Ngành vật liệu xây dựng lại "cầu cứu" Thủ tướng
Theo Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2013, ngành công nghiệp vật liệu xây dựng vẫn chưa thoát khỏi những khó khăn cố hữu của năm 2012.
Trong kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Xây dựng ngày 1-8, Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho rằng: Sản xuất, tiêu thụ sản phẩm vật liệu xây dựng vẫn ở mức thấp, tồn kho lớn, sản xuất bị ngừng trệ, chỉ khai thác được khoảng 50–80% công suất thiết kế. Nhiều doanh nghiệp phải sản xuất cầm chừng hoặc dừng sản xuất, công nhân mất việc làm ngày càng tăng.
Theo Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, từ nay đến năm 2018, năng lực sản xuất vật liệu xây dựng còn vượt nhu cầu sử dụng trong nước từ 20–30%. Do đó đẩy mạnh xuất khẩu là biện pháp quan trọng. Cụ thể xuất khẩu xi măng từ 10–15 triệu tấn, gạch ốp lát ceramic, granit 120–130 triệu m2, sứ vệ sinh 3–4 triệu sản phẩm, kính xây dựng 40–50 triệu m2, đá ốp lát 5–6 triệu m2… đưa kim ngạch xuất khẩu lên trên 2 tỷ USD.
"Các hiệp hội ngành nghề vật liệu xây dựng nên chủ động xây dựng mạng lưới, chủ động tổ chức cho các doanh nghiệp hợp tác xuất khẩu đi vào các thị trường lớn, có tiềm năng lâu dài, chấm dứt tình trạng tranh mua, tranh bán, cạnh tranh không lành mạnh, làm thiệt hại sản xuất, kinh doanh" - bản kiến nghị của Hội Vật liệu xây dựng nhìn nhận.
Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt hơn nữa để đưa Nghị quyết số 01/NQ-CP và 02/NQ-CP của Chính phủ sớm đi vào cuộc sống. Ngân hàng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sớm tiếp cận được tín dụng với lãi suất thấp nhằm đưa hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại nhịp độ bình thường. Đặc biệt phục hồi đầu tư công, khơi thông thị trường bất động sản, phát triển xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật… để tạo điều kiện tăng thêm đầu ra cho ngành vật liệu xây dựng.
Ngoài ra, đẩy mạnh phong trào “Công trình xây dựng ở Việt Nam sử dụng vật liệu xây dựng Việt Nam sản xuất”; tạo điều kiện khai thác hết năng lực sản xuất trong nước, tiết kiệm được kim ngạch nhập khẩu vật liệu xây dựng hàng tỷ USD mỗi năm.
Hội Vật liệu xây dựng kiến nghị: "Có chế tài bắt buộc các công trình có vốn Nhà nước, nhà ở xã hội, nhà ở đền bù giải phóng mặt bằng phải dùng vật liệu xây dựng trong nước sản xuất. Các công ty tư vấn, thiết kế, các nhà thầu xây dựng không sử dụng vật liệu xây dựng nhập ngoại vào công trình, trừ loại vật liệu xây dựng trong nước không sản xuất được".
Bên cạnh đó, Nhà nước cần sớm nghiên cứu ban hành chính sách “phòng vệ thương mại”, chống bán phá giá và cạnh tranh không lành mạnh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh sòng phẳng với doanh nghiệp nước ngoài.
Theo Lương Bằng