MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

VDSC: EVN cần tăng giá điện thêm ít nhất 5% trong hai năm tới để hoà vốn

12-07-2024 - 00:06 AM | Doanh nghiệp

EVN lỗ sau thuế 26.772 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD) trong năm 2023, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 20.747 tỷ đồng.

Theo báo cáo cập nhật mới đây của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), do áp lực chi phí sản xuất cao hơn giá bán lẻ điện trong giai đoạn 2021-2023 buộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất điện bình quân trong năm 2024, thông qua việc điều tiết tỷ lệ alpha giữa các loại hình phát điện. Theo đó, tỷ lệ alpha của các nhà máy thủy điện được điều chỉnh lên mức 98%, là tỷ lệ cao nhất kể từ khi thị trường phát điện cạnh tranh bắt đầu vận hành. 

"Ở mức alpha cao như trên, các nhà máy thủy điện khó có khả năng tăng hiệu quả vận hành ở những thời điểm giá điện thị trường cao (điển hình là giai đoạn nắng nóng trong 5 tháng đầu năm). Điều này tạo sức ép đối với kết quả kinh doanh của các nhà máy thủy điện, vốn phụ thuộc vào thị trường phát điện cạnh tranh để cải thiện hiệu quả hoạt động, do giá thị trường điện (FMP) nhìn chung cao hơn giá hợp đồng (Pc) đối với nhóm thủy điện", VDSC cho biết trong báo cáo.

VDSC: EVN cần tăng giá điện thêm ít nhất 5% trong hai năm tới để hoà vốn- Ảnh 1.

Thống kê kết quả kinh doanh quý 1/2024 của các công ty thủy điện, VDSC nhận thấy doanh thu nhìn chung giảm 30-60%, do sản lượng và giá bán điện bình quân giảm. Trong khi đó, biên lợi nhuận gộp của các nhà máy thủy điện đã giảm 20-35 điểm % so với cùng kỳ.

Trong kịch bản tích cực, VDSC dự báo hiệu quả kinh doanh năm 2025 của nhóm thủy điện sẽ cải thiện mạnh nhờ tăng trưởng sản lượng do chu kỳ La Nina và tỷ lệ alpha giảm khi EVN được chủ động hơn trong việc điều chỉnh giá bán lẻ điện theo biến động của giá nhiên liệu và các nguồn điện đầu vào.

Dựa trên số liệu thống kê, VDSC cho rằng EVN sẽ cần tiếp tục điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện trong năm 2024-2025 ít nhất 5% (tương ứng 100 đồng/kWh) để có thể hòa vốn.

Trong tháng 5/2024, EVN đã được cấp cơ chế điều chỉnh giá điện trong 3 tháng theo Quyết định 05/2024/QĐ-TTg (so với 6 tháng trước đây). VDSC kỳ vọng việc được điều chỉnh giá bán lẻ điện sẽ là dư địa để EVN bớt tạo áp lực về tỷ lệ alpha và giá bán cho các công ty thủy điện.

Trong năm 2023, EVN mang về 500.719 tỷ đồng doanh thu trong năm trước, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước. Khấu trừ chi phí, EVN lỗ sau thuế 26.772 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD) trong năm 2023, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 20.747 tỷ đồng. Trong năm 2023 công ty này đã phải trả 18.982 tỷ đồng tiền lãi vay, tăng 4.500 tỷ, tương đương mỗi ngày phải trả 52 tỷ đồng.

VDSC: EVN cần tăng giá điện thêm ít nhất 5% trong hai năm tới để hoà vốn- Ảnh 2.

Cũng theo cập nhật của VDSC, trong 5 tháng đầu năm 2024, sản lượng thủy điện toàn hệ thống giảm 24% còn 19,1 tỷ kWh, tỷ lệ huy động từ nguồn thủy điện cũng giảm so với giai đoạn 2020 – 2022 do yếu tố thời tiết El Nino không thuận lợi.

VDSC cho rằng các công ty thủy điện sẽ hưởng lợi trong năm 2025 so với cùng kỳ nhờ sản lượng tăng trưởng tích cực so với 2024 do chu kỳ chuyển pha La Nina đang diễn ra. Cùng với đó, giá bán điện bình quân trong năm 2025 của các công ty thủy điện sẽ khó có khả năng giảm so với 2024 và có khả năng tăng khi tình hình tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được cải thiện.

Báo cáo của VDSC cho thấy sản lượng thương phẩm của các công ty thủy điện trong chu kỳ La Nina cao hơn chu kỳ El Nino khoảng 10 - 20%. Bên cạnh đó, chi phí sản xuất và giá bán điện của các công ty thủy điện là thấp nhất trong các nguồn điện. Cụ thể, chi phí sản xuất điện/kWh các công ty thủy điện đa phần nằm ở mức 400 – 600 đồng/kWh, thấp hơn nhiều so với mức 1.100 – 1.300 đồng/kWh của các công ty nhiệt điện than.

Trọng Hiếu

An ninh Tiền tệ

Trở lên trên