MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

VCCI đề xuất Chính phủ mở rộng gói hỗ trợ lên 250.000 tỷ

VCCI đề xuất Chính phủ mở rộng gói hỗ trợ lên 250.000 tỷ

Chủ tịch VCCI kiến nghị, các gói hỗ trợ duy trì và phục hồi kinh tế cần đủ lớn và kịp thời để nắm bắt được thời cơ phục hồi. Theo đó, Chính phủ có thể mở rộng các gói hỗ trợ đến 4% GDP, tương đương 250.000 tỷ đồng.

Sáng 26/9, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương để bàn về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh COVID-19.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Chính phủ luôn quan tâm, nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp và mong muốn thông qua hội nghị lần này có thêm nhiều hơn nữa những chính sách sát thực tế để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp hiệu quả hơn bởi doanh nghiệp có khỏe thì nền kinh tế mới mạnh.

Đầu tháng 9, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 105 hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh với nhiều điểm mới được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những khó khăn doanh nghiệp đang phải đối mặt, để thích ứng dần với tình hình dịch bệnh.

VCCI đề xuất Chính phủ mở rộng gói hỗ trợ lên 250.000 tỷ - Ảnh 1.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công. Ảnh: Diễn đàn doanh nghiệp

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI cho biết, trước thềm Hội nghị, VCCI đã nhận được 357 trang báo cáo, kiến nghị đến từ 132 hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp cả nước.

"Bức tranh chung của cộng đồng doanh nghiệp cho thấy đang có sự suy giảm mạnh của quy mô hoạt động và sự gia tăng mức độ ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ các lĩnh vực, các ngành nghề sản xuất kinh doanh. Đằng sau mỗi doanh nghiệp phải ngừng hoạt động là sự mất đi sinh kế, nguồn sống của người lao động và sự suy giảm của nền kinh tế", Chủ tịch VCCI cho biết.

Trong 4 tháng trở lại đây tổng cầu nền kinh tế suy giảm, sản xuất, giao thương đình trệ, chuỗi cung ứng đứt gãy, lao động mất việc làm, chi phí sản xuất, kinh doanh tăng vọt… nhiều đơn hàng bị mất, nhiều lĩnh vực kinh tế hoạt động dưới 60% công suất. "Tất cả các thành phần kinh tế, các ngành nghề đều bị ảnh hưởng tiêu cực, trong đó nghiêm trọng nhất là các lĩnh vực du lịch, chế biến thuỷ sản, giao thông vận tải", ông Công nói.

Cụ thể, chỉ có khoảng 30% số doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản tại các tỉnh thành phía Nam hiện còn hoạt động; có trên 50% số doanh nghiệp ngành Gỗ khu vực Đông Nam Bộ dừng sản xuất và đang đối diện nguy cơ phá sản;  Hiệp hội doanh nghiệp của các ngành hàng liên quan đến xuất khẩu và sử dụng nhiều lao động cho biết, chỉ có từ 15-20% các nhà máy sản xuất cầm chừng do theo được “3 tại chỗ”, còn lại đến 80-85% số nhà máy phải ngừng ngừng sản xuất.

Tình trạng người lao động mất việc làm do ảnh hưởng từ dịch bệnh phổ biến nhất ở các tỉnh Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh duyên hải miền Trung với lần lượt 95%, 93% và 92% doanh nghiệp đang hoạt động ở các vùng này báo cáo phải cho người lao động thôi việc.

Theo đó, để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thời gian tới, VCCI đề xuất 2 giải pháp quan trọng:

Thứ nhất, cần nhìn nhận các doanh nghiệp là một chủ thể trong ứng phó COVID-19, từ đó tin tưởng giao quyền và trang bị, nâng cao năng lực y tế tại chỗ cho các doanh nghiệp. Như trong thời chiến, chúng ta đã trang bị và thành lập các đội dân quân, tự vệ, nâng cao năng lực chiến đấu của cả nước. Trong cuộc chiến lâu dài chống COVID-19, chúng ta cần công nhận và cho doanh nghiệp chủ động tự xét nghiệm, tự điều trị các ca F0 nhẹ tuỳ theo khả năng, điều kiện của doanh nghiệp, Nhà nước chỉ cần hỗ trợ, hướng dẫn và ban hành các quy định, chính sách phù hợp.

Thứ hai, mặt trận kinh tế vững chắc là nền tảng cho chiến thắng trên mặt trận y tế, do vậy cần có chủ trương kiên quyết bảo vệ, hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn của doanh nghiệp trong điều kiện sống chung với dịch. Để làm được điều này cần có chủ trương, nhận thức và quyết tâm thống nhất trong toàn hệ thống chính trị và toàn xã hội.

VCCI cũng đề nghị Chính phủ xem xét đổi tên các “Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19” thành “BCĐ Phòng chống dịch COVID-19 và Phục hồi kinh tế” để cùng với nhiệm vụ chống dịch, việc duy trì sản xuất, phục hồi kinh tế được xác định như một nhiệm vụ quan trọng, cấp bách và cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp.

Đối với các chính sách hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp VCCI đề nghị Chính phủ khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện miễn, giảm các loại thuế, phí, tiền điện, nước và các biện pháp đã nêu trong Nghị quyết 105/NQ-CP. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tăng ít nhất 30% số lượng các thủ tục hành chính liên quan tới doanh nghiệp được thực hiện theo phương thức điện tử, không tiếp xúc; rút ngắn 1/3 các thời hạn quy định cho các thủ tục này.

Đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có những chính sách hỗ trợ mạnh hơn như nới hạn mức tín dụng; miễn giảm, vay ưu đãi lãi suất thấp, nâng hạn mức tài sản thế chấp để tăng giá trị vốn vay lưu động từ 70% lên mức cao hơn. Tăng cơ hội tiếp cận vốn cho khu vực DN nhỏ và vừa (DNNVV), DN siêu nhỏ, hộ kinh doanh... dưới hình thức các Quỹ bảo lãnh tín dụng, Quỹ hỗ trợ DNNVV... Tiếp tục giảm lãi suất cho vay, việc các ngân hàng vẫn có lợi nhuận lớn trong lúc các doanh nghiệp đình trệ sản xuất, kinh doanh là một chỉ dấu không lành mạnh của nền kinh tế và của mối quan hệ cộng sinh giữa ngân hàng và doanh nghiệp.

"Các gói hỗ trợ duy trì và phục hồi kinh tế cần đủ lớn và kịp thời để nắm bắt được thời cơ phục hồi. So sánh quy mô các gói hỗ trợ của Chính phủ một số nước trong khu vực năm 2020, như Thái Lan là 12,4%, Indonesia 5,4%, Philippines 3,6% GDP, thì với GDP ước tính năm 2020 của Việt Nam là gần 6,3 triệu tỷ, các gói hỗ trợ của Chính phủ có thể mở rộng đến 4% GDP, tương đương 250.000 tỷ", Chủ tịch VCCI kiến nghị.

Theo Đình Vũ

Nhà đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên