VDSC: Thu nhập lãi của các ngân hàng sẽ chậm lại rõ hơn từ quý II
Hạn mức tăng trưởng tín dụng sẽ không được nới thêm quá nhiều do NHNN phải giữ định hướng đảm bảo chất lượng tín dụng và kiểm soát lạm phát. Tác động tiêu cực lên NIM và thu nhập lãi của ngân hàng do các chính sách miễn, giảm lãi sẽ mạnh hơn so với quý I. Các chính sách nới lỏng của NHNN có thể hỗ trợ các TCTD mở rộng cho vay, giảm chi phí vốn và giãn nợ lâu hơn.
- 12-05-2020Ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp hậu COVID-19: 'Hà hơi, thổi ngạt' cách nào?
- 11-05-2020Có tình trạng 'doanh nghiệp thua lỗ gây áp lực cho hoạt động ngân hàng'
- 11-05-2020Giá USD trên "chợ đen" và ngân hàng đồng loạt giảm mạnh
CTCK Rồng Việt (VDSC) vừa cập nhật nhận định ngành ngân hàng. Về tín dụng, VDSC cho rằng hạn mức tăng trưởng tín dụng sẽ không được nới thêm quá nhiều do NHNN vẫn phải giữ định hướng đảm bảo chất lượng tín dụng và kiểm soát lạm phát. Do đó, VDSC giữ nguyên dự báo hạn mức tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng sẽ được nới thêm 2-3 điểm phần trăm so với mức đã giao đầu năm.
Tăng trưởng tín dụng năm 2020 ở các ngân hàng theo dõi nhiều khả năng sẽ nằm trong khoảng từ 13% đến 15% (trừ BIDV và VietinBank có thể thấp hơn mức này). Về tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM), VDSC vẫn dự báo sẽ đi ngang hoặc giảm ở hầu hết ngân hàng do tác động của ưu đãi lãi suất cho vay dự kiến vẫn mạnh hơn tác động của giảm lãi suất chính sách.
CTCK nhận định thu nhập lãi của các ngân hàng sẽ chậm lại rõ hơn từ quý II. So với các ngân hàng tư nhân, thu nhập lãi của các ngân hàng quốc doanh trong 2020 nhiều khả năng sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn do các nhóm này được kỳ vọng sẽ đi đầu trong việc áp dụng các biện pháp miễn giảm lãi, cơ cấu nợ cho khách hàng.
VDSC nhận định rằng sắp tới các ngân hàng với hoạt động tín dụng của mình cũng sẽ phải hỗ trợ tích cực hơn khách hàng để góp phần hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, trong bối cảnh Chính phủ xác định rằng việc hồi phục tăng trưởng kinh tế là nhu cầu cấp bách và là nhiệm vụ của tất cả các thành phần.
Trước đó, Thủ tướng khẳng định rằng tăng trưởng kinh tế năm 2020 phải cao hơn so với dự báo gần đây của IMF (2,7%, giảm từ mức 7% đưa ra hồi tháng 1). Mục tiêu đặt ra ít nhất là 5%, trong khi thực tế đạt vào quý I là 3,82% so với cùng kỳ. Điều này hàm ý rằng tăng trưởng của các quý cuối năm phải được thúc đẩy mạnh hơn nhằm bù đắp cho tăng trưởng chậm trong quý đầu tiên và khả năng lớn là cả quý II.
Phạm vi và mức độ miễn giảm lãi, cơ cấu nợ sẽ mở rộng hơn trong các tháng tới. Ảnh: L.H
Mức lãi suất cho vay đã giảm 0,5-2,5 điểm phần trăm so với trước dịch. Trong đó, khách hàng doanh nghiệp chiếm gần 80% số dư nợ đã được các ngân hàng, tổ chức tín dụng hỗ trợ. VDSC cho rằng các chính sách này đã có hiệu quả trong việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế từ 0,8% vào giữa tháng 4 lên 1,3% vào ngày 28/4.Đến 8/5, toàn hệ thống ngân hàng đã tiến hành giãn nợ/tái cơ cấu nợ cho 215.000 khách hàng với dư nợ 130.000 tỷ, tương đương 1,6% dư nợ hệ thống, đồng thời miễn giảm lãi cho 260.000 khách hàng với trên một triệu tỷ dư nợ, chiếm 12,2% dư nợ hệ thống. Các tổ chức tín dụng (TCTD) cũng cho vay mới với lãi suất ưu đãi cho 182.000 khách hàng với 630.000 tỷ đồng dư nợ từ ngày bắt đầu có dịch, tương đương 7,7% dư nợ hệ thống.
NHNN yêu cầu các ngân hàng thực hiện các biện pháp miễn giảm lãi, cơ cấu nợ một cách quyết liệt và nhanh chóng hơn. Thống đốc nhấn mạnh các ưu đãi theo Thông tư 01 có thể được áp dụng cho bất cứ cá nhân, tổ chức, hộ gia đình là khách hàng bị sụt giảm doanh thu do dịch mà không giới hạn ngành nghề, loại hình, cho tất cả các khoản vay thỏa mãn điều kiện mà không phân biệt đồng tiền vay và nhóm nợ tại thời điểm thực hiện cơ cấu nợ, miễn giảm lãi. NHNN cũng yêu cầu các ngân hàng phải xử lý nhanh chóng các yêu cầu hỗ trợ của khách hàng và sẽ xử lý nghiêm các trường hợp gây khó khăn cho bên yêu cầu.
Với định hướng này, VDSC cho rằng phạm vi và mức độ miễn giảm lãi, cơ cấu nợ sẽ mở rộng hơn trong các tháng tới. Dự kiến, tác động tiêu cực lên NIM (và sau đó là thu nhập lãi) sẽ trở nên mạnh hơn so với quý I.
Mặt khác, NHNN cũng đã gợi ý một số chính sách nới lỏng có thể được xem xét trong thời gian tới để hỗ trợ các ngân hàng tăng cường miễn giảm lãi cho khách hàng. Thứ nhất, NHNN cam kết cung ứng đầy đủ vốn cho nền kinh tế, đồng thời sẽ cân nhắc điều chỉnh tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng so với chỉ tiêu đã giao đầu năm, như vậy các ngân hàng sẽ có thêm dư địa để cho vay.
Thứ hai, các lãi suất điều hành như lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu, lãi suất thị trường mở… có thể sẽ được giảm thêm, nếu vậy ngân hàng có thể giảm chi phí vốn và có thêm dư địa giảm lãi suất cho vay ở quy mô rộng hơn. Thứ ba, NHNN cũng sẽ xem xét kéo dài hơn thời gian cơ cấu lại nợ nếu cần thiết, nếu vậy, các ngân hàng có thể giãn nợ lâu hơn cho các khách hàng tốt nhưng chưa sắp xếp được kịp dòng tiền trả nợ.
Người đồng hành