MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vàng xuất xứ từ Nga trị giá hàng tỷ USD lặng lẽ đổi chủ cùng với xung đột ở Ukraine

22-12-2022 - 08:55 AM | Tài chính quốc tế

Nằm bên trong các hầm ngân hàng an ninh cao ở London, Zurich và New York, một số lượng vàng có nguồn gốc từ Nga trị giá hàng tỷ USD đã lặng lẽ đổi chủ trong những tháng gần đây sau cuộc xung đột ở Ukraine.

Theo hãng tin Reuters ngày 21/12, dữ liệu từ 11 quỹ đầu tư phương Tây cho thấy số vàng thỏi Nga trị giá tổng cộng 2,2 tỷ USD theo giá hiện tại đã bị đưa ra khỏi tài khoản của các quỹ trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 11.

Các quỹ lưu trữ vàng đã bị thu hẹp trong những tháng gần đây do lãi suất tăng khiến hoạt động đầu tư vào vàng thỏi bị giảm bớt. Nhưng dữ liệu do Reuters tổng hợp cho thấy vàng Nga bị đưa ra khỏi các tài khoản với tốc độ nhanh hơn đáng kể so với vàng của các quốc gia khác.

Mặc dù các nhà quản lý tài sản chỉ nắm giữ một phần nhỏ trong tổng số vàng Nga, nhưng điều này cho thấy có sự thay đổi. Một số quỹ cho biết họ không còn muốn nắm giữ tài sản nào liên quan đến Nga.

Hai nguồn tin tại các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) sở hữu hàng trăm tấn vàng cho biết họ muốn thoái vốn khỏi vàng có nguồn gốc Nga. Một người nói rằng đã yêu cầu ngân hàng đang lưu trữ vàng của quỹ mình phân bổ càng ít vàng Nga càng tốt.

Các quỹ ETF thuộc những quỹ nắm giữ vàng thỏi nhiều nhất và nhiều quỹ công bố công khai số vàng mà họ sở hữu. Điều này có nghĩa là các nhà đầu tư có thể biết liệu họ có vàng Nga hay không vì mỗi thỏi vàng đều được đóng dấu xuất xứ.

Sau khi Nga đưa quân vào Ukraine, các ngân hàng đã từ chối yêu cầu từ các quỹ về loại bỏ vàng Nga, vì lo ngại bán tháo sẽ làm gián đoạn thị trường.

Một giám đốc điều hành tại một trong những ngân hàng lưu trữ vàng cho các quỹ ETF nói: “Chúng tôi không muốn xảy ra tình trạng bán tháo toàn bộ vàng Nga. Việc này được thực hiện theo từng giai đoạn có kiểm soát mà vẫn kinh doanh như bình thường”.

Các quỹ không phải bán số vàng nắm giữ của mình vì vàng được sản xuất ở Nga trước ngày 7/3 không nằm trong lệnh trừng phạt của phương Tây, trừ khi vàng thuộc sở hữu của một cá nhân hoặc công ty Nga bị trừng phạt.

Nhưng các biện pháp trừng phạt ngăn cản các quỹ nắm giữ vàng mới từ Nga. Nga là một trong những nhà sản xuất vàng lớn nhất thế giới, khai thác khoảng 330 tấn mỗi năm, trị giá 19 tỷ USD theo giá hiện hành.

Các chủ ngân hàng cho biết số vàng Nga bị đưa ra khỏi các quỹ như vậy thường được giao lại cho các chủ sở hữu khác ở cùng địa điểm. Nhưng một số lượng vàng đã được chuyển đến châu Á, nơi nhu cầu tăng mạnh trong những tháng gần đây.

Vàng xuất xứ từ Nga trị giá hàng tỷ USD lặng lẽ đổi chủ cùng với xung đột ở Ukraine - Ảnh 1.

Vàng được trưng bày tại nhà máy Shchyolkovo của Tập đoàn kim loại quý Yuzhuralzoloto, Nga ngày 8/11/2021. Ảnh: TASS/TTXVN

Lượng vàng cất giữ trong các hầm ở London do Hiệp hội Thị trường Vàng thỏi London (LBMA) theo dõi đã giảm 468 tấn, tương đương 5%, trong 11 tháng đầu năm. Dữ liệu hải quan của Anh và Thụy Sĩ cho thấy số lượng lớn vàng đã đến Trung Quốc, Ấn Độ và các nước khác ở châu Á và Trung Đông.

Vào cuối tháng 11, các quỹ ETF nắm giữ gần 2.300 tấn vàng trị giá 130 tỷ USD, được cất giữ ở London, Zurich và New York, chiếm khoảng 2/3 tổng số vàng của các quỹ ETF trên toàn cầu.

Hầu hết lượng vàng do các quỹ ETF nắm giữ do JP Morgan, HSBC và ICBC Standard quản lý.

ICBC Standard là ngân hàng nhỏ nhất, nắm giữ khoảng 100 tấn vàng cho 11 quỹ và đã giảm 47% lượng vàng Nga trong các quỹ đó, đồng thời tăng lượng vàng không phải xuất xứ Nga lên 16% kể từ giữa tháng 7.

HSBC, dự trữ khoảng 1.100 tấn vàng cho các quỹ, đã giảm 20% số vàng Nga trong tài khoản kể từ tháng 7 và 10% số vàng không phải xuất xứ Nga.

JP Morgan, dự trữ khoảng 1.050 tấn vàng cho các quỹ, đã cắt giảm 13% vàng Nga và 9% vàng không phải xuất xứ Nga.

Trong số các quỹ, 8 quỹ đã cắt giảm tỷ lệ vàng Nga trong kho dự trữ kể từ tháng 7, còn hai quỹ do Amundi và WisdomTree điều hành đã cắt giảm toàn bộ lượng vàng Nga của mình.

Kể từ tháng 7, tổng lượng vàng Nga trong 11 quỹ đã giảm 19%, trong khi vàng không phải xuất xứ Nga giảm 9%.

Vào cuối tháng 11, 7% lượng vàng thỏi trong 11 quỹ là vàng Nga, giảm từ 7,8% vào giữa tháng 7.

Tuy nhiên, hai quỹ lớn nhất, iShares Gold Trust của BlackRock và SPDR Gold Shares của Hội đồng Vàng Thế giới, lại tăng nắm giữ vàng Nga.

Các chuyên gia nhận định động thái bán bớt vàng Nga của một số quỹ ETF càng làm phân mảnh thị trường mà trước nay vốn coi tất cả các loại vàng như nhau.

Theo Thùy Dương

Báo tin tức

Trở lên trên