MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vào nhóm Zalo của một phụ nữ vì tò mò, người đàn ông ở Hà Nội bị lừa 16 tỷ dù đã cảnh giác

14-10-2023 - 15:30 PM | Sống

Các đối tượng xấu luôn tìm mọi cách để “tinh vi hóa”, “hiện đại hóa” hành vi lừa đảo của mình, chính vì vậy, các thủ đoạn mới sẽ luôn xuất hiện liên tiếp chỉ trong thời gian ngắn.

Cảnh giác nhưng vẫn bị lừa

Mới đây, Công an thành phố Hà Nội đưa ra cảnh báo thủ đoạn lừa đảo khi tham gia các qũy đầu tư tài chính MBK, Carlyle, DF, các quỹ đầu tư vàng, dầu thô, chứng khoán...

Theo đó vào đầu tháng 10/2023, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao CATP Hà Nội nhận được đơn trình báo của nhiều nạn nhân bị chiếm đoạt tài sản khi tham gia đầu tư chứng khoán qua “Quỹ đầu tư SeQuoia VN”. Đáng chú ý có nạn nhân bị lừa gần 16 tỷ đồng.

Tò mò vào nhóm Zalo của 1 phụ nữ, người đàn ông bị lừa 16 tỷ đồng, cảnh báo những thủ đoạn lừa đảo ngày càng "hiện đại hóa" - Ảnh 1.

Thời gian qua Công an TP Hà Nội đã cảnh báo thủ đoạn lừa đảo khi tham gia các qũy đầu tư tài chính. Tuy nhiên liên tục thêm nhiều nạn nhân bị mắc bẫy và số tiền bị chiếm đoạt ngày càng lớn.

Thường xuyên đọc báo và sử dụng mạng xã hội, anh H (trú tại Hà Nội) đã từng nghe và đọc các cảnh báo của cơ quan Công an về việc bị lừa đảo khi tham gia các quỹ đầu tư tài chính, vàng, dầu thô,... Chính vì vậy khi nhận được điện thoại lạ của một người phụ nữ mời tham gia quỹ đầu tư chứng khoán anh đã từ chối không tham gia. Tuy nhiên, bạn nữ đề nghị kết bạn qua Zalo và sau đó mời vào nhóm Zalo “Chia sẻ giao lưu Quỹ SeQuoia Capital VN”.

Vì tò mò đọc tin nhắn trong nhóm và theo dõi thấy các mã chứng khoán được tư vấn tăng tốt, hiệu quả nên anh H đã tham gia. Anh được hướng dẫn cài app “Smart SQV” mở tài khoản và nạp tiền chơi cổ phiếu. Số tiền anh H. đã đầu tư mua mã chứng khoán là 14 tỷ đồng và giá trị sau khi tăng “ảo” là hơn 30 tỷ đồng. Sau đó, anh H nhận được các thông báo tạm dừng, từ chối mua tiếp, hoàn thành các thủ tục để rút tiền về. Để rút được tiền anh H. phải chuyển tiền phí quản lý lợi nhuận là 1,6 tỷ đồng và thuế thu nhập cá nhân là 332 triệu đồng. Sau khi nộp xong, anh H không liên lạc được với qũy đầu tư chứng khoán trên. Lúc này anh mới biết mình bị lừa và đến cơ quan Công an trình báo.

Tương tự trường hợp của anh H., anh A cũng được một tài khoản mạng Zalo mời “dụ dỗ” anh đầu tư qua Quỹ đầu tư SeQuoia VN. Anh A. đã giao dịch với tổng số tiền 1,4 tỷ đồng nhưng khi bán mã cổ phiếu đã mua thì nhận được thông báo: “Đóng băng vị thế!”, không bán được. Các đối tượng tiếp tục níu kéo anh A. bằng cách thông báo đợi thêm. Thấy có dấu hiệu lừa đảo, anh A. đã đến cơ quan Công an trình báo.

