hoạch mở rộng quy mô hay tuyển thêm người. 

Ảm đạm nhu cầu tuyển dụng, hội có bằng cấp “thấm đòn” thất nghiệp - Ảnh 2.

Ảm đạm nhu cầu tuyển dụng, hội có bằng cấp “thấm đòn” thất nghiệp - Ảnh 3.

Rất nhiều bài đăng về chuyện thất nghiệp trong các nhóm công sở

Suy sụp từ kinh tế đến tinh thần

Chắc chắn, thất nghiệp trong một thời gian dài là nỗi ám ảnh với nhiều người. Bởi lẽ vấn đề không chỉ đến từ chuyện kinh tế mà còn cả chuyện tinh thần. 

Duyên Ngô cho biết mình phải tự lo cho bản thân và phụ giúp gia đình nên trong thời gian vừa qua đã gặp rất nhiều áp lực kinh tế. Hiện tại, Duyên vẫn đang sử dụng tiền tiết kiệm để chi trả cho cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên trong 1 tháng nữa mà chưa tìm được việc đúng ngành, cô sẽ chấp nhận làm trái ngành, miễn là có sự tương đồng, lương ổn và giờ giấc ổn định. 

Bên cạnh đó cô nàng cũng gặp áp lực đồng trang lứa hay ý kiến từ những người xung quanh: “Bạn bè cùng khoá đều có việc, thậm chí phát triển đến vị trí cao còn mình vẫn đang chật vật tìm việc. Mình cũng phải đối mặt với lời bàn tán từ hàng xóm hay những người không đồng cảm”. 

Đây cũng là tâm trạng của Đức Duy trước khi tìm được việc. Không những thế Duy còn gặp biến cố về sức khỏe nên tinh thần càng đi xuống, nhiều lúc nghi ngờ lựa chọn của bản thân. “Những áp lực lúc đó khiến mình muốn sụp đổ. Phải mất một thời gian dài nhờ tập thể dục, cố gắng duy trì tinh thần và sức khỏe thì mình mới vượt qua được. Trong thời gian đó mình cũng phụ giúp gia đình để có chi phí trang trải sinh hoạt cá nhân” - anh chàng tâm sự. 

Ảm đạm nhu cầu tuyển dụng, hội có bằng cấp “thấm đòn” thất nghiệp - Ảnh 4.

(Ảnh minh hoạ)

Với Jennie, vì đã kết hôn và có con nhỏ nên sau khi nghỉ việc mà chưa tìm được việc mới, cô phải đối mặt với những nỗi lo bủa vây như tiền nhà, điện nước, con đi học,... Trong thời gian tới, nếu vẫn không tìm được việc như ý thì cô sẽ làm tạm một công việc nào đó hoặc kinh doanh online. “Tuy nhiên đây chỉ là phương án tạm thời vì buôn bán không đơn giản. Hơn nữa chồng mình cũng làm công việc kinh doanh tự do rồi nên mình muốn làm việc gì đó có lương đều đặn hàng tháng” - Jennie nói thêm. 

Trước những áp lực từ bên ngoài hay trên MXH, Jennie không quá quan tâm vì theo cô: “Cuộc sống còn bao thứ bận rộn lo nghĩ, ba cái xì xào bàn tán đọc nhiều mà ngẫm vào lại thành mệt mỏi, đọc cho vui chứ mình cũng không áp lực gì. Việc ai người ấy lo, cuộc sống và công việc của mình không cần phải nhờ người khác phán xét, nói chung là kệ”

Về phần Như, dù có gia đình ở TP.HCM, không phải đi thuê nhà nhưng cô cũng rất căng thẳng khi không tìm được việc: “Hiện tại mình vẫn mong muốn sẽ tìm được công việc đúng ngành và chi tiêu bằng tiền tiết kiệm. Các khoản chi tiêu của mình không nặng nề như các bạn ở trọ mà còn áp lực thế này thì mọi người phải than thở cũng đúng thôi” - cô bày tỏ.

Theo Tổng cục Thống kê, từ cuối năm 2022, tình trạng mất việc làm đã diễn ra ở nhiều tỉnh, thành phố. Đến đầu năm 2023, số người mất việc làm là khoảng 149 nghìn người.

Cũng theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I/2023 là khoảng 1,05 triệu người, giảm 34.600 người so với quý IV/2022, cũng như giảm 65.100 người so với cùng kỳ năm trước.

Theo Huyền Trang

Thể thao & văn hóa

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên