Vật thể nào sáng nhất vũ trụ?
Gần đây, đội ngũ các nhà thiên văn học quốc tế sử dụng Kính thiên văn lớn ở Chile của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) đã quan sát được vật thể sáng nhất trong vũ trụ.
- 25-02-2024Du học sinh Việt trải nghiệm vùng lạnh giá bậc nhất Trung Quốc: Đến hít thở cũng khó khăn, điện thoại “sập nguồn” vì quá lạnh nhưng mọi thứ ấn tượng rất sâu sắc
- 24-02-2024Tập đoàn Berkshire Hathaway của huyền thoại Warren Buffett công bố lợi nhuận quý 4 tăng mạnh, ‘núi’ tiền mặt lập kỷ lục mới
Điều thú vị trong thiên văn học hiện nay là các kỷ lục luôn được phá vỡ và lập lại một cách thường xuyên. Chỉ trong 2 tháng năm 2023, chúng ta đã ghi nhận những kỷ lục mới về hố đen xa nhất từng quan sát được hay vụ nổ siêu tân tinh sáng nhất và tia gamma năng lượng cao nhất từ Mặt trời. Gần đây, đội ngũ các nhà thiên văn học quốc tế sử dụng Kính thiên văn lớn ở Chile của Cơ quan Vũ trụ châu Âu đã quan sát được vật thể sáng nhất trong vũ trụ. Đó là một chuẩn tinh có tên là J0529-4351, nằm cách đây 12 tỷ năm ánh sáng có hố đen siêu nặng phát triển nhanh nhất ở trung tâm.
Được quan sát lần đầu tiên vào năm 1963 bởi nhà khoa học Mỹ gốc Hà Lan Maarten Schmidt, các chuẩn tinh là phần lõi sáng của thiên hà với năng lượng từ các hố đen siêu nặng. Các chuẩn tinh sáng đến nỗi lõi của chúng sẽ chiếu sáng tất cả những ngôi sao trong đĩa, khiến cho chúng trở thành những vật thể sáng nhất bầu trời và có thể thấy ở khoảng cách hàng tỷ năm ánh sáng.
Theo một quy tắc chung, các nhà thiên văn học tính toán tỷ lệ phát triển của các hố đen siêu nặng dựa trên sự phát sáng của khu vực trung tâm thiên hà, theo đó, các chuẩn tinh càng sáng thì hố đen bồi tụ vật chất càng nhanh. Trong trường hợp này, hố đen siêu nặng ở trung tâm J0529-4351 đang phát triển tương đương một khối lượng Mặt trời mỗi ngày, khiến cho nó trở thành hố đen phát triển nhanh nhất từng quan sát được. Trong quá trình này, chỉ riêng đĩa bồi tụ đã giải phóng năng lượng phóng xạ là 2 x 10^41 Watt, sáng hơn 500 nghìn tỷ lần Mặt trời.
Christian Wolf, một nhà thiên văn học của Đại học Quốc gia Australia và là chủ nhiệm nghiên cứu cho biết: "Chúng tôi đã phát hiện ra hố đen phát triển nhanh nhất từ trước đến nay. Nó có khối lượng gấp 17 tỷ lần Mặt trời và ăn một Mặt trời mỗi ngày".
Đồng tác giả nghiên cứu Samuel Lai cũng thuộc Đại học Quốc gia Australia cho rằng: "Tất cả ánh sáng đến từ một đĩa bồi tụ có đường kính 7 năm ánh sáng, đây hẳn là đĩa bồi tụ lớn nhất vũ trụ".
"Điều bất ngờ là cho đến nay chúng tôi mới phát hiện ra chuẩn tinh này trong khi chúng tôi đã biết về hàng triệu chuẩn tinh khác ít ấn tượng hơn. Nó đã xuất hiện lồ lộ mà không ai hay", đồng tác giả nghiên cứu Christopher Onken, một nhà thiên văn học tại Đại học Quốc gia Australia nói.
VOV