Tò mò vào nhóm Zalo của 1 phụ nữ, người đàn ông bị lừa 16 tỷ đồng, cảnh báo những thủ đoạn lừa đảo ngày càng "hiện đại hóa" - Ảnh 2.

Nhiều người dù đã rất cảnh giác tuy nhiên vẫn không tránh khỏi bẫy lừa đảo tinh vi thời công nghệ 4.0.

Chuyện không của riêng ai

Sự phát triển của khoa học - công nghệ, nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã mang lại cho con người vô vàn tiện ích nhưng cũng kéo theo những nguy hiểm rình rập mọi lúc, mọi nơi, nhất là cạm bẫy lừa đảo qua mạng internet. Mặc dù các cơ quan chức năng liên tiếp phát đi những cảnh báo về loại tội phạm này nhưng số lượng nạn nhân vẫn tăng từng ngày. Vậy đâu là nguyên nhân của vấn nạn này?

Theo ghi nhận của Cục An toàn thông tin, trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái; tăng 37,82 % so với 6 tháng cuối năm 2022. Tháng 7/2023, Bộ Công an và Cục An toàn thông tin đã phát đi cảnh báo về 24 hình thức lừa đảo trên không gian mạng. Trong đó đã có những hình thức liên tục được cơ quan chức năng liên tục cảnh báo đến người dân nhưng vẫn có trường hợp sập bẫy.

Lừa đảo thời kỳ công nghệ 4.0: Chuyện không chỉ của riêng ai - Ảnh 1.

Lừa đảo thông qua cuộc gọi video là 1 trong những hình thức lừa đảo khiến nhiều người sập bẫy.

So với thời điểm trước dịch Covid-19, rất nhiều thủ đoạn mới đã được cập nhật như: Cuộc gọi video deepfake, deepvoice;… Tuy nhiên, đây chỉ là những thủ đoạn phổ biến và đến thời điểm hiện tại đã xảy ra, nạn nhân đã trình báo. Quy luật của tội phạm là luôn tìm mọi cách để “tinh vi hóa”, “hiện đại hóa” hành vi của mình, chính vì vậy, các thủ đoạn mới sẽ lại xuất hiện chỉ trong một thời gian ngắn.

Có thể thấy, trong bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin, khi người người, nhà nhà đều có mạng internet, có điện thoại, mà phần lớn là điện thoại thông minh, có tài khoản mạng xã hội (facebook, zalo, instagram…), tài khoản ngân hàng trực tuyến… thì những mối nguy hiểm từ các hành vi lừa đảo luôn rình rập mọi lúc, mọi nơi.

Các đối tượng sử dụng mọi danh nghĩa, từ cơ quan nhà nước (công an, viện kiểm sát, tòa án…), nhân viên y tế, ngân hàng đến “chuyên gia” mạng, chuyên gia “tài chính”, chuyên gia “tình cảm”… để tạo niềm tin cho nạn nhân. Giữa ma trận các danh nghĩa như vậy, người dân nhiều khi không biết đâu là thật, đâu là giả và không biết mình trở thành nạn nhân lúc nào.

Mối nguy hiểm này không chỉ dừng lại ở nội dung giả mạo mà còn ở việc tần suất, mức độ làm phiền của các cuộc gọi, tin ngắn ngày một gia tăng. Không có gì lạ nếu một ngày bạn có thể nhận đến hàng chục cuộc gọi, tin nhắn điện thoại, lời mời kết bạn trên mạng xã hội, không chỉ trong giờ hành chính mà cả ngoài giờ, thậm chí nửa đêm. Sự quấy rầy này làm cho những người được coi là “tỉnh táo” trước các “cám dỗ” nhiều khi cũng thấy phát bực và rất mệt mỏi.

Lừa đảo thời kỳ công nghệ 4.0: Chuyện không chỉ của riêng ai - Ảnh 2.

Tại sao bạn trở thành nạn nhân?

Rất nhiều nạn nhân khi biết bị lừa, bị mất khoản tiền lớn thường có tâm lý than thân trách phận và mong ước có thời gian có thể quay trở lại. Một số đổ lỗi cho cơ quan chức năng, các bên liên quan như nhà mạng, ngân hàng, công an… chưa làm tròn chức trách nhiệm vụ của mình.

Tuy nhiên khách quan mà nói, các cơ quan này cũng đã vào cuộc tích cực để phòng ngừa, hạn chế, đấu tranh xử lý các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thông qua các kênh truyền thông, cơ quan chức năng liên tục phát đi cảnh báo về các phương thức, thủ đoạn lừa đảo và cách phòng tránh. Cùng với đó các nhà mạng viễn thông cũng đẩy nhanh quá trình chuẩn hóa thông tin, định danh chính chủ các thuê bao, các ngân hàng hàng thiện quy trình nhận diện khách hàng… để hạn chế tối đa trình trạng lừa đảo. Vậy đâu là nguyên nhân khiến các vụ việc lừa đảo với số thiệt hại rất lớn vẫn tiếp tục diễn ra.

Nguyên nhân căn bản vẫn là xuất phát từ sự thiếu hiểu biết, xuất phát từ phía các nạn nhân. Một số người mặc dù được tiếp nhận các cảnh báo từ cơ quan chức năng nhưng có tâm lý thời ơ, cho rằng người khác mới bị lừa, còn mình khó trở thành nạn nhân. Tâm lý chủ quan này xuất hiện ở giới trẻ rất nhiều - những người được cho là có kinh nghiệm sống lẫn hiểu biết về kiến thức pháp luật. Tuy nhiên những đối tượng lừa đảo đánh vào tâm lý muốn kiếm tiền, làm giàu nhanh,... từ đó dụ dỗ họ tham gia vào các nhóm đầu tư tài chính hay những công việc online lợi nhuận cao.

Tò mò vào nhóm Zalo của 1 phụ nữ, người đàn ông bị lừa 16 tỷ đồng, cảnh báo những thủ đoạn lừa đảo ngày càng "hiện đại hóa" - Ảnh 5.

Ngoài ra, một số người cũng muốn có được thu nhập chủ động, ít phụ thuộc vào người khác như các cụ hưu trí cũng đã thành nạn nhân của các chiêu trò lừa đảo. Một trong những nạn nhân cũng khá phổ biến nữa đó là người dân sống ở vùng nông thôn, hạn chế về thông tin, hạn chế về kiến thức sử dụng internet, cũng dễ dàng trở thành mục tiêu của các đối tượng lừa đảo.

Công nghệ 4.0 cần có "kiến thức 4.0"

Rõ ràng từ nguyên nhân căn bản trên đây, chúng ta phải thừa nhận: Sự phát triển của công nghệ cần đi kèm các tri thức, sự hiểu biết tương ứng. Nếu các cá nhân tham gia vào môi trường internet nhưng thiếu những hiểu biết cơ bản về môi trường này thì rất dễ trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo. Các kiến thức kỹ năng cần có cũng đã được các cơ quan chức năng tuyên truyền, phổ biến rất nhiều như: Không truy cập vào đường link “lạ” trên mạng xã hội, không nghe tư vấn về công việc online, các cơ hội đầu tư “chắc chắn sinh lời”… tất cả các cảnh báo này hướng tới một điểm chung dễ hiểu, đó là, người dùng mạng hãy luôn tỉnh táo trước những cơ hội kiếm tiền dễ dàng trên mạng, vì miếng phô mai chỉ có trong “bẫy chuột” mà thôi. Đây là kiến thức cơ bản nhất mà mọi người cần ghi nhớ trước khi bước chân vào môi trường đầy cám dỗ - mạng internet.

Lừa đảo qua mạng internet vẫn sẽ còn diễn biến phức tạp với nhiều phương thức thủ đoạn mới, tinh vi. Người dùng mạng internet hãy luôn tỉnh táo trước khi nhấp chuột hoặc click “OK” khi nghe một cuộc gọi, đừng nghĩ nạn nhân ở đâu đó ngoài xã hội mà không phải là mình!

Theo Hạ Vũ

Phụ Nữ Số

Trở lên trên