VDSC: Đà tăng của giá hàng hóa thế giới chưa sớm chấm dứt, cơ hội cho cổ phiếu dầu khí, thép, phân bón
VDSC cho rằng sẽ cần thời gian để kiểm định vùng 1.200 điểm nhưng những triển vọng tốt trong trung và dài hạn sẽ giúp thị trường duy trì xu hướng tích cực.
Trong báo cáo mới được công bố, CTCK Rồng Việt (VDSC) cho rằng sự biến động của thị trường chứng khoán toàn cầu có thể ảnh hưởng thị trường chứng khoán Việt Nam thông qua sự trở lại của lạm phát và đà tăng của lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm.
Nhiều thị trường chứng khoán bắt đầu điều chỉnh khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng hơn 16 điểm cơ bản lên mức 1,614% tính đến ngày 25/2 (mức cao nhất kể từ tháng 2/2020). Do đó, việc theo dõi hành động của các ngân hàng trung ương Mỹ là rất cần thiết để đánh giá diễn biến lợi suất trái phiếu chính phủ.
Bên cạnh đó, VDSC cho rằng hệ thống giao dịch bị quá tải là rào cản chính với đà tăng thị trường. Gần đây, việc đặt lệnh trên HOSE gặp nhiều khó khăn do lệnh bị treo khi giá trị giao dịch đạt khoảng 14.000 tỷ đồng. Điều này là một rào cản không nhỏ và có thể hạn chế đà tăng của chỉ số VN-Index khi các nhà đầu tư mới sẽ gặp khó khăn trong việc giao dịch.
Triển vọng lạc quan trong trung và dài hạn vẫn được duy trì, tích lũy cổ phiếu trong những phiên biến động mạnh là chiến lược ưu tiên
VDSC đánh giá môi trường lãi suất thấp vẫn là chất xúc tác hỗ trợ thị trường chứng khoán trong năm 2021. Lãi suất huy động chưa có dấu hiệu tăng lại khi lãi suất huy động kì hạn 6 đến 12 tháng của toàn ngành ngân hàng trong tháng 2 vẫn đi trong biên độ từ 4% đến 6% (so với mức trung bình 6,15% của tháng 2 năm ngoái) và gần như đi ngang so với tháng trước theo số liệu của Fiinpro.
Bên cạnh đó, việc thành công bước đầu trong việc kiểm soát dịch Covid-19 đợt ba và các chính sách mở rộng của Chính phủ sẽ ổn định tâm lý thị trường.
Về góc độ tâm lý, VDSC cho rằng sẽ cần thời gian để kiểm định vùng 1.200 điểm nhưng những triển vọng tốt trong trung và dài hạn sẽ giúp thị trường duy trì xu hướng tích cực. Do đó, VDSC đưa quan điểm việc mua đuổi trong những phiên tăng mạnh quanh vùng này nên được hạn chế và nhà đầu tư có thể cân nhắc tham gia thị trường trong những phiên biến động mạnh bằng việc tích lũy những cổ phiếu có nền tảng cơ bản vững chắc trong năm 2021.
VDSC cho rằng diễn biến thị trường sẽ tương đối gập ghềnh khi tiến gần đến ngưỡng tâm lý 1.200 điểm. Các mối lo ngại đến từ (1) Thị trường toàn cầu biến động trong ngắn hạn trong bối cảnh lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng, (2) Hệ thống giao dịch trên sàn HOSE bị tắt nghẽn, (3) Sự trở lại của lạm phát. Tuy nhiên, nền tảng lãi suất thấp, tiến độ phân phối vắc xin nhanh chóng là những chất xúc tác quan trọng để duy trì đà tăng của thị trường. Do đó, VDSC cho rằng VN-Index có thể dao động trong khoảng 1.070 - 1.250 điểm.
Về việc giá hàng hóa thế giới tăng mạnh thời gian qua, VDSC cho rằng diễn biến này sẽ chưa sớm chấm dứt do: (1) Các bất ổn trên diện rộng trong nguồn cung của nhiều loại hàng hóa, (2) Sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ, (3) Diễn biến từ chiến dịch tiêm chủng vắc xin trên toàn cầu cũng đang tiếp thêm kỳ vọng về sự phục hồi của các nền kinh tế phát triển trên thế giới, (4) Các yếu tố mang tính cấu trúc như lãi suất thấp, các gói kích thích tài khóa tiếp theo khiến đồng USD yếu.
Theo đó, ý tưởng đầu tư trong tháng 3 của VDSC bao gồm những doanh nghiệp có thể hưởng lợi trực tiếp từ xu hướng tăng của giá hàng hóa hoặc thông qua khả năng điều chỉnh giá bán tăng tương ứng hoặc hơn mức tăng của giá nguyên vật liệu đầu vào, thuộc các ngành dầu khí (BSR, PLX, GAS), thép (HPG, SMC) và phân bón (DPM).