MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

VĐV Olympic làm gì với khoản tiền thưởng "khổng lồ" nhờ đoạt huy chương?: Nhận gần 1 triệu USD cũng chưa bù nổi chi phí đầu tư, đa số đều dành hết cho gia đình

08-08-2021 - 11:33 AM | Sống

VĐV Olympic làm gì với khoản tiền thưởng "khổng lồ" nhờ đoạt huy chương?: Nhận gần 1 triệu USD cũng chưa bù nổi chi phí đầu tư, đa số đều dành hết cho gia đình

Tiền thưởng thêm cho mỗi VĐV giành huy chương tại Olympic có thể lên đến 740.000 USD. Một số khác lại nhận được thư khen ngợi từ hoàng gia.

Giành huy chương vàng môn Đấu vật tại Olympic Tokyo, VĐV Tamyra Mensah-Stock (25 tuổi) dự định sẽ dùng tiền thưởng để mua cho mẹ một chiếc xe tải bán đồ ăn trị giá 30.000 USD.

"Cuối cùng mẹ tôi cũng có một chiếc xe tải bán đồ ăn. Bà ấy nấu nướng rất giỏi", cô gái người Mỹ phấn khích nói.

Tamerlan Bashaev (25 tuổi) - VĐV người Nga đã giành huy chương đồng môn Judo - lại muốn dùng tiền thưởng để kết hôn và đi nghỉ trăng mật. Andrea Proske - VĐV giúp Canada lần đầu đạt huy chương vàng tại bộ môn Chèo thuyền 8 người nữ kể từ năm 1992 - háo hức chờ tới ngày được đưa mẹ đi du lịch ở London (Anh).

Proske (35 tuổi) đã được thưởng 20.000 CAD (366 triệu VNĐ). "Đã lâu tôi không gặp bà ấy", cô nói. "Khoảnh khắc được ôm mẹ sau những ngày Covid-19 sẽ rất đặc biệt".

VĐV Olympic làm gì với khoản tiền thưởng khổng lồ nhờ đoạt huy chương?: Nhận gần 1 triệu USD cũng chưa bù nổi chi phí đầu tư, đa số đều dành hết cho gia đình - Ảnh 1.

Tamyra Mensah-Stock sẽ mua xe tải bán đồ ăn cho mẹ . (Ảnh: Tom Pennington/Getty Images)

Nơi thưởng gần triệu USD, nơi chỉ trao thư khen ngợi từ hoàng gia

Giành huy chương Olympic được coi là thành tích đỉnh cao trong sự nghiệp của một VĐV. Dù vậy, không phải ai cũng là VĐV triệu phú như Naomi Osaka, Rory McIlroy hay Kevin Durant. Do đó, việc đi thi đấu ở cấp độ này có thể là một gánh nặng tài chính với họ.

Ngoài tấm huy chương danh giá, các VĐV Olympic còn được động viên bằng những khoản tiền thưởng kếch xù. Một số quốc gia trao thưởng cho các VĐV rất hậu hĩnh, khiến nhiều nhiều người khác phải ghen tị.

Hào phóng nhất là Singapore, với khoản tiền lên đến 1 triệu SGD (16,9 tỷ VNĐ) dành cho VĐV giành huy chương vàng. Tại Mỹ, VĐV sẽ nhận được 37.500 USD (862 triệu VNĐ) cho huy chương vàng, 22.500 USD (517 triệu VNĐ) cho huy chương bạc và 15.000 USD (310 triệu VNĐ) cho huy chương đồng.

Tuy nhiên, tại Anh, New Zealand và Na Uy, VĐV giành huy chương sẽ không nhận thêm khoản thưởng nào.Một số quốc gia khác lại trao thưởng dưới các hình thức khác như tặng nhà, cung cấp đồ uống miễn phí cả đời, miễn phí bay, hoặc miễn nghĩa vụ quân sự.

"Thật buồn cười vì đây không phải là mục đích mà chúng tôi thi đấu", VĐV bóng chày người Mỹ Eddy Alvarez cho biết. Anh từng nhận 15.000 USD (344 triệu VNĐ) cho tấm huy chương bạc tại Olympic Sochi 2014.

"Nhiều VĐV đi thi Olympic không phải để trở thành triệu phú. Chỉ một số ít có thể làm giàu từ việc thi đấu, còn chúng tôi đi thi là vì vinh quang và niềm tự hào. Chúng tôi bỏ ra nhiều công sức đến vậy để tìm kiếm một tấm huy chương củng cố sự nghiệp của bản thân. Tiền chỉ là thứ yếu, ít nhất là với tôi."

VĐV Olympic làm gì với khoản tiền thưởng khổng lồ nhờ đoạt huy chương?: Nhận gần 1 triệu USD cũng chưa bù nổi chi phí đầu tư, đa số đều dành hết cho gia đình - Ảnh 2.

Alvarez tiết lộ, anh đã mang khoản tiền thưởng năm 2014 đi gửi tiết kiệm ở ngân hàng. Sau đó, anh rút ra để trả tiền nhà và các nhu cầu khác. Alvarez hiện đang chơi cho các giải nhỏ, nơi VĐV hưởng mức lương khoảng 1.000-15.000 USD/mùa (23-344 triệu VNĐ).

"Mọi chuyện đã trở nên khác biệt đôi chút kể từ khi tôi có con trai", anh nói. "Khoản tiền thưởng sẽ dành cho đứa bé."

Khi giành tấm huy chương vàng đầu tiên trong lịch sử cho đoàn thể thao Singapore tại Olympic Rio 2016, Joseph Schooling đã được thưởng rất hậu hĩnh.

Vào thập niên 1990s, Hội đồng Olympic Singapore đã đề xuất khung thưởng cho VĐV tham dự các giải đấu lớn. Một huy chương vàng tại SEA Games sẽ được thưởng 10.000 SGD (169 triệu VNĐ), còn một huy chương vàng tại Olympic sẽ được thưởng 1 triệu SGD. Số tiền này được tài trợ bởi các doanh nghiệp trong nước và doanh thu thể thao của quốc gia.

"Trao tiền thưởng là cách giúp các VĐV theo đuổi giấc mơ thể thao mà không phải lo nghĩ về vấn đề cơm áo gạo tiền", Chuan-Jin Tan - Chủ tịch Hội đồng Olympic Singapore - khẳng định.

VĐV Olympic làm gì với khoản tiền thưởng khổng lồ nhờ đoạt huy chương?: Nhận gần 1 triệu USD cũng chưa bù nổi chi phí đầu tư, đa số đều dành hết cho gia đình - Ảnh 3.

(Ảnh: AP)

Muôn vàn cách dùng tiền thưởng: Báo hiếu, xây nhà, làm từ thiện,...

Sau khi nộp thuế và đóng góp theo quy định, Schooling còn lại 650.000 SGD (11 tỷ VNĐ). VĐV bơi lội này gửi tiền vào tài khoản tiết kiệm chung của cha mẹ, bởi lẽ họ đã hy sinh và đầu tư rất nhiều để anh có thể đến Mỹ du học và theo đuổi giấc mơ Olympic.

Theo kình ngư người Singapore, số tiền cha mẹ anh đã bỏ ra lớn gấp đôi số tiền thưởng anh nhận được sau khi giành huy chương Olympic. "Sự hy sinh vô hình của gia đình còn gấp 5-6 lần tiền thường", anh nhận định.

Nhiều VĐV Olympic khác cũng dự định sẽ dành khoản tiền thưởng cho gia đình. Teddy Riner (32 tuổi) - VĐV người Pháp đã đoạt 1 huy chương vàng và 1 huy chương đồng môn Judo tại Tokyo (Nhật Bản) - cho biết, anh sẽ gửi tiền vào tài khoản tiết kiệm của các con, sau đó đưa chúng đi du lịch.

Igor Son (22 tuổi) - VĐV người Kazakhstan đã giành huy chương đồng môn Cử tạ - sẽ dùng tiền thưởng để chi trả phí chữa bệnh cho người em trai bị bại não.

VĐV Olympic làm gì với khoản tiền thưởng khổng lồ nhờ đoạt huy chương?: Nhận gần 1 triệu USD cũng chưa bù nổi chi phí đầu tư, đa số đều dành hết cho gia đình - Ảnh 4.

Khi giành huy chương đồng môn Taekwondo tại Olympic Rio 2016, VĐV người Bờ Biển Ngà Ruth Gbagbi (27 tuổi) đã dùng số tiền thưởng 54.000 USD (1,2 tỷ VNĐ) để xây nhà riêng và cải tạo nhà cho cha mẹ. Tại Olympic Tokyo 2020, cô bảo vệ thành công danh hiệu của mình, nhưng chưa biết làm gì với số tiền thưởng sắp tới.

Là 1 trong 3 VĐV người Bờ Biển Ngà duy nhất từng giành huy chương Olympic, Gbagbi hơi thất vọng khi so sánh với tiền thưởng của các nước. "Nước tôi có thể làm nhiều hơn thế", cô nói.

Idalys Ortiz (31 tuổi) - VĐV người Cuba đoạt huy chương đồng môn Judo tại Olympic Tokyo 2020 - tỏ ra bực tức khi bị hỏi về kế hoạch sử dụng tiền thường.

"Ai muốn sống thế nào thì tùy ý họ", cô nói. "Nếu muốn giúp những người vô gia cư trên phố, tôi sẽ giúp. Nếu muốn mua nhà, tôi sẽ mua. Làm gì với tiền thưởng là việc của chúng tôi."

Kjetil Borch (31 tuổi) - VĐV người Na Uy giành huy chương bạc môn Chèo thuyền đơn 2 mái chèo - chỉ mỉm cười khi nhắc đến khoản tiền thưởng.

"Có lẽ chúng tôi sẽ nhận được một lá thư khen ngợi từ Đức vua và Thủ tướng", anh chia sẻ. "Tôi khá chắc là Croatia và Hy Lạp sẽ không được nhận thư từ Đức vua".

VĐV Olympic làm gì với khoản tiền thưởng khổng lồ nhờ đoạt huy chương?: Nhận gần 1 triệu USD cũng chưa bù nổi chi phí đầu tư, đa số đều dành hết cho gia đình - Ảnh 5.

Kjetil Borch chỉ nhận được một bức thư từ Đức vua Na Uy (Ảnh: Piroschka Van De Wouw/Reuters)

Borch tiết lộ, anh đã đóng khung lá thư nhận được từ Vua Harald V sau khi đoạt huy chương bạc tại Olympic Rio 2016.

Theo Halvor Lea - phát ngôn viên của Ủy ban Olympic Na Uy, họ không trao tiền thưởng mà gửi trợ cấp. Mỗi VĐV sẽ nhận được 12.000 EUR/năm (367 triệu VNĐ) để chi trả cho trang thiết bị và các chuyến tập huấn, không phải dùng để mua xe sang hay đồng hồ xịn.

"Tôi may mắn khi có nhà tài trợ riêng", Borch tâm sự. "Tôi sẽ nói chuyện với họ sau khi trở về nhà. Tôi chỉ có xe Lego thôi, chứ nhà thì không".

Khi biết Singapore tặng cho VĐV đoạt huy chương vàng gần 1 triệu USD, Borch vô cùng sử sốt. "Mất bao lâu để nộp đơn xin quốc tịch vào nước họ vậy?", anh nói đùa.

(Theo NYTimes)

Tú Khê

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên