MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Vàng" dưới đáy biển: Xưa là sản vật dành cho vua chúa, nay ai cũng mua được vì Trung Quốc nuôi trồng rất nhiều

28-04-2023 - 20:30 PM | Tài chính quốc tế

"Nhiều bào ngư mà người nước ngoài ăn là  từ Trung Quốc", The Paper nhấn mạnh.

Trung Quốc là nước nuôi trồng bào ngư lớn nhất thế giới

Vào một mùa thu hoạch năm 2020, giá bào ngư ở Phúc Kiến đã giảm mạnh, loại 12 con/kg chỉ có giá 3 NDT/con (khoảng 10.000 VND).

Theo The Paper (Trung Quốc), điều này khiến rất nhiều người Trung Quốc bất ngờ bởi bào ngư vốn là loại hải sản quý hiếm dành cho giới nhà giàu, giá vô cùng đắt đỏ.

Hóa ra, vụ thu hoạch bào ngư năm đó ở Phúc Kiến bội thu, dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, thêm xung đột thương mại Trung-Mỹ nên xuất khẩu bị cản trở dẫn tới giá bào ngư rẻ gần như cho.

Báo Trung Quốc cho hay, bào ngư xưa vốn quý hiếm nhưng hiện đã trở nên phổ biến trên thị trường xứ tỷ dân.

Kể từ khi Trung Quốc phát triển thành công công nghệ nuôi bào ngư vào những năm 1970, nước này đã trở thành quốc gia đứng đầu thế giới về nuôi trồng bào ngư, chiếm 90% tổng sản lượng bào ngư nuôi trên thế giới.

"Nhiều bào ngư mà người nước ngoài ăn thực sự đến từ Trung Quốc", The Paper nhấn mạnh.

"Vàng" dưới đáy biển: Xưa là sản vật dành cho vua chúa, nay ai cũng mua được vì Trung Quốc nuôi trồng rất nhiều - Ảnh 1.

Bào ngư rất được ưa chuộng ở Trung Quốc. Ảnh: The Paper

Giá trị của bào ngư

Theo Tổng cục Thủy sản Việt Nam, bào ngư là tên gọi chung cho các loài sên biển (động vật thân mềm chân bụng) thuộc chi Haliotis. Có khoảng 60 loài bào ngư trên thế giới với nhiều kích thước khác nhau.

Bào ngư chậm lớn, thường ăn rong biển. Vỏ của bào ngư có cấu trúc phẳng, xoắn ốc mở, có các lỗ hô hấp liên tiếp gần mép ngoài của vỏ. Lớp vỏ bên trong dày bao gồm xà cừ, ở nhiều loài có độ óng ánh cao, tạo hiệu ứng sắc màu mạnh làm cho vỏ có giá trị như một vật trang trí, đồ trang sức hay những thứ tương tự như vậy.

Phần lớn các loài bào ngư được tìm thấy ở các vùng nước lạnh, nhưng vùng biển của New Zealand, Nam Phi, Úc, Tây Bắc Mỹ và Nhật Bản.

Trên thị trường hiện nay có 4 dạng bào ngư gồm bào ngư tươi sống, bào ngư đông lạnh và bào ngư khô, bào ngư đóng hộp.

Theo The Paper, bào ngư khô và bào ngư tươi đều giống nhau về thành phần và giá trị dinh dưỡng nhưng quy trình sản xuất khác nhau nên hương vị có chút khác biệt.

Được biết, loại bào ngư đắt nhất thế giới là bào ngư khô Nhật Bản. Quá trình sấy khô bào ngư vô cùng kỳ công nên có thời điểm 1 kg bào ngư khô Nhật Bản được bán với giá khoảng 10.000 NDT (khoảng hơn 300 triệu VND).

"Vàng" dưới đáy biển: Xưa là sản vật dành cho vua chúa, nay ai cũng mua được vì Trung Quốc nuôi trồng rất nhiều - Ảnh 2.

Bào ngư được mệnh danh là "vàng" dưới đáy biển. Ảnh: The Paper

Được mệnh danh là "vàng" dưới biển

Theo The Paper, bào ngư được mệnh danh là "vàng" dưới biển. Thời xưa, vua chúa Trung Quốc vô cùng ưa chuộng loài hải sản này.

Hán Thư -Vương Mãng Bí Sử chép rằng, tân hoàng đế Vương Mãng cuối thời Tây Hán rất thích ăn bào ngư, nhất là khi mất khẩu vị, ông sẽ uống rượu, nhắm bào ngư.

Vào thời Đông Hán, Tào Thực cũng từng tiết lộ, lúc còn sống, Tào Tháo rất thích ăn bào ngư.

Đến thời nhà Thanh, bào ngư đã phát triển thành món ăn trong cung đình.

Vào thời điểm đó, khi các quan viên từ các vùng đất ven biển về triều, hầu hết đều chọn bào ngư làm quà lên hoàng đế. 

Vì vậy, bào ngư khan hiếm dần trở thành món ăn của những gia đình quyền thế giàu có. Thời đó, có thể nói, người ăn không phải đang thưởng thức hương vị mà đang thưởng thức địa vị và quyền lực.  

Vị thế bào ngư càng được đẩy lên cao khi người Trung Quốc xưa coi bào ngư là đại diện của đại phú đại quý, Đông y thì cho rằng, bào ngư có tác dụng "dưỡng âm" rất hiệu quả.

Cho đến nay, bào ngư đã trở thành biểu tượng của văn hóa ẩm thực của giới thượng lưu Trung Quốc.

Theo An An

Thể thao & văn hóa

Trở lên trên