MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vắng bóng Mỹ, Việt Nam sẽ “mất mát” nhiều trong CPTPP (TPP-11)?

Theo quan điểm của World Bank (WB), thuế quan áp dụng cho Việt Nam dự tính sẽ giảm xuống mức thấp nhất cả trong CPTPP và TPP-12, nhưng mức độ giảm giữa các tình huống có sự chênh lệch.

Sau hơn 1 năm Mỹ tuyên bố rút lui khỏi TPP-12, mới đây ngày 9/3, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã chính thức được ký kết tại Chile, đánh dấu một thành công lớn sau nhiều thăng trầm. Hiệp định dự kiến có hiệu lực trong năm 2018 hoặc nửa đầu 2019; 11 quốc gia trong CPTPP có gần 500 triệu dân với tổng GDP hơn 10.000 tỷ USD, chiếm hơn 13% toàn cầu.

Nhớ lại, Hiệp định TPP-12 ban đầu gồm 12 nền kinh tế tham gia đàm phán ở 3 châu lục là châu Mỹ, châu Á và châu Đại dương (Úc). Về phía châu Mỹ, các nước tham gia bao gồm các thành viên Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ - NAFTA (Mỹ, Canada, Mexico), cùng với Peru và Chile. Tại châu Á, lớn nhất là Nhật Bản, tiếp đến là Malaysia, Việt Nam, Singapore và Brunei. Đến đầu năm 2017, Mỹ - nền kinh tế lớn nhất trong khối TPP, chính thức tuyên bố rút khỏi hiệp định. Những nước còn lại phải mở lại nhiều cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) nhằm cố gắng duy trì những mục tiêu đầy tham vọng của hiệp định TPP-12 ban đầu.

Được biết, so với Hiệp định TPP-12, CPTPP về cơ bản giữ nguyên nội dung nhưng cho phép các nước thành viên tạm hoãn một số ít các nghĩa vụ để bảo đảm sự cân bằng trong bối cảnh mới. Theo đó, vẫn có nhiều nhận định xoay quanh việc so sánh "được mất" của 11 thành viên nói chung, và Việt Nam nói riêng khi tham gia CPTPP so với TPP-12 ban đầu.

Bất lợi hơn về mức độ giảm thuế quan áp dụng

Theo quan điểm của World Bank (WB), thuế quan áp dụng cho Việt Nam dự tính sẽ giảm xuống mức thấp nhất cả trong CPTPP và TPP-12, nhưng mức độ giảm giữa các tình huống có sự chênh lệch.

Với kết quả mô phỏng dựa trên kịch bản cơ sở trạng thái bình thường của nền kinh tế không có các hiệp định mới, WB dự tính mức thuế quan thương mại bình quân gia quyền khi xuất khẩu sang các nền kinh tế CPTPP sẽ giảm từ 1,7% xuống 0,2%. Trong khi đó, với trường hợp TPP-12, mức giảm sẽ nhiều hơn từ 4,2% xuống 0,1%, chủ yếu do lượng xuất khẩu trực tiếp vào Mỹ lớn và các mức thuế quan hiện hành của Mỹ đối với hàng xuất khẩu Việt Nam cao.

Về thuế quan thương mại bình quân gia quyền của Việt Nam áp dụng cho các bên khác, trong CPTPP, mức giảm theo giả định sẽ giảm từ 2,9% xuống 0,1%; còn theo TPP-12 sẽ giảm từ 3,2% xuống 0,1%.

Vắng bóng Mỹ, Việt Nam sẽ “mất mát” nhiều trong CPTPP (TPP-11)? - Ảnh 1.

Mặt khác, bên cạnh mức giảm về thuế quan, thì các hàng rào phi thuế quan (HRPTQ) dự kiến cũng sẽ đóng vai trò quyết định đối với vấn đề tiếp cận thị trường. Theo WB, những HRPTQ áp dụng đối với Việt Nam tại các thị trường nước ngoài dự kiến sẽ giảm bình quân 3,6 điểm phần trăm (tính theo mức thuế theo giá trị - advalorem) đối với trường hợp CPTPP; trong khi sẽ giảm đến 5,1 điểm phần trăm tại Hiệp định TPP-12. Đồng thời, WB cho rằng các HRPTQ mà Việt Nam áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu sẽ giảm tương ứng 2,9 và 5,3 điểm phần trăm trong CPTPP và TPP-12.

