VASEP: Doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang Đức cần lưu ý kiểm soát chặt dư lượng Chlorate
Để giảm thiểu rủi ro trong hoạt động xuất khẩu sang thị trường Đức, VASEP đề nghị các doanh nghiệp thủy sản, trong đó có doanh nghiệp xuất khẩu cá tra thực hiện tốt các yêu cầu của NAFIQAD như kiểm soát Chlorin dư không quá 1 mg/L, chủ động có kế hoạch lấy mẫu kiểm nghiệm thẩm tra dư lượng Chlorate đối với bán thành phẩm, thành phẩm...
- 05-11-2019Ôtô giảm giá 200-300 triệu đồng không còn là chuyện hiếm
- 05-11-2019Giám sát chặt kho nhôm Trung Quốc khổng lồ ở Vũng Tàu
- 04-11-2019Mazda 3 thế hệ mới chính thức ra mắt giá cao nhất 939 triệu đồng
Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết, hiện Đức đang thắt chặt việc kiểm soát dư lượng Chlorate trong sản phẩm cá tra nhập khẩu nhằm đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng. Hệ thống cảnh báo nhanh (RASFF) của Tổng vụ Sức khỏe và An toàn thực phẩm - Ủy ban Châu Âu cũng đã đưa ra cảnh báo về các lô hàng nhập khẩu có liên quan tới dư lượng Chlorate.
Chlorate (ClO₃) là muối của axit chloric, có nguồn gốc từ hóa chất khử trùng chlorine được sử dụng phổ biến trong xử lý nước dùng trong chế biến thực phẩm và nước ăn uống. Từ năm 2008, Ủy ban Châu Âu đã ban hành quy định (EC) số 2008/865/EC theo đó, các sản phẩm bảo vệ thực vật có chứa Chlorate bị đưa ra khỏi danh sách được phép sử dụng.
Hiện nay, EC không quy định mức dư lượng tối đa (MRL) cho Chlorate theo quy định (EC) số 396/2005. Tuy nhiên, mức MRL mặc định đối với các thuốc bảo vệ thực vật mà không quy định MRL được áp dụng ở mức mặc định là 0,01 mg/kg. Mặt khác, Cơ quan An toàn thực phẩm EU (EFSA) đã thực hiện và có báo cáo năm 2018 đánh giá rủi ro đối với sức khỏe cộng đồng về tồn dư chlorate trong thực phẩm kết luận: "Mức dư lượng Chlorate trong nước ăn uống và trong thực phẩm được phát hiện quá cao và có thể gây ảnh hưởng đến việc hấp thụ iodine đặc biệt đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ"
Nhằm kiểm soát dư lượng Chlorate trong sản xuất, chế biến thủy sản xuất khẩu vào EU và tránh các trường hợp cảnh báo, giảm thiểu rủi ro trong thời gian tới, ngày 29/10/2019, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (NAFIQAD) đã gửi công văn tới các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản vào thị trường EU yêu cầu các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu vào EU thực hiện nghiêm túc kiểm soát Chlorin dư không quá 1 mg/L; kiểm soát dư lượng Chlorate không quá 0,7 mg/L đối với nước chế biến thủy sản xuất khẩu vào EU theo Hướng dẫn đối với chất lượng nước uống của Tổ chức Y tế Thế giới.
Thực hiện rà soát chương trình quản lý chất lượng, nhận diện mối nguy Chlorate để kiểm soát mối nguy trong sản phẩm xuất khẩu vào EU (SOP về kiểm soát ATTP nước chế biến; SSOP về vệ sinh khử trùng các bề mặt tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm; thực tế hoạt động kiểm soát dư lượng tồn dư của Chlorin, Chlorate trong nước, nước đá dùng chế biến, nước dùng mạ băng; nước dùng trong vệ sinh,…). Chủ động có kế hoạch lấy mẫu kiểm nghiệm thẩm tra dư lượng Chlorate đối với bán thành phẩm, thành phẩm.
9 tháng đầu năm 2019, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Đức đạt 22,9 triệu USD, tăng 32,5% so với cùng kỳ năm trước. Riêng tháng 9/2019, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này đạt 1,66 triệu USD, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm 2018. Hiện nay Đức là thị trường xuất khẩu cá tra lớn thứ 3 (sau Hà Lan và Anh) tại EU. Đây cũng là thị trường có mức tăng trưởng xuất khẩu cao nhất trong 9 tháng đầu năm nay tại thị trường EU.
Trong 9 tháng đầu năm 2019, có hơn 15 doanh nghiệp Việt Nam tham gia xuất khẩu cá tra sang thị trường Đức. Sản phẩm xuất khẩu sang thị trường này cũng khá đa dạng như: cá tra cắt khúc đông lạnh (HS 030324); da cá tra đông lạnh (HS 030399); cá tra phile đông lạnh (HS 030462); phile cá tra organic (loin lưng) đông lạnh (thuộc HS 030462)...
Để giảm thiểu rủi ro trong hoạt động xuất khẩu sang thị trường Đức, VASEP đề nghị các doanh nghiệp thủy sản, trong đó có doanh nghiệp xuất khẩu cá tra thực hiện tốt các yêu cầu của NAFIQAD tại công văn mà cơ quan này đã gửi vào cuối tháng 10/2019 qua.
Tài chính Plus