MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Vàng trắng" hồi sinh, người trồng kiếm tiền tỉ

31-12-2021 - 10:41 AM | Thị trường

"Vàng trắng" hồi sinh, người trồng kiếm tiền tỉ

Năm nay, mủ cao su trúng giá, thời bĩ cực của loại cây công nghiệp từng được mệnh danh là "vàng trắng" này dường như đã qua

Gắn bó hơn 30 năm với cây cao su , ông Cần (ngụ tỉnh Bình Phước), cho biết năm nay mới thấy giá mủ cao su tăng (350 đồng/độ mủ, tương đương khoảng 36.000 đồng/kg cao su khô) và có lời nhiều. Tháng 10 vừa qua, sau khi thu hoạch cao su đến tuổi khai thác gỗ, ông lại tiếp tục trồng mới. Tổng cộng gia đình ông có hơn 20 ha cao su chờ khai thác.

Còn ông Đặng Dương Minh Hoàng, chủ trang trại Thiên Nông (tỉnh Bình Phước) có 30 ha trồng cao su đang khai thác đã đem lại thu nhập 2,4 tỉ đồng (hơn 50% là lợi nhuận), tăng 400 triệu đồng so với năm ngoái nhờ giá mủ tăng và sản lượng tăng.

Vàng trắng hồi sinh, người trồng kiếm tiền tỉ - Ảnh 1.

Ngành cao su năm nay trúng giá, được mùa

"Những năm 2011-2012, cao su được gọi là "vàng trắng", rất nhiều nông dân trở thành tỉ phú nhưng giai đoạn 2017- 2018 giá mủ xuống thấp kỷ lục, tiền bán mủ không bằng tiền công khai thác nên nhiều chủ vườn bỏ luôn. Từ 2019 đến nay, giá mủ cao su tăng đều, người trồng rất khỏe vì đây là cây rừng, không tốn công chăm sóc mà có tiền thu vào hằng ngày.

Năm nay, trang trại Thiên Nông thử nghiệm dùng thiết bị bay không người lái (drone) để trị bệnh phấn trắng cho cây cao su, giúp tăng lượng mủ khai thác được. Từ sự thành công này, một số trang trại lân cận cũng có kế hoạch áp dụng, nhất là thời điểm cao su đang được giá như hiện nay. Tôi nghĩ cây cao su hiện vẫn có nhiều lợi thế khi giá mủ và gỗ đều cao, không cần nhiều công chăm sóc và áp lực tiêu thụ như cây ăn quả" – ông Hoàng nhận xét.

Vàng trắng hồi sinh, người trồng kiếm tiền tỉ - Ảnh 2.

Ứng dụng drone trên cây cao su

Các doanh nghiệp cao su cũng có một năm thành công dù gặp nhiều thách thức bởi Covid-19. Năm 2021 chưa kết thúc nhưng Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) đã thông báo kết quả sản xuất - kinh doanh với hầu hết các chỉ tiêu cốt lõi đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Tính đến ngày 15-12, toàn tập đoàn đã khai thác được 377.722,6 tấn mủ cao su (đạt 100% kế hoạch), về đích sản lượng trước 16 ngày, là năm VRG hoàn thành kế hoạch sớm nhất trong vài năm trở lại đây. Năm 2021, VRG đã tiêu thụ hơn 450.000 tấn cao su, giá bán bình quân cao hơn 27% so với năm 2020.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu cao su cả năm 2021 đạt giá trị 3,313 tỉ USD, sản lượng 1,975 triệu tấn, tăng 39% về giá trị và tăng 12,86% về sản lượng. Trước tình hình lạc quan của thị trường cao su, bộ đã đưa ra kế hoạch xuất khẩu 3,5 tỉ USD cho ngành trong năm 2022.

Về xu hướng giá của cao su trong năm 2022, nhiều dự báo cho biết quý I sẽ đi ngang với mức giá 2,4 USD/kg và bật tăng lên mức 3,8 USD/kg vào nửa cuối năm 2022 do nhu cầu tăng cao. Trong khi đó, sản lượng cao su toàn cầu giảm do diện tích giảm và yếu tố biến đổi khí hậu.

Theo Ngọc Ánh - Ảnh: An Na

Người lao động

Trở lên trên