Vắng bóng Mỹ, Việt Nam sẽ “mất mát” nhiều trong CPTPP (TPP-11)? - Ảnh 2.

Như vậy, việc tiếp cận thị trường khác nhau ở các ngành khác nhau sẽ ảnh hưởng đến việc phân bổ lợi ích giữa các ngành cũng như nhóm hộ gia đình. Song nhìn chung, thì trong trường hợp CPTPP và TPP-12, thuế quan cũng như HRPTQ đều giảm đáng kể giữa các ngành như lương thực, thực phẩm, đồ uống, thuốc lá; nông nghiệp...

Dệt may sẽ mất mát nhiều từ Mỹ?

Nghiên cứu của WB cũng cho thấy, trong trường hợp TPP-12, những ngành tập trung phần lớn lợi ích là: i) may mặc, hàng da, ii) dệt may; chủ yếu là xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Tính đến năm 2030, Mỹ sẽ tăng gấp đôi tỷ trọng nhập hàng xuất khẩu từ Việt Nam lên mức 37%, với mức tăng tuyệt đối 83 tỷ USD. Trong khi đó, con số dự kiến tại các nước TPP-12 khác ở Bắc Mỹ và Nam Mỹ khiêm tốn hơn rất nhiều, chỉ khoảng 11 tỷ USD so với kịch bản cơ sở.

Như vậy, trong trường hợp TPP-12, danh mục xuất khẩu giữa các ngành sẽ tập trung ưu tiên ngành "may mặc, hàng da" vói đóng góp chủ yếu đến từ Mỹ. Dự báo ngành này sẽ tăng tỷ trọng trong tổng xuất khẩu thêm 14,7 điểm phần trăm, từ 21,3% lên 36% trên tổng mức xuất khẩu. Theo đó, tính đến năm 2030, mức tăng tỷ trọng xuất khẩu này sẽ tương đương với tăng 54,4 tỷ USD xuất khẩu đối với ngành "may mặc, hàng da", ngành dệt may sẽ có mức tăng 15 tỷ USD so với kịch bản cơ sở.

Vắng bóng Mỹ, Việt Nam sẽ “mất mát” nhiều trong CPTPP (TPP-11)? - Ảnh 3.

Ngược lại, những ngành được hưởng lợi nhiều nhất trong trường hợp CPTPP bao gồm: i) thực phẩm, đồ uống, thuốc lá; ngoài ra cũng có ii) may mặc, hàng da; iii) dệt may. Đáng chú ý, WB nhấn mạnh trong trường hợp CPTPP, sản lượng của một số ngành dịch vụ sẽ tăng. Bởi, nguồn cầu tăng do kinh tế tăng trưởng cao hơn và thu nhập tăng, cũng như mức cầu cao về các dịch vụ liên quan đến thương mại như vận tải, tài chính và các dịch vụ kinh doanh khác.

Tựu trung lại, ngành dệt may sẽ có mức tăng lớn hơn trong TPP-12; trong khi ngành thực phẩm, đồ uống, thuốc lá sẽ có sản lượng và kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong CPTPP. Như dự tính, CPTPP sẽ ít hấp dẫn hơn TPP-12, đồng thời đem lại ít khả năng tăng sản lượng và xuất khẩu hơn. Tuy nhiên, ở khía cạnh nào đó thì hiệp định này sẽ dẫn tới mức độ đa dạng hóa xuất khẩu lớn hơn nếu tính trên thị trường xuất khẩu.

Theo đó, WB cho rằng CPTPP vẫn là một hiệp định đáng cân nhắc, mặc dù việc không còn sự tham gia của Mỹ khiến lợi ích có thể thu được sẽ giảm nhiều, bởi CPTPP có khả năng sẽ kéo theo tăng FDI và tiếp tục mở rộng các ngành dịch vụ.

Đồng quan điểm, trước đó chuyên gia kinh tế trong nước, TS. Trần Du Lịch cũng đã nhận định "Nếu so với mục tiêu ban đầu thì quy mô CPTPP kém hơn nhiều so với TPP, bởi đã mất đi nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ". Song, đa phần những nội dung cắt bỏ đều ít nhiều không liên quan đến Việt Nam; theo đó ông Lịch vẫn cho rằng Việt Nam sẽ không bị thiệt gì cả, ngược lại còn dễ dàng hơn cho Việt Nam so với các nước khác.

Bảo An

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên