VDSC: Nhiều ngân hàng tiếp tục nộp đơn xin hạn mức tín dụng
Theo VDSC, nhiều ngân hàng đã gần chạm trần tín dụng được giao và nộp đơn xin cấp hạn mức mới.
- 03-10-2021Thủ tướng chỉ đạo ban hành cơ chế hỗ trợ lãi suất, tín dụng, hướng dẫn về miễn giảm thuế cho doanh nghiệp
- 02-10-2021Tín dụng các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro đang ở mức độ nào?
- 30-09-2021NHNN sắp cho phép giữ nguyên nhóm nợ cho chủ thẻ tín dụng bị giảm thu nhập do dịch bệnh?
Trong báo cáo chiến lược tháng 10, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đề cập tín dụng toàn ngành đến 28/9 tăng 7,5% so với đầu năm, dẫn dắt bởi dư nợ cho vay ngắn hạn, phù hợp với dự báo về việc tăng cho vay kỳ hạn ngắn nhằm mục đích sử dụng hạn mức tín dụng được cấp. Nhiều ngân hàng đã gần chạm mức trần tín dụng được giao và nộp đơn xin cấp hạn mức mới, đây sẽ là động lực cho ngành ngân hàng trong quý IV.
Trước đó, nhiều ngân hàng đã được cấp thêm room tín dụng đợt 2 năm nay, tập trung chủ yếu ở nhóm thương mại cổ phần. Việc nới hạn mức tín dụng phụ thuộc vào tình hình của các ngân hàng, mức độ rủi ro của danh mục tín dụng và mức độ hỗ trợ lãi suất.
Techcombank và TPBank là 2 ngân hàng được cấp mức tăng trưởng tín dụng cao nhất, lần lượt là 17,1 và 17,4%, do tỷ lệ an toàn vốn (CAR) Basel II ở mức cao, danh mục đầu tư rộng và không tập trung quá nhiều vào các ngành nghề rủi ro và có những cam kết hỗ trợ lãi suất trong thời gian tới. MSB được nân hạn mức từ 10,5% đầu năm lên 16%, MB từ 8,5% lên 15%; VIB từ 8,5% lên 14,1%; LienVietPostBank và ACB từ 8,5% và 9,5% cùng lên 13,1%...
Đề cập lợi nhuận quý III, VDSC cũng ước tính kết quả của các ngân hàng sẽ tăng trưởng chậm lại đáng kể so với quý II. Ngoài ra, sau tròn một quý thực hiện giãn cách tại TP HCM, bức tranh nợ xấu của ngành ngân hàng đang là vấn đề được quan tâm nhiều hơn. VDSC vẫn duy trì dự báo nợ xấu và nợ được cơ cấu lại của ngành ngân hàng tăng mạnh trong giai đoạn cuối năm và ảnh hưởng lên tốc độ và độ lớn của trích lập dự phòng. Tuy nhiên, nợ xấu sẽ có độ trễ trong việc hình thành và đồng thời cũng có sự lệch pha giữa tốc độ tăng nợ xấu của các ngân hàng. Điều này có thể được nhận thấy thông qua mức độ giảm giá cổ phiếu của các ngân hàng thời gian qua, nếu điều chỉnh thêm cho các yếu tố câu chuyện riêng biệt.
Nợ xấu được dự báo sẽ tăng trong giai đoạn cuối năm. Ảnh: B.L.
VDSC kỳ vọng điểm rơi về nợ xấu sẽ chủ yếu ở quý IV, nhưng các ngân hàng sẽ chủ động trích lập trong quý III tùy tình hình và năng lực tài chính của riêng từng ngân hàng. Do yếu tố độ trễ này, CTCK duy trì quan điểm lạc quan trong thận trọng về ngành ngân hàng, với tầm nhìn tích cực tập trung tại một số lượng cổ phiếu nhất định.
Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh đề cập khi Covid-19 đến trong năm 2020 và năm 2021, NHNN đánh giá độ trễ sẽ còn tác động cả sang năm 2022 nên ngành ngân hàng sẽ vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
Theo ông Kim Anh, tỷ lệ nợ xấu nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn cuối năm nay dự kiến sẽ ở mức 7,1% - 7,7%, xấp xỉ 8%. Kết quả này được dự báo trên cơ sở ngân hàng đã thực hiện cơ cấu lại nợ, giãn hoãn theo Thông tư 01, Thông tư 03 và Thông tư 14.
NDH