MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

VCBS: Còn quá sớm để lo ngại về khả năng xảy ra một 'siêu chu kỳ hàng hóa' gây áp lực lên lạm phát?

VCBS: Còn quá sớm để lo ngại về khả năng xảy ra một 'siêu chu kỳ hàng hóa' gây áp lực lên lạm phát?

Mới đây, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đã công bố một báo cáo về triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam cho cả năm 2021.

Mới đây, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đã công bố một báo cáo về triển vọng phát triển kinh tế cho cả năm 2021.

Về tăng trưởng kinh tế, VCBS cho rằng, việc duy trì sự ổn định trong các chỉ báo kinh tế vĩ mô đã đang và sẽ là mục tiêu của Chính phủ. Theo đó, thành công của Việt Nam trong các năm trở lại đây là đảm bảo sự ổn định kinh tế vĩ mô, tạo sức hấp dẫn đối với dòng vốn đầu tư quốc tế nhằm sử dụng nguồn lực đầu tư đẩy mạnh sản xuất nâng cao thu nhập bình quân đầu người và thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Bên cạnh đó, trong năm 2021, Việt Nam đang được hưởng lợi từ 2 dòng xu hướng. Đầu tiên là sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia châu Á. Thứ hai, các Hiệp định thương mại tự do được ký kết. Tuy vậy, điều kiện tiên quyết để phát triển đó là phải kiểm soát dịch bệnh; phối hợp nhịp nhàng giữa chính sách tài khóa và tiền tệ; lấy đầu tư công thúc đẩy đầu tư tư nhân.

So sánh với các nước trong khu vực, Việt Nam vẫn là điểm sáng về tăng trưởng và kiểm soát tốt dịch bệnh. Một số quốc gia châu Á trong đó có điểm sáng Việt Nam thành công trong kiểm soát dịch bệnh và ghi nhận tăng trưởng dương. Nhưng bối cảnh dịch bệnh bùng lên ngoài tầm kiểm soát là rủi ro khiến khu vực châu Á bị tụt hậu lại phía sau trong nỗ lực chống dịch bao gồm cả tiếp cận vaccine.

Nửa đầu năm 2021, tăng trưởng GDP Việt Nam ước đạt 5,64%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 32,2%, trong đó nhập khẩu tăng nhanh và mạnh hơn giá trị xuất khẩu lần lượt ở mức tăng 36% và 28%. Cán cân thương mại thâm hụt 1,47 tỷ USD. Tổng mức bán lẻ & doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 4,9% so với cùng kỳ (loại trừ yếu tố giá tăng 3,55%).

VCBS: Còn quá sớm để lo ngại về khả năng xảy ra một siêu chu kỳ hàng hóa gây áp lực lên lạm phát? - Ảnh 1.

Theo phân tích của VCBS, tăng trưởng chi tiêu công có thể tạo tác động tích cực lên chi tiêu tiêu dùng và đầu tư tư nhân. Ngoài ra, mức tăng trưởng mạnh nhập khẩu các tư liệu sản xuất đặc biệt là các loại máy móc và nguyên liệu là cơ sở khẳng định cho mức tăng trưởng sản xuất trong các tháng cuối năm ngay khi dịch bệnh được kiểm soát thành công.

Về dịch vụ, mức độ hồi phục của ngành dịch vụ cũng như nhu cầu tiêu dùng hàng hóa phụ thuộc vào thời điểm và khả năng mở cửa trở lại của nền kinh tế đặc biệt là tại khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Trên cơ sở đó, các chuyên gia dự báo rằng, tăng trưởng GDP cả năm 2021 của Việt Nam sẽ đạt từ 6,3% - 6,7%.

Liên quan đến lạm phát, theo VCBS, mức tăng lạm phát còn phụ thuộc vào tốc độ mở cửa lại của nền kinh tế trước tác động của dịch Covid-19. Cụ thể, VCBS dự báo rằng, cầu tiền sẽ không tăng đột biến trong nửa cuối năm.

Bên cạnh đó, giá lương thực thực phẩm nội địa bình ổn khi Việt Nam đã có kinh nghiệm kiểm soát dịch tả lợn và thực hiện các hoạt động tái đàn. Ngoài ra, nỗ lực hỗ trợ phòng chống dịch vẫn được thể hiện xuyên suốt như hỗ trợ giảm giá điện cho một số đối tượng đến tháng 12/2021. Giá nước, y tế, giáo dục vẫn hoàn toàn nằm dưới sự điều hành của Chính phủ. Chính sách tiền tệ giảm thiểu tối đa các tác động của lạm phát tiền tệ.

Bên cạnh những thuận lợi, VCBS cũng đề cập đến một số áp lực tác động lên mức tăng của lạm phát. Cụ thể, nhu cầu mua sắm trước Lễ tết sẽ làm gia tăng áp lực lên lạm phát vào nửa cuối năm. Đặc biệt báo cáo nhấn mạnh đến giá nguyên vật liệu đang phải chịu áp lực tăng theo giá thế giới. Mặc dù vậy, hiện nay giá hàng hóa có dấu hiệu hạ nhiệt nhờ một số biện pháp và tăng cường giám sát của Chính phủ Trung Quốc.

Ngoài ra, lạm phát nhóm giao thông nhiều khả năng sẽ tăng khi hoạt động sản xuất – kinh doanh và nhu cầu di chuyển của người dân trở lại sau giãn cách xã hội và khi mức độ tiêm vaccine đã được phổ biến.

VCBS: Còn quá sớm để lo ngại về khả năng xảy ra một siêu chu kỳ hàng hóa gây áp lực lên lạm phát? - Ảnh 2.

Vì vậy, các chuyên gia của VCBS cho rằng còn quá sớm để lo ngại về khả năng xảy ra một "siêu chu kỳ hàng hóa" gây áp lực tăng lên lạm phát trong trung và dài hạn. Đồng thời, báo cáo cũng đưa ra dự báo lạm phát sẽ tăng từ 3,1%-3,4% trong năm 2021.

Đối với tỷ giá, VCBS dự báo tỷ giá trong năm 2021 sẽ giao động trong khoảng ± 0.5% khi NHNN còn nhiều dư địa và nguồn lực để đảm bảo ổn định tỷ giá. Bên cạnh đó, VCBS còn cho rằng, lãi suất huy động nhiều khả năng không giảm thêm nhằm đảm bảo lợi ích của người gửi tiền. Trong khi đó, mặt bằng lãi suất cho vay thấp hỗ trợ sự phục hồi của nền kinh tế vẫn là định hướng xuyên suốt của cơ quan quản lý.

Quỳnh Anh

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên